3 rào cản khiến Ukraine chưa tìm được lối thoát trong xung đột với Nga

Theo Wall Street Journal, sau 18 tháng nổ ra xung đột, Ukraine đang phải đối mặt với ba vấn đề khiến cuộc giao tranh với Nga có thể kéo dài.

Quân đội Ukraine đang đạt được một số bước tiến trên chiến trường nhưng vẫn thiếu sức mạnh về không quân và binh sĩ được huấn luyện bài bản để đẩy lùi các lực lượng Nga. Trong khi đó, phương Tây đang thận trọng trong việc cung cấp vũ khí cho Ukraine, đồng thời muốn Moscow và Kiev đàm phán về một lệnh ngừng bắn.

Mặc dù vậy, cuộc xung đột ở Ukraine sẽ chưa thể kết thúc cho đến khi một trong ba vấn đề trên được giải quyết.

Một đội xe tăng Ukraine ở Donbass. Ảnh: Wall Street Journal

Triển vọng quân sự của Ukraine

Quân đội Ukraine đã chọc thủng tuyến phòng thủ đầu tiên của Nga gần Robotyne ở phía Đông Nam. Việc chiếm được làng Robotyne sẽ là bàn đạp để quân Ukraine tiến gần hơn đến thành phố Tokmak. Từ Tokmak, quân đội Ukraine sẽ tiến tiếp về phía Nam để đến bờ Biển Azov, hình thành một hành lang chia cách các vùng kiểm soát của Nga tại khu vực phía Đông Nam Ukraine. Đây chính là một trong những mục tiêu quan trọng của cuộc phản công Ukraine. Tuy nhiên, Ukraine vẫn cách khu vực hướng tới Biển Azov khoảng 90km.

Để có thể đạt được bước đột phá trong cuộc phản công, Ukraine cần phải vượt qua hệ thống phòng thủ kiên cố của Nga ở mặt trận phía Nam trước khi mùa đông tới khiến thời tiết trở nên khắc nghiệt hơn.

Các binh sĩ Ukraine ở Zaporizhzhia và Donetsk cho biết họ đã gặp nhiều khó khăn trong cuộc phản công mùa hè. Các bãi mìn dày đặc, thiếu sức mạnh không quân và hệ thống phòng không, những thiếu sót trong quá trình huấn luyện các đơn vị mới và khả năng phòng thủ hiệu quả hơn của Nga đã khiến quân đội Ukraine chịu nhiều tổn thất.

Theo một nghiên cứu mới về cuộc phản công của Ukraine từ Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI), lực lượng Ukraine đã giảm bớt tổn thất về binh lính và xe bọc thép bằng cách điều chỉnh chiến thuật. Tuy nhiên, cách tiếp cận mới với sự thận trọng có thể tạo cơ hội cho quân đội Nga có thời gian để thiết lập lại phòng tuyến.

Wall Street Journal đánh giá, việc Ukraine đạt được bước ngoặt trong cuộc phản công cũng phụ thuộc vào viện trợ quân sự và kinh tế từ Mỹ và các đồng minh châu Âu.

Sự thận trọng của phương Tây

Cho đến nay, các nước phương Tây cung cấp vũ khí cho Ukraine theo cách tiếp cận có chừng mực nhằm giúp Kiev ứng phó với Moscow nhưng hạn chế nguy cơ leo thang thành xung đột trực tiếp với Nga.

Bất chấp những cảnh báo từ Nga, Mỹ đã dần mở rộng kho vũ khí hỗ trợ cho Ukraine, từ tên lửa phòng không Javelin và Stinger tới hệ thống pháo phản lực HIMARS, các hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến, UAV, trực thăng, xe tăng M1 Abrams. Gần đây nhất, Mỹ đồng ý để Đan Mạch, Hà Lan gửi máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine.

Việc chấp thuận gửi máy bay chiến đấu F-16 từ Đan Mạch và Hà Lan cho Ukraine thể hiện quyết định đảo ngược đáng kể của chính quyền Tổng thống Biden. Trước đó, Mỹ đã từ chối chấp thuận cho bất kỳ hoạt động chuyển giao hoặc huấn luyện sử dụng máy bay chiến đấu nào cho Ukraine do lo ngại về khả năng leo thang căng thẳng với Nga.

Những lo ngại về việc leo thang căng thẳng với Nga của Mỹ và một số đồng minh NATO sẽ cản trở hy vọng của Ukraine về vũ khí tiên tiến. Đến nay, Ukraine mong muốn phương Tây sẽ cung cấp máy bay chiến đấu và hệ thống tên lửa tác chiến lục quân (ATACMS).

“Tôi nghĩ rằng lo ngại về sự leo thang với Nga đã hạn chế việc cung cấp cho Ukraine nhiều hệ thống vũ khí”, Dan Rice, cựu cố vấn cho Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine, nói, cho rằng Nhà Trắng do dự cung cấp ATACMS cho Ukraine là do lo ngại Kiev sẽ sử dụng vũ khí này để tấn công cầu Crimea bắc qua eo biển Kerch. Cầu Crimea là tuyến đường tiếp tế quan trọng cho các lực lượng Nga ở Ukraine.

Khả năng đàm phán với Nga

Tại Mỹ và một số nước châu Âu, nhiều quan chức cho rằng Ukraine sẽ khó giành lại toàn bộ lãnh thổ hiện do Nga kiểm soát nếu như không có sự gia tăng lớn về viện trợ quân sự từ phương Tây.

Một số chuyên gia phương Tây lập luận việc đóng băng xung đột và chấp nhận mất lãnh thổ sẽ mang lại lợi ích cho Ukraine thay vì phải chịu nhiều tổn thất về nhân lực và trang thiết bị.

Tuy nhiên, các cuộc khảo sát chỉ ra rằng đa số người Ukraine phản đối việc nhường lãnh thổ cho Nga. Trước đó, vào tháng 4, Tổng thống Zelensky khẳng định “sẽ không có hòa bình đánh đổi bằng sự nhượng bộ lãnh thổ”.

Trước đó, ngày 5/9, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba tuyên bố Kiev không thể tiến hành các cuộc đàm phán hòa bình với Tổng thống Nga Vladimir Putin vì không tin tưởng nhà lãnh đạo Nga.

Ngoại trưởng Ukraine cho rằng ngay cả khi nhà lãnh đạo Nga đưa ra lời hứa, cũng không có gì đảm bảo rằng ông sẽ giữ lời.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hồi tháng 10 năm ngoái từng ký sắc lệnh bác khả năng đàm phán với người đồng cấp Nga. Ông Zelensky tuyên bố Ukraine sẵn sàng đàm phán, nhưng không phải với ông Putin.

Một số chuyên gia Ukraine cho rằng, ngay cả khi Tổng thống Putin sẵn sàng chấp thuận một thỏa thuận hòa bình, ông ấy cũng sẽ không tuân theo.

“Tổng thống Putin có thể sẽ chỉ coi lệnh ngừng bắn là thời gian để tăng cường lực lượng quân sự”, cựu Ngoại trưởng Nga Andrei Kozyrev, nói.

Mai Trang/VOV.VN Tổng hợp

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/3-rao-can-khien-ukraine-chua-tim-duoc-loi-thoat-trong-xung-dot-voi-nga-post1045143.vov