250 tỷ đồng chiết khấu và những con số bất cập về sách giáo khoa

199 đầu sách, hơn 100 triệu bản in, doanh thu đạt 703 tỷ đồng, chiết khấu 250 tỷ đồng và lỗ 40 tỷ đồng là những con số đáng chú ý về phát hành sách giáo khoa (SGK) năm 2017.

Nhiều năm qua, NXB Giáo dục Việt Nam thuộc Bộ GD&ĐT độc quyền về SGK. Theo Báo cáo công bố thông tin 2017 NXB Giáo dục Việt Nam gửi Bộ GD&ĐT, tổng doanh thu của đơn vị này đạt 1.203 tỷ đồng. Doanh thu đến từ hoạt động kinh doanh in ấn, dịch vụ hỗ trợ giáo dục, xuất bản các loại xuất bản phẩm (giáo trình, SGK, sách tham khảo,...), kinh doanh phát hành xuất bản phẩm, sản xuất và cung ứng thiết bị dạy học, bất động sản.

Hoạt động kinh doanh chính của NXB Giáo dục Việt Nam là xuất bản SGK, sách bổ trợ, sách tham khảo và các công cụ hỗ trợ giáo dục. Trong đó, doanh thu từ SGK đạt 703,9 tỷ đồng, chiếm 58% tổng doanh thu.

Trả lời báo chí ngày 21/9, ông Hoàng Lê Bách - Tổng giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam - thông tin kết quả kinh doanh mảng SGK của đơn vị này liên tục lỗ hàng chục tỷ đồng. Năm ngoái, con số này là 38,14 tỷ đồng. Mức lỗ hai năm 2015, 2016 còn cao hơn, lần lượt là 43,8 tỷ đồng và 43,3 tỷ đồng.

Điều khiến dư luận thắc mắc là dù liên tục lỗ, chiết khấu SGK vẫn ở mức cao. Theo Báo cáo tóm tắt về kết quả khảo sát một số nội dung trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về xuất bản, in, phát hành SGK giáo dục phổ thông giai đoạn 2012-2017, vừa được Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội công bố, chiết khấu SGK của NXB Giáo dục Việt Nam lên đến 250 tỷ đồng/năm. Báo cáo của ủy ban này đánh giá mức chiết khấu trên quá cao, hoàn toàn không phù hợp.

Dù báo lỗ 40 tỷ đồng/năm về SGK, NXB Giáo dục Việt Nam vẫn “ăn nên làm ra”, Theo Báo cáo Tài chính Kiểm toán năm 2017 của NXB Giáo dục Việt Nam gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mức lợi nhuận trước thuế đạt 150,8 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế gần 139,8 tỷ đồng, gấp đôi năm 2016.

SGK lỗ vốn, chiết khấu cao nhưng NXB Giáo dục Việt Nam vẫn “ôm” mảng này với số lượng bản in hàng năm ổn định ở mức hơn 100 triệu bản. Năm 2017, sản lượng SGK đạt 107.807.120 bản.

Theo danh sách SGK năm học 2017-2018 được NXB Giáo dục Việt Nam công khai, tổng đầu sách phổ thông là 199. Trong đó, bộ SGK lớp 1, 2, 3 có 6 cuốn, lớp 4, 5 là 9 cuốn. Ở cấp THCS, môn Ngoại ngữ có 5 đầu sách. Do đó, lớp 6, 7 gồm 16, lớp 8 có 17 đầu sách, lớp 9 có 21 đầu sách (môn Công nghệ 5 đầu sách). Đối với cấp THPT, chương trình chuẩn có 18 đầu sách, chương trình nâng cao 13 đầu sách.

Tổng giá của 199 đầu sách là 2.046.600 đồng. Như vậy, giá trung bình mỗi cuốn là 10.248 đồng.

Mức giá cao nhất thuộc về sách Tiếng Nhật 12 trong chương trình chuẩn (70.000 đồng).Trong khi đó, cuốn sách rẻ nhất là Tập viết lớp 1, 2. Mỗi cuốn chỉ giá 2.900 đồng.

Dù báo lỗ, tổng quỹ lương năm 2017 của NXB Giáo dục Việt Nam đạt 78 tỷ đồng, bao gồm 6,8 tỷ đồng cho cấp quản lý và 71,2 tỷ đồng cho người lao động. Trong đó, thu nhập của 13 cán bộ quản lý tại đơn vị này trung bình vào khoảng 523 triệu đồng , tương đương gần 44 triệu/tháng. Với 244 lao động phổ thông, bình quân mỗi lao động tại đây nhận về mức thu nhập 292 triệu/năm, tương đương 24,3 triệu mỗi tháng.

Luật giáo dục 'mở đường' cho tiêu cực sách giáo khoa

Theo TS Lê Viết Khuyến, Luật giáo dục hiện hành "mở đường" cho tiêu cực khi quy định "một chương trình, một bộ sách giáo khoa".

Bảo Châu - Nguyễn Sương

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/250-ty-dong-chiet-khau-va-nhung-con-so-bat-cap-ve-sach-giao-khoa-post880098.html