2 người mẹ của 2 cầu thủ cùng tên Tiến Dũng nói gì về con sau trận thắng lịch sử?

Mẹ của trung vệ Tiến Dũng ngất xỉu còn mẹ của thủ môn Tiến Dũng thì 'tim muốn rớt ra ngoài' khi con trai họ cùng U23 Việt Nam đánh bại Iraq để vào bán kết giải U23 châu Á.

Bố mẹ của thủ môn Tiến Dũng quặn lòng vì biết con tiêm thuốc giảm đau để vào sân

Bà nội của thủ môn Tiến Dũng là bà Phạm Thị Giáp (75 tuổi) vui mừng vô cùng khi đứa cháu nội góp phần không nhỏ vào chiến thắng của đội tuyển U23 Việt Nam

Bà Phạm Thị Điều, mẹ của thủ môn Tiến Dũng, cho VnExpress biết việc con trai cùng U23 Việt Nam đánh bại Iraq để vào bán kết giải U23 châu Á là “giây phút hạnh phúc nhất cuộc đời”.

“Tôi vẫn chưa thở nổi. Cả trận đấu tim chỉ muốn rụng ra ngoài”, bà Phạm Thị Điều chia sẻ với VnExpress khi trận đấu giữa Việt Nam và Iraq tại vòng chung kết U23 châu Á đã kết thúc.

Thủ môn Tiến Dũng được coi là người hùng của Việt Nam tại giải đấu đang diễn ra ở Trung Quốc. Bên cạnh nhiều pha giải nguy trong 120 phút thi đấu, anh đã chặn đứng pha đá 11m của đội trưởng Bashar, giúp đội nhà thắng 5-3.

Tuy nhiên, bà Điều cho hay: “Tôi không muốn gọi Tiến Dũng là người hùng. Chiến công này thuộc về cả đội. Các con đã chiến đấu, mang về hạnh phúc cho hàng triệu người hâm mộ. Với tôi, đây là giây phút hạnh phúc nhất cuộc đời mình. Còn với bố của Tiến Dũng thì chắc không cần phải nói, ông ấy đang bàn luận say sưa cũng mọi người”.

Còn ông Bùi Văn Khánh, bố của thủ môn Bùi Tiến Dũng cho biết ông vừa xem vừa lo vì biết con trai phải tiêm thuốc giảm đau để vào sân trận tứ kết.

"Tự hào lắm cháu ạ, từ lúc bật tivi chú đã có niềm tin đội mình sẽ giành chiến thắng rồi. Cả làng vui như ngày hội. Gia đình cũng hãnh diện lắm, nhưng chú vừa xem vừa quặn lòng vì qua báo chí mới biết con cố tiêm thuốc giảm đau để vào sân thi đấu trận tứ kết", ông Khánh chia sẻ.

Ông Bùi Văn Khánh - bố của thủ môn Bùi Tiến Dũng - khoe quả bóng có chữ ký của con ông cùng đồng đội sau giải U20 World Cup

Ông Bùi Văn Khánh kể lại tối 20/1 cả làng tập trung tới nhà xem bóng đá, vui như ngày hội (làng Bào, xã Phúc Thịnh, huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa - PV).

"Tôi thấy Dũng và các đồng đội đã cố gắng hết sức rồi. Nhìn các cháu kiệt sức, nén đau bước vào hiệp phụ mà thấy thương lắm. Nói thật, tôi nghĩ U23 Việt Nam giành chiến thắng chưa chắc vì ta giỏi hơn họ, mà là do ta dũng cảm hơn đối thủ, quyết tâm hơn đối thủ", ông Khánh nhận xét.

Cha của hai tuyển thủ U23 Việt Nam Bùi Tiến Dũng (thủ môn) và Bùi Tiến Dụng (tiền vệ) mong anh em và toàn đội U23 Việt Nam luôn giữ ngọn lửa nhiệt huyết, mong các bác sĩ tìm mọi biện pháp giúp toàn đội nhanh chóng hồi phục trước trận bán kết.

"Mong các con bản lĩnh và tự tin trước trận bán kết. Hàng triệu người Việt Nam ở quê nhà đang dõi theo và chờ đợi tin vui từ các con", ông Khánh nói.

Mẹ của trung vệ Tiến Dũng ngất xỉu khi thấy con bước ra sút quả bóng cuối cùng

Bà Hường và ông Quang (bố mẹ của trung vệ Bùi Tiến Dũng). Ảnh: VnExpress

Một ngày sau chiến thắng của tuyển Việt Nam, căn nhà cấp 4 vừa xây xong của vợ chồng ông Bùi Như Quang (63 tuổi), bà Dương Thị Hường (62 tuổi) - bố, mẹ của trung vệ Bùi Tiến Dũng đón nhiều vị khách ghé thăm để chúc mừng thành tích của con trai cùng đội tuyển U23 Việt Nam vừa giành vé vào vòng bán kết giải Vô địch bóng đá U23 châu Á 2018.

Nhìn cậu con trai Bùi Tiến Dũng sút thành công ở loạt luân lưu trong trận đấu với U23 Iraq để đưa U23 Việt Nam vào bán kết giải U23 châu Á tối qua (20/1), mẹ tuyển thủ khoác áo số 4 đã ngất đi vì quá hạnh phúc.

Trước loạt đá luân lưu họ đều không dám nhìn lên màn hình tivi vì quá lo lắng cho một kết quả không như mong đợi cho đến khi Bùi Tiến Dũng sút thành công quả luân lưu 11 m cuối cùng, giành tấm vé vào vòng trong cho đội U23 Việt Nam.

“Dũng ơi, sao con to gan thế!” là những gì bà Hường nói được lúc thấy cầu thủ mang chiếc quần số 4 bước ra đá quả bóng cuối cùng trong loạt đá luân lưu.

Những tấm huy chương mà Tiến Dũng giành được từ khi theo nghiệp bóng đá luôn được treo trang trọng trong nhà. Ảnh: VnExpress

“Thấy con trai bước ra, nhiều người nói Dũng liều quá, thấy nó đó tôi không dám xem tiếp vì sợ con sút hỏng. Chỉ đến khi nghe tiếng hò reo Việt Nam thắng rồi. Nhìn lên thấy con trai cầm chiếc áo chạy khắp sân, quá bất ngờ, quá hạnh phúc, tôi không biết lúc ấy mình ra sao, ngất đi lúc nào không hay biết”, bà Hường nhớ lại.

Không cầm nổi nước mắt khi hỏi về cậu con trai, ông Bùi Như Quang đến bây giờ vẫn chưa thể tin chiến thắng đầy cố gắng của U23 Việt Nam. Đánh giá về trận đấu đầy kịch tính trước đối thủ được đánh giá cao hơn về mọi mặt, ông Quang cho rằng tuyển Việt Nam đã rất cố gắng, đá rất hay và điều đó được đền đáp xứng đáng bằng chiến thắng thuyết phục.

“Tim tôi như thể không đập được nữa khi Dũng ghi bàn quyết định, tôi khấn phật, vui mừng, quá hạnh phúc. Tôi không bao giờ nghĩ rằng con trai mình cùng các tuyển thủ lại làm được điều lịch sử”, ông Quang nói.

Bố của cầu thủ Vũ Văn Thanh thấy lo khi con sút quả penalty đầu tiên

Ông Hộ phải vừa động viên, vừa dọa nạt để Văn Thanh tiếp tục tập luyện bóng đá. Ảnh: Tri thức trực tuyến

Sau trận đấu giữa U23 Việt Nam và U23 Iraq đến giờ, những cảm xúc hồi hộp, phấn khích, lo lắng và vỡ òa như vẫn đọng lại trong ông Vũ Văn Hộ và bà Nguyễn Thị Giàn - bố, mẹ của hậu vệ Vũ Văn Thanh. Không phải ai khác, chính hậu vệ 22 tuổi đã góp phần mang lại những cảm xúc ấy cho gia đình, người thân và hàng chục triệu người dân Việt Nam.

Trên Tri thức trực tuyến, ông Hộ chia sẻ: "Từ trước tới nay các huấn luyện viên chưa bao giờ cho con sút penalty. Con vẫn chưa được tin tưởng lắm. Tôi rất ngạc nhiên khi bình luận viên đọc tên Vũ Văn Thanh lên sút quả đầu tiên. Thấy tên Thanh là tôi đã lo rồi".

"Lúc ấy chỉ sợ nó sút hỏng. Tôi lẩm bẩm ‘quả này sút không vào thì về ốm đòn’. Cuối cùng con đã hoàn thành nhiệm vụ của mình, tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc, sung sướng", ông Hộ kể lại.

Khi còn học tiểu học, Văn Thanh là cầu thủ hay nhất xã Tứ Cường, huyện Thanh Miện và được gọi lên ăn tập cùng đội tuyển bóng đá nhi đồng tỉnh Hải Dương. Nơi tập luyện cách nhà gần 30 km và chỉ được về nhà 2 lần mỗi tháng khiến cậu bé Văn Thanh nhớ nhà. Thậm chí, Văn Thanh khi ấy còn không dám tập luyện vì huấn luyện viên khi lớn tiếng với học trò quá, làm cậu sợ.

Ông Hộ kể lại gia đình nhiều lần phải để mẹ, rồi các anh, các chị lần lượt xuống thăm Văn Thanh, nhưng cậu vẫn muốn về. Cuối cùng, ông phải dọa nạt để cuối cùng Văn Thanh yên dành toàn tâm toàn ý tập luyện. "Tôi nói với nó rằng, bây giờ mà về bố sẽ sắm cho cái chổi với xẻng, cho đi hót rác. Thế là nó sợ".

Sau hơn 10 năm, Văn Thanh giờ đã là một trong những hậu vệ khó thay thế nhất không chỉ ở U23 Việt Nam mà còn ở tuyển quốc gia. Trên sân, cầu thủ 22 tuổi chơi điềm đạm, tự tin và rất "lỳ". Năm 2016, Văn Thanh đã là hậu vệ cánh số 1 ở tuyển. Nhìn cách anh thi đấu, không ai nghĩ đây chỉ là chàng trai mới 22 tuổi.

Nhưng thực tế, Văn Thanh trong mắt cha mẹ chỉ là một cậu bé nhút nhát. "Tôi toàn phải gọi điện tâm sự với con", ông Hộ chia sẻ. "Lúc mới lên tuyển không được thi đấu, toàn phải ngồi dự bị nên nó rất chán, tôi lại phải gọi điện lên động viên con".

"Nó nhát lắm, chẳng bao giờ biết làm quen hay nói chuyện với con gái đâu", ông Hộ tủm tỉm. Với cha mẹ, Vũ Văn Thanh vẫn chỉ là cậu nhóc của gia đình.

K.N (th)

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/2-nguoi-me-cua-2-cau-thu-cung-ten-tien-dung-noi-gi-ve-con-sau-tran-thang-lich-su-20180122113800781.htm