15 lưu ý khi giải quyết vụ án về tranh chấp hợp đồng tín dụng

Thực tiễn xét xử cho thấy, có nhiều vi phạm phổ biến khi tòa án giải quyết các vụ án về tranh chấp hợp đồng tín dụng mà Tòa án cần tránh cũng như KSV cần lưu ý khi thực hiện kiểm sát.

Vừa qua, VKSND Tối cao đã ban hành Hướng dẫn số 25 về nội dung kiểm sát việc giải quyết vụ án kinh doanh, thương mại về "Tranh chấp hợp đồng tín dụng" (HĐTD) .

Theo hướng dẫn này, có 13 vi phạm phổ biến thường gặp trong việc giải quyết các vụ án kinh doanh thương mại (KDTM) về tranh chấp HĐTD.

1. Xác định không đúng tư cách tố tụng của đương sự

Đối với HĐTD do chi nhánh, phòng giao dịch của các tổ chức tín dụng (TCTD) xác lập, thực hiện với khách hàng, nhiều trường hợp Tòa án vẫn xác định chi nhánh, phòng giao dịch là đương sự trong vụ án.

Trường hợp khác, đối với HĐTD do doanh nghiệp tư nhân vay vốn, khi tham gia tố tụng, có Tòa án vẫn xác định tên doanh nghiệp tư nhân hoặc xác định giám đốc doanh nghiệp do chủ doanh nghiệp tư nhân thuê để quản lý doanh nghiệp là đương sự.

Quá trình kiểm sát, KSV cần lưu ý: Trong trường hợp nêu trên, phải xác định pháp nhân là đương sự căn cứ khoản 6 Điều 84 BLDS năm 2015 và phải xác định ông/ bà... chủ doanh nghiệp tư nhân ... tham gia tố tụng theo quy định tại khoản 1 Điều 183 Luật Doanh nghiệp năm 2014 (tương ứng khoản 1 Điều 188 Luật Doanh nghiệp năm 2020).

2. Bỏ sót vợ hoặc chồng tham gia tố tụng đối với trường hợp tài sản thế chấp đứng tên một người trong thời kỳ hôn nhân

Nhiều trường hợp Tòa án chỉ căn cứ sổ đỏ đứng tên một người vợ hoặc chồng thế chấp, nên chỉ đưa người này tham gia tố tụng mà không đưa người còn lại vào tham gia tố tụng dẫn đến có thể có những thiếu sót, ảnh hưởng đến quyền lợi của họ.

Quá trình kiểm sát, KSV cần lưu ý: Trường hợp tài sản đứng tên một người thời kỳ hôn nhân không chỉ xem xét nội dung Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), mà còn phải căn cứ và Luật Hôn nhân và Gia đình (Luật HN&GĐ).

Cụ thể cần căn cứ Điều 27 Luật HN&GĐ năm 2000, Điều 33 Luật HN&GĐ năm 2014, đặc biệt có trường hợp phải áp dụng Điều 15 Luật HN&GĐ năm 1959 và những quy định có liên quan để xem xét kỹ nguồn gốc hình thành tài sản, tài sản nhận chuyển nhượng hay được tặng cho, được thừa kế.

Nếu đứng tên riêng thì xem xét những thỏa thuận về tài sản riêng của vợ hoặc chồng; những tài liệu, chứng cứ kèm theo; trường hợp cần thiết phải xác minh hồ sơ cấp GCNQSDĐ và tài sản gắn liền với đất để xem xét về nguồn gốc hình thành tài sản.

Phải xem xét đưa chồng hoặc vợ (người không đứng tên trong GCNQSDĐ) vào tham gia tố tụng với tư cách đương sự để giải quyết triệt để, toàn diện vụ án.

Giải quyết vụ án tránh chấp hợp đồng tín dụng. Ảnh minh họa

Giải quyết vụ án tránh chấp hợp đồng tín dụng. Ảnh minh họa

3. Bỏ sót thành viên hộ gia đình có quyền đối với tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất đứng tên “hộ gia đình”

Thực tiễn xét xử cho thấy, có trường hợp Tòa án bỏ sót thành viên hộ gia đình tham gia tố tụng, dẫn đến không ít bản án, quyết định bị hủy sửa.

Đối với những trường hợp này, KSV cần lưu ý, để xác định có bao nhiêu người trong hộ gia đình thực sự có quyền về tài sản, cần lưu ý không chỉ căn cứ vào nội dung GCNQSDĐ, sổ hộ khẩu, mà cần phải xác định rõ ai mới là thành viên của hộ thực sự có quyền về tài sản.

4. Đình chỉ giải quyết vụ án do doanh nghiệp chấm dứt hoạt động, bị giải thể không đúng

Đối với doanh nghiệp chấm dứt hoạt động, bị giải thể, nhiều trường hợp, Tòa án đình chỉ giải quyết vì cho rằng không đủ điều kiện thụ lý, giải quyết là không đúng.

Quá trình kiểm sát, KSV cần lưu ý: Trong trường hợp nêu trên, KSV căn cứ quy định tại điểm a, khoản 2 Điều 74 BLTTDS năm 2015 để yêu cầu Tòa án tiếp tục giải quyết vụ án.

5. Đình chỉ giải quyết vụ án hoặc trả lại đơn khởi kiện do bị đơn thay đổi địa chỉ không đúng

Thực tế, không ít trường hợp sau khi vay được tài sản, bị đơn có dấu hiệu trốn nợ như thay đổi địa chỉ trụ sở, chi nhánh; hoặc doanh nghiệp ngừng hoạt động nhưng không tiến hành thủ tục giải thể, không biết địa chỉ của người quản lý, đại diện theo pháp luật.

Khi khởi kiện, TCTD ghi đúng địa chỉ bị đơn khi ký HĐTD, nhưng do không tống đạt cho đương sự được (do thay đổi địa chỉ), Tòa án đình chỉ giải quyết vụ án hoặc trả lại đơn khởi kiện là không đúng quy định.

Quá trình kiểm sát, KSV cần lưu ý áp dụng điểm e khoản 1 Điều 192 BLTTDS và khoản 2 Điều 5 Nghị quyết số 04/2017 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao.

Trường hợp bị đơn, người liên quan “cố tình giấu địa chỉ” thì KSV xem xét có dấu hiệu hình sự hay không để có định hướng tiếp tục giải quyết vụ án.

Trường hợp không đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì kiểm sát việc Tòa án tiếp tục giải quyết vụ án mà không đình chỉ hoặc trả lại đơn khởi kiện. Trường hợp Tòa án không thể xác định được nơi cư trú của bị đơn và người liên quan thì có thể thông qua thủ tục niêm yết để xét xử vắng mặt hoặc thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng khi có yêu cầu của các đương sự khác trong vụ án.

QUỲNH LINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/15-luu-y-khi-giai-quyet-vu-an-ve-tranh-chap-hop-dong-tin-dung-post677990.html