12 điều ghi nhớ để bệnh trĩ không thành 'ác mộng'

Béo phì, táo bón mãn tính hoặc tiêu chảy, ăn ít chất xơ… có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh trĩ, hoặc làm bệnh trĩ thêm trầm trọng.

Rau quả, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt là nguồn dồi dào chất xơ - Ảnh: ShutterStock

Ngoài ra, nguy cơ mắc bệnh trĩ tăng lên khi bạn lớn tuổi vì các mô hỗ trợ tĩnh mạch ở khu trực tràng có thể bị yếu đi.

Theo khảo sát của Hội Hậu môn - trực tràng VN, tỷ lệ mắc trĩ chiếm khoảng 55% dân số VN, số người mắc bệnh ở độ tuổi 40 trở lên chiếm khoảng 60 - 70%. Theo trang redorbit.com, có thể phòng ngừa bệnh trĩ hoặc ngăn bệnh trĩ nặng thêm bằng những biện pháp sau:

1. Bổ sung chất xơ. Theo các chuyên gia thuộc Trường Y tế công cộng Harvard (Mỹ), lượng chất xơ cần có trong chế độ ăn hằng ngày là 25 - 30 gr.

Tuy nhiên, hãy tăng lượng chất xơ từ từ, hạn chế tăng đột ngột vì có thể gây ra tình trạng đầy hơi hoặc chuột rút. Ngũ cốc nguyên hạt, trái cây và rau quả là nguồn dồi dào chất xơ.

2. Nạp nhiều chất lỏng để giữ cho phân mềm và việc đại tiện được thuận lợi. Uống 7 - 8 ly nước mỗi ngày, hạn chế chất cồn. Nước ép trái cây thường có tính nhuận tràng cao.

3. Tập thể dục thường xuyên vì có lợi cho nhu động ruột và giúp giảm cân. Cả hai yếu tố này đều giảm nguy cơ cũng như tình trạng bệnh. Đi bộ nhanh khoảng 20 - 30 phút mỗi ngày, chạy bộ hoặc bơi lội là những cách hiệu quả. Hạn chế môn đạp xe, tập squat, cử tạ nặng.

Khi nào đi khám ở bác sĩ ?

Bệnh trĩ thường dễ điều trị và tự khỏi. Trong một số trường hợp rất hiếm, bệnh trĩ có thể gây biến chứng, theo Healthline.com dẫn nguồn từ Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH). Mất máu mãn tính do bệnh trĩ có thể gây thiếu máu. Nếu phương pháp điều trị tại nhà không có hiệu quả sau khoảng 2 tuần, nên đến bệnh viện khám. Bạn cũng nên hẹn gặp bác sĩ ngay nếu thấy chảy máu nhiều ở vùng hậu môn, trực tràng.

4. Ngâm vùng hậu môn trong bồn nước ấm 10 - 15 phút, với tần suất 2 - 3 lần/ngày, theo mayoclinic.org dẫn lời từ các chuyên gia tại Trung tâm y tế Mayo (Mỹ).

5. Giữ vệ sinh sạch sẽ, tắm bằng nước ấm hằng ngày. Các chuyên gia khuyên sau đại tiện, nên dùng nước rửa thay giấy vệ sinh khô vì giấy có thể gây kích ứng, làm tăng cơn đau; hoặc dùng khăn ướt loại không chứa nước hoa và cồn.

6. Chườm túi nước đá vào vùng hậu môn nhiều lần trong ngày giúp giảm sưng và bớt đau.

7. Mặc đồ lót vải sợi cotton thông thoáng để giảm ẩm, chống kích ứng da.

8. Tránh ngồi trong nhà vệ sinh quá 5 phút, cũng như không cố “rặn” vì việc này gây áp lực lên các tĩnh mạch ở khu vực trực tràng. Tuyệt đối không dùng điện thoại trong lúc đại tiện, nhằm tránh kéo dài thời gian ở đây. Nên kê một chiếc ghế cao tầm 15 cm, đặt chân lên ghế, mở hai đùi và nghiêng người về trước.

9. Kê thêm tấm đệm trên ghế góp phần ngăn chặn nguy cơ bệnh thêm trầm trọng.

10. Không cào gãi vùng hậu môn vì gây thương tổn cho da, khiến tình trạng kích ứng ở da do trĩ thêm tồi tệ.

11. Nếu bạn làm công việc phải ngồi nhiều, cứ mỗi giờ nên tranh thủ đứng dậy, rời khỏi ghế và đi tới đi lui trong vài phút, theo chuyên trang sức khỏe WebMD.

12. Bài tập kegel là bài tập cho vùng đáy sàn khung xương chậu, do bác sĩ người Mỹ Arnold Kegel sáng tạo năm 1948. Bài tập kegel được thực hiện như sau: Ngồi hoặc nằm; co thắt các cơ ở vùng xương chậu (cơ âm đạo đối với nữ giới, cơ nối từ xương cụt đến xương mu đối với nam giới), giữ trong vòng 5 - 8 giây; thả lỏng toàn bộ; sau đó lặp lại 10 lần như vậy; thực hiện 3 lần mỗi ngày. Lưu ý, cần tiểu tiện hoặc đại tiện trước khi tập.

Bài tập này giúp kích thích, hỗ trợ hoạt động cơ vùng đáy sàn khung xương chậu, tăng lưu thông máu, ngoài tác dụng ngăn bệnh trĩ thêm trầm trọng còn cải thiện hoạt động sinh lý ở cả nam và nữ.

Thế Phương

Nguồn Thanh Niên: https://thanhnien.vn/suc-khoe/12-dieu-ghi-nho-de-benh-tri-khong-thanh-ac-mong-1063244.html