Zimbabwe: Phụ nữ khuyết tật khó tiếp cận nguồn nước

Nyarai Mudavanhu (27 tuổi) đã cho biết tình trạng thiếu nước trong cộng đồng của cô đang đặt ra những thách thức nghiêm trọng đối với người khuyết tật, đặc biệt là trong đại dịch COVID-19.

Phụ nữ khuyết tật khó khăn khi lấy nước sạch.

Một tay mang xô nước 20 lít trên đầu và một tay chống gậy để hỗ trợ cho đôi chân bị dị tật, Nyarai đi bộ về nhà sau gần 3 giờ đồng hồ xếp hàng để lấy nước.

Nhiều người đến sau cô và chen hàng để lấy nước. Họ nhập bọn luôn với người quen đứng xếp hàng trước, một số người khác hối lộ các phụ tá ở giếng khoan để được lấy nước trước. Đối với Nyarai, cô không có tiền, buộc phải di chuyển chậm mỗi ngày trong hàng, không được hưởng bất cứ ưu tiên nào mặc dù bị khuyết tật.

Nyarai không phải trường hợp duy nhất. Nhiều phụ nữ khuyết tật ở khu định cư không chính thức Hopley (Harare, Zimbabwe) cũng phải đối mặt với những thách thức tương tự. Khu vực này không có nước máy và người dân sống dựa vào giếng khoan. Tuy nhiên, do hạn hán, hầu hết các giếng nước đã khô cạn và người dân hiện buộc phải xếp hàng nhiều giờ tại một số giếng khoan cộng đồng.

Một số phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật ở Hopley cho biết, họ mong mỏi được cải thiện khả năng tiếp cận với nước sạch và an toàn cũng như các cơ sở vệ sinh để giảm nguy cơ phơi nhiễm với COVID-19 và bị lạm dụng. Một số phụ nữ và trẻ em gái đã được tham gia các lớp tập huấn của Liên đoàn các tổ chức của người khuyết tật ở Zimbabwe (FODPZ) (một trong những Đối tác thực hiện Sáng kiến Spotlight) và Văn phòng UNESCO khu vực Nam Phi (ROSA), và trở thành những người ủng hộ quyền của người khuyết tật, bao gồm quyền tiếp cận nước như một quyền cơ bản của con người.

Phụ nữ khuyết tật phải thực hiện các công việc gia đình như những phụ nữ khác và hầu hết những người này đều cần nước. Tuy nhiên, họ không thể dễ dàng tiếp cận nguồn nước do tình trạng khuyết tật của mình. Các giếng khoan cộng đồng đông đúc đã trở thành nguồn lây lan COVID-19 khi mọi người không thực hiện các biện pháp giãn cách và đeo khẩu trang cũng như khử trùng đúng cách.

FODPZ đã thu thập thêm thông tin từ những phụ nữ và trẻ em gái khác trong khu vực và xác nhận rằng chính quyền địa phương có cử nhân viên hỗ trợ tại các điểm lấy nước nhưng không xuể do số người đến lấy nước quá đông. Cần phải làm nhiều hơn nữa để tăng cường an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái.

Trong số những phụ nữ cung cấp thông tin cho FODPZ có Nyasha Shanga, người bị bại não, cho biết, mỗi người dân phải nộp 5 ZWL (Đô la Zimbabwe) cho một xô nước, đây là một số tiền lớn vì hầu hết họ không có nguồn thu nhập ổn định.

Những người phụ nữ còn cho biết họ không cảm thấy thoải mái khi ở bên những người không bị khuyết tật vì họ cảm thấy bản thân là gánh nặng. Còn khi không có tiền để trả cho những nhân viên cộng đồng, họ bị xúc phạm, hạ thấp phẩm giá và lòng tự trọng.

FODPZ và phụ nữ khuyết tật đang có những bước tiến nhằm đảm bảo rằng TP Harare và Bộ Phúc lợi xã hội phải giải quyết vấn đề thiếu nước ở Hopley bao gồm cả việc vận động để khoan thêm các giếng. Trong những nỗ lực đó, phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật đã tham gia đối thoại với những người có trách nhiệm và chính quyền địa phương để yêu cầu quyền lợi và cải thiện tình hình của chính mình.

Zimbabwe là một trong 8 quốc gia ở châu Phi được chọn để thực hiện Sáng kiến Spotlight do EU tài trợ, một chương trình toàn diện về chấm dứt tất cả nạn xâm hại và bạo lực trên cơ sở giới cũng như thúc đẩy Quyền sức khỏe sinh sản và tình dục của phụ nữ và trẻ em gái.

Quỳnh Hoa

Nguồn Ngày Nay: http://ngaynay.vn/tam-nhin-unesco/zimbabwe-phu-nu-khuyet-tat-kho-tiep-can-nguon-nuoc-184270.html