Yêu cầu công ty Mỹ rời bỏ Trung Quốc: Thẩm quyền của ông Trump hay quyết định của doanh nghiệp?

Tổng thống Donald Trump mới đây đã yêu cầu các doanh nghiệp Mỹ rời khỏi Trung Quốc. Bằng một đoạn tweet, ông ấy tin rằng, ông hoàn toàn có đủ thẩm quyền để làm như vậy.

Công nhân làm việc trong nhà máy của Ford tại Trung Quốc. (Nguồn: Reuters)

Câu hỏi liệu Tổng thống Trump có hay không thẩm quyền này?, nên dành cho các luật sư, vấn đề quan trọng hơn lúc này là liệu các doanh nghiệp Mỹ có thể rời bỏ Trung Quốc hay không?

Ít nhất trong ngắn hạn, các doanh nghiệp Mỹ không thể bỏ Trung Quốc, bởi họ vẫn còn mối liên hệ chặt chẽ với thị trường này. Việc ngưng hợp tác với Trung Quốc có thể gây nên những gián đoạn nhất định, thậm chí gây nên những thiệt hại to lớn.

Về lâu dài, quá trình các công ty dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc hiện đã và đang xảy ra. Các hàng rào thuế quan của Mỹ và căng thẳng ngày càng gia tăng giữa Washington và Bắc Kinh là hai nhân tố buộc các công ty Mỹ phải cân nhắc lại các hoạt động kinh doanh của họ ở nền kinh tế thứ hai thế giới. Nhưng sự thuận tiện của thị trường này, cũng như nhu cầu tiêu dùng ngày càng gia tăng khiến cho rất nhiều doanh nghiệp khó có thể từ bỏ hoàn toàn.

“Chúng tôi đang chứng kiến các công ty chuyển hướng đầu tư sang thị trường khác bởi những biến động đang diễn ra. Nhưng tôi không tin những quyết định đó thể hiện họ muốn rời bỏ thị trường Trung Quốc”, ông Ker Gibbs, Chủ tịch Văn phòng Thương mại Mỹ tại Thượng Hải nhận định.

Có dễ dàng rời bỏ Trung Quốc?

Bất kỳ ai khi nhìn vào các nhãn hiệu sản phẩm đều hiểu, Trung Quốc là công xưởng của thế giới. Các nhà máy ở Trung Quốc sản xuất Iphone, Ipad, máy chơi game console, các phụ tùng ô tô, nam châm công nghiệp, nhựa, hóa chất sử dụng trong sản xuất và là nơi sản xuất nhiều sản phẩm thiết yếu khác phục vụ cho dây chuyền sản xuất quốc tế.

Trung Quốc lâu nay vẫn là nơi sản xuất hiệu quả nhất các loại hàng hóa. Tại đất nước này, mạng lưới các nhà máy nhỏ cung cấp linh kiện cho các nhà máy lớn hơn đã được xây dựng và đi vào vận hành trơn tru. Quốc gia này cũng có một lực lượng lao động hàng trăm nghìn người thuần thục trong các dây chuyền sản xuất. Ở nơi đây còn có tàu cao tốc, các tuyến đường cao tốc chất lượng cao và các cảng biển nhằm mục đích vận chuyển hàng hóa từ các nhà máy ở Trung Quốc ra thế giới. Trung Quốc hiện đang sản xuất 25% hàng hóa trên thế giới và vị trí này khó có thể bị thay thế trong ngày một ngày hai.

Các nhà máy hoạt động hiệu quả không phải là ưu thế duy nhất của Trung Quốc. Mặc dù kinh tế Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau Mỹ - đã bắt đầu tăng trưởng chậm lại, nhưng thị trường tiêu dùng của quốc gia này lại đang rất phát triển. Theo một số thống kê mới đây, số lượng khách hàng ở tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc hiện còn nhiều hơn ở Mỹ.

Tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng ở Trung Quốc này đang đóng góp phần lớn vào doanh số bán hàng toàn cầu của Iphone, giày Nike và cà phê Starbucks. Họ cũng có nhu cầu mua ô tô Chevrolet và Ford, mặc dù hầu hết các linh kiện của hai hãng xe này đều đã được sản xuất tại Trung Quốc. Lượng khách du lịch Trung Quốc ngày càng gia tăng, tạo ra nhu cầu máy bay Boeing. Bộ phận khách hàng này cũng có nhu cầu thưởng thức bít tết xuất xứ từ Mỹ và sản phẩm thịt lợn...

Tình thế tiến thoái lưỡng nan

Các nhà máy hiện đang được di dời khỏi Trung Quốc bởi cả Washington và Bắc Kinh đều đang tiến hành áp thuế cao hơn lên các sản phẩm xuất khẩu của nhau. “Công việc kinh doanh đang dần bị tê liệt bởi những động thái này”, ông Rufus Yerxa, Chủ tịch Hội đồng Ngoại thương Quốc gia có trụ sở đặt tại Washington cho biết. “Họ đang bàng hoàng không biết mọi chuyện sẽ đi về đâu”. Tuy nhiên, quá trình này đang xảy ra chậm và rất khó khăn.

Các cuộc thảo luận cởi mở về việc mở rộng kinh doanh ở quốc gia khác đã diễn ra. Thậm chí, một số công ty không phải của Mỹ cũng tính đến việc chuyển nhà máy ra khỏi Trung Quốc, chẳng hạn, Danfoss của Đan Mạch đã chuyển một số nhà máy sản xuất các linh kiện máy sưởi và điều hòa từ Trung Quốc sang Mỹ, nhằm tránh các hàng rào thuế quan, giảm chi phí vận chuyển và hạn chế khí thải trong quá trình vận chuyển. Các công ty khác đã cắt giảm quy mô hoạt động, bởi kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại. Chẳng hạn, hãng Ford sau khi thấy doanh số bán xe tại Trung Quốc sụt giảm đã quyết định cắt giảm hàng nghìn lao động hợp đồng.

Theo một số thống kê mới đây, số lượng khách hàng ở tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc hiện còn nhiều hơn ở Mỹ. (Nguồn: China-business-market)

Mối quan hệ Mỹ - Trung có thể sẽ được cải thiện vào một ngày nào đó, có lẽ sau khi đương kim Tổng thống Donald Trump hết nhiệm kỳ. Nếu điều đó xảy ra, các công ty đã di chuyển chuỗi cung ứng của họ ra khỏi Trung Quốc có thể sẽ gặp nhiều bất lợi hơn so với các công ty đã chọn phương án ở lại. Các nhà sản xuất sẽ phải đối mặt với những tình thế tiến thoái lưỡng nan khác nhau.

Phương án trở về Mỹ không hấp dẫn

Nếu các ngành công nghiệp chỉ đòi hỏi lao động giá rẻ, có trình độ thấp như sản xuất giầy, đồ chơi và đồ may mặc có vẻ khá dễ dàng trong quyết định chuyển nhà máy đến Đông Nam Á hoặc các quốc gia như Ấn Độ hoặc Bangladesh, bởi lương của nhân công phổ thông ở Trung Quốc đã tăng 8 lần (theo giá trị USD) trong vòng 15 năm qua.

Thì các ngành khác, đặc biệt là điện tử cho biết, họ khó có thể rời khỏi Trung Quốc, bởi đây là nơi sản xuất chính của rất nhiều linh kiện điện tử khác nhau, với rất nhiều công ty sẵn sàng cung ứng bất cứ linh kiện nào cần thiết trong quá trình sản xuất.

Ngay cả tại Việt Nam, dù có vị trí địa lý tiếp giáp với Trung Quốc và có các nhà máy sản xuất khổng lồ của các tập đoàn điện tử như Samsung, cũng chưa có một chuỗi cung ứng phát triển thuận lợi như vậy cho việc sản xuất thiết bị điện tử.

Nếu dựa theo nội dung bài phát biểu của Tổng thống Trump về việc mang các công việc sản xuất quay trở lại Mỹ, điều này dường như khó có thể xảy ra.

Tỷ lệ thất nghiệp thấp khiến cho các công ty khó có thể tuyển dụng được công nhân cho các nhà máy của họ tại Mỹ. Hơn nữa, công nhân Trung Quốc thường dễ dàng chấp nhận ca làm đêm – điều này cho phép các nhà máy hoạt động cả ngày lẫn đêm – và họ cũng thường đồng ý việc ở lại trong các khu trọ của nhà máy trong vài năm. Các công nhân Mỹ chắc sẽ khó mà đồng ý với những thỏa thuận như vậy.

Cũng không thể đem so sánh Mỹ với Trung Quốc trong việc cung ứng các linh kiện cho việc sản xuất các loại máy móc. Cụ thể là, khi Apple nỗ lực sản xuất một số lượng nhỏ máy tính cao cấp tại Austin, Texas, họ đã gặp khó khăn trong việc tìm kiếm một công ty cung cấp loại vít phù hợp. Cuối cùng, họ đành phải hợp tác với một doanh nghiệp nhỏ có thể cung cấp 28.000 ốc vít nhưng phải mất tới 22 lần chuyển hàng.

(theo Economic Times)

Đức Trung

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/yeu-cau-cong-ty-my-roi-bo-trung-quoc-tham-quyen-cua-ong-trump-hay-quyet-dinh-cua-doanh-nghiep-100166.html