'Ý chí thép' trên thao trường

Mặc dù đến với bắn cung rất tình cờ nhưng Đỗ Thị Ánh Nguyệt đã trở thành một trong những trụ cột đẹp nhất của làng bắn cung Việt Nam. Cô là một trong số những vận động viên (VĐV) Việt Nam đầu tiên có tên trong danh sách thi đấu Olympic Tokyo 2021.

Cú lội ngược dòng đầy bứt phá

Cuộc trò chuyện với Đỗ Thị Ánh Nguyệt những ngày đầu đông cũng là lúc cô vừa kết thúc giải đấu Vô địch bắn cung toàn quốc tháng 11-2020 với thành tích 2 Huy chương Vàng (HCV) và 3 Huy chương Đồng (HCĐ). Thống kê chỉ trong khoảng tháng 10-2020, Ánh Nguyệt giành thành tích 7 HCV, 1 Huy chương Bạc (HCB) tại giải vô địch các đội mạnh bắn cung quốc gia tháng 10-2020 cùng với thành tích 6 HCV, 1 HCB, 1 HCĐ giải vô địch trẻ toàn quốc tháng 10-2020. Vào tháng 3-2020, Ánh Nguyệt giành HCB Cúp châu Á. Gặt hái “cơn mưa Huy chương Vàng” trong các giải đấu, nữ cung thủ khiêm tốn nói rằng, đó là kết quả của sự cố gắng, nỗ lực bản thân hơn hết là tinh thần đồng đội và chiến lược đầu tư trọng điểm vận động viên trẻ cho thể thao Hà Nội.

Ánh Nguyệt là gương mặt mới của làng cung thủ Việt Nam. Cô gái SN 2001, quê gốc Hưng Yên, sở hữu chiều cao 1m65 được phát hiện tài năng khi đang trong đội tuyển bóng rổ của đoàn thể thao Hà Nội. Trước quyết định của Ban huấn luyện chuyển cô vào môn bắn cung sau 7 tháng gắn bó với bóng rổ, Ánh Nguyệt từng từ chối. Nhờ sự thuyết phục, động viên của Ban huấn luyện Trung tâm huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao Hà Nội, Ánh Nguyệt trở lại thao trường.

Ánh Nguyệt tập trung tinh thần và thể lực với bộ môn thể thao “tĩnh” đòi hỏi sự kiên nhẫn, tập trung. Những ngày đầu tập luyện với cường độ cao, Ánh Nguyệt không tránh khỏi những đợt đau vai, đau cổ tay. Bên cạnh việc trui rèn kỹ thuật cùng thể lực, Ánh Nguyệt nhận được sự hướng dẫn, động viên từ phía Ban huấn luyện và đồng đội, giúp cô ngày một tiến bộ. Ánh Nguyệt còn là một trong những gương mặt tiêu biểu được cử đi tập huấn tại Trung tâm bắn cung bên Hàn Quốc – cái nôi của môn bắn cung thế giới.

Sau 2 năm gắn bó, Ánh Nguyệt giành được hàng loạt thành tích khiến nhiều người ngưỡng mộ. Năm 2019, cô giành 4 HCV, 4 HCB tại giải vô địch cung thủ xuất sắc toàn quốc tháng 4-2019; thành tích 6 HCV, 1 HCB, 2 HCĐ giải vô địch trẻ toàn quốc tháng 7-2019; thành tích 3 HCV, 3 HCB, 2 HCĐ tại giải vô địch bắn cung các đội mạnh quốc gia tháng 8-2019; thành tích 6 HCV, 3 HCB, 1 HCĐ giải vô địch bắn cung toàn quốc tháng 10-2019.

Đặc biệt, tại giải đấu quốc tế, Ánh Nguyệt xuất sắc giành HCĐ nội dung sở trường cung 1 dây nữ tại giải “Vô địch bắn cung châu Á” tháng 11- 2019, đồng thời giành tấm vé trực tiếp tham dự Olympic Tokyo 2021. Cùng với trường hợp của Nguyễn Hoàng Phi Vũ, cái tên Đỗ Thị Ánh Nguyệt đã lập thành tích lịch sử cho bộ môn bắn cung Việt Nam lần đầu tiên giành vé đến đấu trường thể thao lớn nhất hành tinh. Giữ vững được phong độ thi đấu, Ánh Nguyệt giành HCV đồng đội nữ tại Sea Games 30.

Chân dung nữ cung thủ Đỗ Thị Ánh Nguyệt. Ảnh NVCC

Giấc mơ huy chương đấu trường Olympic Tokyo 2021

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 nên giải đấu Olympic Tokyo 2020 phải tạm hoãn và lùi thời gian tổ chức vào năm 2021. Ánh Nguyệt là một trong những VĐV có tên trong danh sách tham dự đấu trường thể thao lớn nhất hành tinh.

Khi được hỏi, Ánh Nguyệt thẳng thắn: “Em không bao giờ đặt mục tiêu cho bản thân, chỉ cố gắng đạt được kết quả cao nhất những bài tập HLV dạy cho mình, bằng khả năng cao nhất của mình. Có những thành tích bản thân chưa phát huy hết khả năng thì cảm thấy tiếc một chút, coi đó là bài học để cải thiện sau này”.

Phát huy thể lực hiện nay, Ánh Nguyệt vượt qua những thách thức khi làm chủ cây cung nặng 5kg nhưng lực kéo dây cung nặng tương đương với 40kg. Mỗi ngày, Ánh Nguyệt tập trung cho buổi tập bắn ít nhất 400 lần. Giống như nhiều bộ môn thể thao ngoài trời khác, yếu tố thời tiết cũng là một bất lợi lớn với các cung thủ. Bất kể thời tiết nào, các cung thủ vẫn sẵn sàng giương cung để đảm bảo lịch trình tập luyện theo đúng kế hoạch của Ban huấn luyện. Giữa thời điểm miền Bắc vào mùa đông, nhiệt độ xuống thấp 11 độ C nhưng trên thao trường, các nữ VĐV vẫn hăng say tập luyện.

VĐV Đỗ Thị Ánh Nguyệt cùng đồng đội trên bục nhận huy chương vàng tại SEA Games 30. Ảnh NVCC

18 tuổi, Đỗ Thị Ánh Nguyệt là nữ VĐV hiếm hoi khi chỉ 2 năm thi đấu, cô gái Hưng Yên đã có cú lội ngược dòng bứt phá với nhiều thành tích. Dù bản thân chưa từng đặt mục tiêu trong thi đấu nhưng không phủ nhận, lần đầu tiên chuẩn bị cho giải đấu Olympic okyo 2021, Ánh Nguyệt khó tránh khỏi tâm lý hồi hộp. Cô cũng chuẩn bị tâm lý bảo toàn HCV Sea Games 31 tại Việt Nam.

Sở hữu bảng vàng thành tích huy chương, trở thành gương mặt tiêu biểu của thể thao Hà Nội, top 10 gương mặt phụ nữ Thủ đô tiêu biểu xuất sắc 2020 xác định không ngủ quên trên chiến thắng. Cô gái gốc Hưng Yên luôn tâm niệm bản thân còn cần học hỏi, phấn đấu về chuyên môn và bản lĩnh thi đấu để tiếp tục phát triển khả năng của mình, hướng tới những tấm huy chương tại giải đấu quốc tế trong tương lai và giải đấu Olympic 2021.

Những ngày Tết cận kề, hoa khôi làng bắn cung Việt Nam bày tỏ niềm vui khi năm thứ 3 được đón Tết với đội tuyển bắn cung. Thường trước đợt nghỉ Tết Nguyên đán, đồng đội nữ bắn cung lại tập trung đi ăn uống, sắm đồ Tết cùng nhau. Sau đó, mỗi VĐV khăn gói về quê ăn Tết. Gặt hái thành tích trong thể thao, Ánh Nguyệt đã tạo được niềm tin ủng hộ của gia đình để theo đuổi thể thao chuyên nghiệp.

Năm 2019, Đỗ Thị Ánh Nguyệt nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về thành tích xuất sắc giành HCV tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 30; Hội LHPN Việt Nam tặng Bằng khen có thành tích xuất sắc tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 30; Hội LHPN Hà Nội tặng Bằng khen có thành tích xuất sắc đạt HCV tại Sea Games 30; HCB Giải Cúp châu Á 2020; tuyên dương top 10 phụ nữ Thủ đô tiêu biểu xuất sắc năm 2020; lọt top 5 VĐV Việt Nam đầu tiên giành vé trực tiếp tham dự Olympic Tokyo 2021.

Vi Giáng

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/y-chi-thep-tren-thao-truong-227744.html