Xứng đáng với niềm tin và di nguyện của Người!

Hơn 50 năm qua, bản Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định tầm tư duy chiến lược, những giá trị to lớn và đã trở thành tài sản vô giá, là ngọn đuốc soi đường, kim chỉ nam cho hành động của cách mạng Việt Nam đi tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ,

Thấm nhuần sâu sắc những di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Suốt cuộc đời đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng con người, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ có một ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, ai cũng có quyền mưu cầu hạnh phúc. Bởi vậy, trước lúc đi xa Người không chỉ để lại cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân một nhân cách lớn, một tư tưởng lớn, một sự nghiệp lớn mà Người còn để lại bản Di chúc lịch sử. Mặc dù Người viết rằng: “để lại mấy lời” và “chỉ nói tóm tắt vài việc thôi” nhưng Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một văn kiện lịch sử vô giá, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc.

Nhân dân đảo Cô Tô đón Bác ra thăm, ngày 9/5/1961. Ảnh: Bảo tàng Quảng Ninh

Những lời căn dặn và mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bản Di chúc vô cùng giản dị mà thiêng liêng, có ý nghĩa lịch sử và thời đại sâu sắc, đồng thời thấm đẫm tinh thần nhân văn cao cả. Đó là tư tưởng về xây dựng Đảng cầm quyền trong sạch, vững mạnh; Thực hiện chính sách xã hội, phát triển kinh tế, văn hóa, phát huy nguồn lực con người, không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân; Chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau; Kiên định mục tiêu đi lên xã hội chủ nghĩa và thực hiện công cuộc đổi mới; về tư tưởng trọng dân, thân dân, về tăng cường đoàn kết quốc tế...

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định, 50 năm qua, tư tưởng Hồ Chí Minh và Di chúc của Người luôn đồng hành với dân tộc, "soi rọi, dẫn dắt toàn Đảng, toàn dân, toàn quân luôn kiên định và trung thành với sự nghiệp, lý tưởng cách mạng của Người, kế tục xuất sắc sự nghiệp cách mạng vĩ đại mà Người đã trọn đời cống hiến và hy sinh; mang lá cờ bách chiến bách thắng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới đích cuối cùng".

Những di nguyện của Bác đã được cả nước nói chung, Quảng Ninh nói riêng nỗ lực thực hiện trong 50 năm qua nhằm hiện thực hóa ước nguyện của Người về một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp của cách mạng thế giới. Cùng với việc nỗ lực thực hiện theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Quảng Ninh cũng luôn ghi nhớ và làm theo lời căn dặn của Người trong những lần về thăm, hay những bức thư, điện mà Bác dành riêng cho tỉnh.

Quảng Ninh là một trong số những tỉnh được Bác quan tâm đặc biệt và dành thời gian về thăm nhiều lần, và cũng là tỉnh duy nhất được Bác đồng ý cho dựng tượng của Người khi Người còn sống tại đảo Cô Tô, nay là huyện Cô Tô. Không chỉ về thăm Quảng Ninh, Bác cũng thường xuyên quan tâm tới tình hình của tỉnh, nhiều lần gửi thư, điện hỏi thăm, động viên Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc toàn tỉnh. Lúc sinh thời, Bác đặt rất nhiều kỳ vọng vào Quảng Ninh. Khi đặt tên cho tỉnh là Quảng Ninh, Bác Hồ mong muốn đây là vùng yên vui, rộng lớn. Đặc biệt, Bác còn căn dặn: “Phải xây dựng ngành Than trở thành một ngành kinh tế gương mẫu cho các ngành kinh tế khác và tỉnh Quảng Ninh trở thành tỉnh giàu đẹp”. 50 năm qua Đảng bộ, quân và dân Quảng Ninh luôn tâm niệm những lời dặn dò của Bác là những lời chỉ dẫn quý báu, ước nguyện thiết tha, niềm tin tưởng lớn lao, tình cảm sâu đậm, nghĩa tình mà Người dành riêng cho vùng đất biên cương này.

Cả hệ thống chính trị của tỉnh luôn chủ động khắc phục khó khăn, không ngừng vươn lên, đã phát hiện, nhận diện sâu sắc hơn về những tiềm năng, lợi thế cùng với thách thức, khó khăn phải giải quyết và mâu thuẫn nội tại của sự phát triển để đề ra các mục tiêu, định hướng trong từng giai đoạn. Với tư duy dám nghĩ, dám làm, Quảng Ninh đã triển khai các chủ trương, nghị quyết của Đảng một cách sáng tạo, trở thành điểm sáng về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Đột phá về mô hình tổ chức bộ máy tinh gọn gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng cán bộ; thực hiện nhất thể hóa chức danh và hợp nhất một số cơ quan của cấp ủy đảng và chính quyền, đem lại sự cải thiện rõ rệt hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy từ cấp tỉnh đến cơ sở và đóng góp tiền đề cơ sở lý luận, thực tiễn để Trung ương tổng kết, lan tỏa trong cả nước... Từ đây nguồn lực con người được khơi thông và được khẳng định qua chính kết quả phát triển kinh tế - xã hội ngày càng toàn diện của tỉnh.

Xứng đáng với niềm tin của Người

50 năm qua, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc Quảng Ninh luôn giữ vững niềm tin, quyết tâm xây dựng, khẳng định vị thế một Quảng Ninh năng động, sáng tạo với vai trò động lực, dẫn dắt sự phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và của cả nước, xứng đáng với niềm tin và kỳ vọng của Bác Hồ, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc.

Công ty Xây dựng công nghiệp mỏ (Tổng Công ty Đông Bắc) tuyên dương danh hiệu "Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ" năm 2018.

Thực hiện lời dạy của Bác Hồ về công tác xây dựng Đảng, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh luôn coi công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Đảng bộ tỉnh thường xuyên chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên; tổ chức tốt việc học tập, quán triệt triển khai thực hiện, sơ kết, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, của tỉnh kịp thời, hiệu quả. Công tác giáo dục, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, thường xuyên có sự đổi mới.

Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng được các cấp ủy của tỉnh đổi mới, đã phối hợp chặt chẽ giữa công tác kiểm tra giám sát của Đảng, công tác thanh tra của Nhà nước, công tác giám sát của Quốc hội và HĐND. Qua kiểm tra, giám sát đã nâng cao được nhận thức, trách nhiệm, kịp thời chấn chỉnh, uốn nắn các tổ chức đảng và đảng viên, giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong Đảng. Thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phòng chống tham nhũng, lãng phí.

Tỉnh Quảng Ninh tuyên dương 27 tập thể và 47 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị, tháng 12/2018.

Quảng Ninh cũng là địa phương đi đầu cả nước về thí điểm áp dụng các mô hình mới: Thực hiện nhất thể hóa chức danh nhằm giảm quy trình, tăng tính thống nhất, rút ngắn khoảng cách giữa ban hành chủ trương và tổ chức thực hiện. Tỉnh đã thực hiện bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND tại 3/14 địa phương cấp huyện (Tiên Yên, Cô Tô, Hoành Bồ); bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch HĐND tại 7/14 địa phương. Ở cấp xã, bí thư kiêm chủ tịch UBND ở 96/186 địa phương (51,6%); bí thư kiêm chủ tịch HĐND ở 38/186 địa phương (20,4%). Đặc biệt, tỷ lệ bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn (bản, khu phố) đạt 99,87% (1.563/1.565); người đứng đầu cơ quan tham mưu giúp việc của cấp ủy với cơ quan chuyên môn cấp huyện đạt 100%.

Tỉnh đã tiến hành hợp nhất một số cơ quan tham mưu giúp việc của cấp ủy với cơ quan chuyên môn thuộc UBND cùng cấp có chức năng, nhiệm vụ tương đồng theo nguyên tắc thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo; bổ sung thẩm quyền, tối ưu chính sách, chuẩn hóa ngạch bậc, kết hợp bầu cử và bổ nhiệm. Cụ thể là hợp nhất cơ quan UBKT với thanh tra và Ban Tổ chức với phòng Nội vụ ở 14/14 địa phương cấp huyện (giảm 28 đầu mối); hợp nhất văn phòng huyện ủy, HĐND và UBND tại 3 huyện: Tiên Yên, Cô Tô, Hoành Bồ; hợp nhất 5 trung tâm thuộc lĩnh vực y tế dự phòng tỉnh để thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC). Triển khai Đề án thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh và đi vào hoạt động từ 01/01/2019, đảm bảo các yêu cầu, nhiệm vụ đề ra. Thí điểm thực hiện cơ quan tham mưu giúp việc chung Khối MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp huyện và cấp tỉnh; chủ động đề xuất Đề án và được Ban Bí thư đồng ý chủ trương về thành lập Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh trên cơ sở hợp nhất các cơ quan thông tin, truyền thông của tỉnh.

Đặc biệt, sau 50 năm thực hiện theo Di chúc của Bác, từ một tỉnh miền núi ven biển nhiều khó khăn, Quảng Ninh đã vươn lên trở thành một trong 3 cực tăng trưởng của tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2019 của tỉnh đạt 12,09%, cao nhất trong 10 năm gần đây (2009-2019), tăng trưởng cao so với mặt bằng chung của cả nước. GRDP bình quân đầu người đạt 6.131 USD. Đặc biệt, những năm gần đây tỉnh đã đánh dấu mốc quan trọng trong đầu tư hạ tầng, đó là hoàn thành đưa vào sử dụng các dự án: Cao tốc Hạ Long - Hải Phòng và cầu Bạch Đằng; cao tốc Hạ Long - Vân Đồn; Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long…, góp phần tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, liên kết vùng và kết nối với quốc tế. Nông nghiệp khởi sắc với nhiều cách làm mới, chương trình mỗi xã phường một sản phẩm (OCOP) mang đặc trưng của Quảng Ninh được nâng tầm, nhân rộng ở phạm vi cả nước. Văn hóa, xã hội cũng đạt được nhiều tiến bộ đáng ghi nhận. Chất lượng công tác giáo dục đào tạo, chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân ngày càng được nâng lên, quan tâm đến vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, chủ quyền biên giới, biển đảo được giữ vững; hoạt động đối ngoại tiếp tục được củng cố và mở rộng...

Kết quả trên khẳng định vai trò, vị thế mới về một Quảng Ninh đổi mới, năng động, sáng tạo; tạo thế và lực mới cho sự phát triển nhanh, bền vững của Quảng Ninh nói riêng, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và của cả nước nói chung.

Hà Chi

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/chinh-tri/202001/50-nam-thuc-hien-di-chuc-thieng-lieng-cua-chu-tich-ho-chi-minh-xung-dang-voi-niem-tin-va-di-nguyen-cua-nguoi-2468845/