Xuân về trên bản Lũng Pô

Thôn Lũng Pô, xã A Mú Sung, huyện Bát Xát được nhiều người biết đến với Cột cờ Lũng Pô, mốc giới 92 trên mảnh đất thượng nguồn sông Hồng; là thôn giáp biên, với 2 dân tộc Mông, Dao cùng chung sống.

Phụ nữ thôn Lũng Pô chuẩn bị trang phục truyền thống đón tết, du xuân.

Những ngày giáp tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 chúng tôi có dịp trở lại Lũng Pô - địa danh “Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt”. Trong không khí chuẩn bị đón chào năm mới, trên khuôn mặt mỗi người ai nấy đều rạng ngời niềm vui, phấn khởi, bởi những thành quả đáng tự hào sau một năm vất vả lao động sản xuất.

Trong ngôi nhà còn thơm mùi gỗ mới, chị Lò Mùi Khé đang tất bật dọn nhà để kịp đón tết. Chị Khé chia sẻ: Bây giờ trong thôn ai cũng biết áp dụng khoa học kỹ thuật để phát triển kinh tế. Bà con đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau về cây, con giống, ngày công lao động; chung tay xây dựng nông thôn mới để Lũng Pô ngày càng phát triển.

Để giúp bà con phát triển kinh tế, chính quyền địa phương đã triển khai các chương trình hỗ trợ của Nhà nước về cây, con giống và kỹ thuật nuôi, trồng tạo sinh kế cho người dân. Các đơn vị đứng chân trên địa bàn như: Ðoàn Kinh tế Quốc phòng 345, Đồn Biên phòng A Mú Sung chủ động tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền xã giúp bà con phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, xóa hủ tục để hướng tới cuộc sống văn minh hơn.

Tin yêu vào Đảng, Nhà nước, đáp lại tình cảm của cán bộ, bà con đã nêu cao ý thức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới; tích cực phối hợp với bộ đội biên phòng tuần tra, nắm tình hình biên giới, giữ vững an ninh, trật tự. Qua đó cũng tạo điều kiện cho bà con yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế, đưa Lũng Pô trở thành vùng đất trù phú, ấm no.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng A Mú Sung hướng dẫn Nhân dân chăm sóc cây quế.

Từ một vùng đất hoang vu, hẻo lánh trước kia, ngày nay Lũng Pô đã trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới của xã A Mú Sung. Dải biên cương xanh mướt trong nắng xuân với những vạt chuối, đồi xoài, nương cam, bãi sắn,... đang mang lại cho người dân nơi đây một cuộc sống đủ đầy. Đến nay, Nhân dân trong thôn đã phát triển được 20 ha xoài, 15 ha ngô, 20 ha cây quế, hơn 12 ha cam và nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế khác. Thu nhập bình quân người dân đạt 34 triệu đồng/năm. Năm 2023, thôn có trên 96% số hộ đạt gia đình văn hóa, 100% học sinh trong độ tuổi đều được đến trường.

Trong bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, Lũng Pô được đánh giá là địa bàn ổn định, vững chắc với mô hình “Khu dân cư đoàn kết tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia”; duy trì mối quan hệ kết nghĩa với tổ Ngũ Đạo Hà, thôn Thủy Tào, xã Dao Sơn, huyện Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Trong năm, thôn đã phối hợp với Đồn Biên phòng A Mú Sung tổ chức tuần tra, quản lý bảo vệ đường biên, mốc giới được 12 buổi với 45 lượt người tham gia; thường xuyên kiểm tra, dọn, phát quang 2 điểm mốc 91, 92.

Nhân dân thôn Lũng Pô tham gia tuần tra đường biên, mốc giới.

Chia tay Lũng Pô, thấp thoáng trong màu xanh ngút ngàn của rừng trồng, đồi cây ăn quả là những ngôi nhà khang trang, trường học được xây kiên cố thể hiện một cuộc sống đủ đầy nơi "con sông Hồng chảy vào đất Việt".

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/xuan-ve-tren-ban-lung-po-post379459.html