'Xuân sum vầy - Tết sẻ chia': Trò có Tết, thầy cô mới vui Xuân

Sẻ chia để Tết thêm ấm cúng. Đó quả là một hành trình đẹp của cái Tết đã lan tỏa yêu thương.

Không phải ngay từ khi trở thành cô giáo vùng kinh tế mới năm 2002. mà phải khi trải qua sóng gió cuộc đời, lúc trở về từ cõi chết, lúc đưa tay ra không có một bàn tay nào đáp lại, tôi mới thấm thía ý nghĩa vô cùng của sự sẻ chia lúc nguy khó.

Tết năm đó, trong lúc khó khăn tứ bề, tôi nhận được món quà Tết từ Công đoàn ngành. Giá trị cao nhất của món quà nằm ở sự quan tâm, sẻ chia. Chỉ là gói trà, bánh mứt, hạt dưa nhưng trong cơn hoạn nạn thì đó cánh én trước mùa xuân.

Phải qua một lần mò mẫm trong băng tuyết mới thấy được giá trị của một giọt nắng mùa xuân. Món quà Tết đã dạy tôi giá trị của sẻ chia.

Thầy hiệu trưởng Võ Thành Đức tặng quà cho trò nghèo vui Tết

Nhớ cái Tết năm sau đó, đã vào những buổi học cuối cùng của năm cũ, cô giáo tôi hỏi vui: "Các em được mấy bộ đồ Tết?". Một trò nhanh nhảu trả lời: được chục bộ; còn một trò nói: em không có đồ Tết, thưa cô! Tôi giật mình vì cô đã nói hớ. Gặp riêng bạn hỏi thăm, tôi mới biết trò bị bố mẹ bỏ rơi từ nhỏ, được ông chú họ và mấy cô bác trong xóm cưu mang. Tôi liền chia sẻ hoàn cảnh khó khăn của trò trên mục Địa chỉ cần giúp đỡ trên báo. Sau đó, trò này được nhận quà Tết.

Năm 2022, tôi được chuyển công tác về quê mẹ - một thị xã ở dưới xuôi - Trường THCS Trần Hưng Đạo, thị xã Đông Hòa, Phú Yên. Trường ở giữa lòng thị xã nhưng những hoàn cành khó khăn như khuyết tật, mồ côi, thuộc hộ nghèo, cận nghèo có khoảng trên dưới hai mươi em. Điều làm tôi cảm kích là nhiều thầy cô giáo luôn trăn trở với học trò nghèo. Thật là điều cao đẹp, tôi đã tìm thấy ở đây giá trị đích thực của giáo dục. Các em học sinh sẽ được nhận sự sẻ chia ấm áp từ những cô giáo Võ Thị Mộng Thường, Nguyễn Thị Huyền Trân, Nguyễn Thị Hân, Nguyễn Thị Thanh Trang, Trần Thị Thanh Bình, Huỳnh Thị Ngà, Nguyễn Thị Liên…

Đặc biệt thầy hiệu trưởng Võ Thành Đức, tôi gọi thầy là ông Bụt của học trò nghèo. Lúc mới về trường, tôi đã được thầy trao đổi về những học sinh đặc biệt khó khăn của trường. Kinh ngạc lẫn xúc động, tôi đã không nghĩ ở cương vị hiệu trưởng của trường chuẩn quốc gia trăm công nghìn việc mà thầy lại tường tận hoàn cảnh học sinh đến vậy.

Cô Thường, cô Trân, cô Hân chuẩn bị quà Tết cho học trò

Hôm 26 Tết Nhâm Thìn năm ấy, trường tập trung làm tất niên. Khi mọi thứ đã xong, cô giáo Trân gọi 2 học trò lớp 9H là Nguyễn Ngọc Sự và Rơ Măn Nữ (người dân tộc Raglai) tới dùng cơm tất niên với thầy cô.

Sự mồ côi cha từ nhỏ, có mẹ bị bệnh tâm thần, hai mẹ con ở trong một căn nhà nhỏ xíu. Sự gầy gò nhỏ bé so với tuổi nhưng em tự đảm đương chuyện chợ búa, cơm nước học hành và cả lo cho người mẹ bị bệnh. Còn Rơ Măn Nữ thì bị mẹ bỏ rơi từ lúc còn đỏ hỏn. Bố lại mắc bệnh, cứ đi lang thang vô định. Thời gian đầu em được ông bà nội cưu mang nhưng rồi ông bà già yếu, em về ở với bác, nhà bác em đơn sơ, lại có thêm ông bà cố.

Tuy hoàn cảnh cực kỳ khó khăn nhưng điều đáng mừng là Nữ học giỏi, Sự ngoan hiền. Cô Trân đã phối hợp với nhóm thiện nguyện Đom đóm Phú Yên, đã quyên góp và hỗ trợ cho hai em được một khoản tiền khá lớn.

Em Nguyễn Ngọc Sự vui mừng khi được tặng tủ lạnh

Cô gọi nhưng chỉ em Sự đến, còn Rơ Măn Nữ là con gái nên tính nhút nhát và ngại ngùng hơn. Em Sự ngồi chung bàn, được các cô gắp thức ăn bỏ đầy chén.

Em cười, nói rất chậm rãi, theo cái cách của em: "Hai ngày nay, em thấy như mình đang ở trong giấc mơ vậy. Có một chiếc xe đạp mới, một tủ lạnh, và trước đó đã được cho một số tiền lớn. Em rất hạnh phúc". Trước khi Sự ra về, các cô còn gọi lại lì xì và cũng chuẩn bị phần cho Nữ.

Cô Nguyễn Thị Huyền Trân, Tổng phụ trách đội của trường, là một cô giáo giàu lòng nhân ái. Cô tận tâm với học trò nghèo.

Ngoài công việc ở trường, cô còn làm thêm những công việc để đóng góp vào nguồn quỹ từ thiện: kêu gọi, bán những chiếc bánh ngọt, bánh mì yêu thương. Bánh chỉ 5.000đ nhưng khách mua thường trả 10.000đ để hỗ trợ trò nghèo.

Cô Thường thì trực tiếp bỏ tiền túi, vận dộng bạn bè và người thân để giúp đỡ không chỉ học trò trong trường mà cả các em có hoàn cảnh khó khăn cùa các trường khác.

Tủ bánh mì yêu thương của cô Trân

Thầy Đức, cô Trân và cô Thường và những cô thầy khác vẫn sát cánh từng ngày cùng các em học sinh khó khăn.

Đặc biệt là dịp Tết đến xuân về, những học sinh trong danh sách khó khăn của trường đều có quà Tết. Buổi chào cờ cuối năm thật ấm cúng vì tình thương đã lan tỏa. Tất cả đã làm nên câu chuyện tình - cô - trò - tuyệt - đẹp.

Sẻ chia để Tết thêm ấm cúng. Đó quả là một hành trình đẹp, cảm ơn vì Tết đã lan tỏa yêu thương.

Nguyễn Thị Bích Nhàn

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/xuan-sum-vay-tet-se-chia-tro-co-tet-thay-co-moi-vui-xuan-196240219175304786.htm