Xử lý thành công cát biển thành cát xây dựng

Trung tuần tháng 3-2018, các chuyên gia Viện Chuyên ngành bê tông (Viện Khoa học công nghệ xây dựng - Bộ Xây dựng) trực tiếp đến Cần Thơ, thu mẫu để thí nghiệm, kiểm định chất lượng cát nhiễm mặn đưa vào xử lý bằng dây chuyền công nghệ chế biến cát sạch Phan Thành, do kỹ sư Võ Tấn Dũng sáng chế.

Ngày 19-3, Phòng thí nghiệm nghiên cứu ăn mòn và bảo vệ công trình (XDLAS05) - Viện Khoa học công nghệ xây dựng (Bộ Xây dựng) công bố kết quả thí nghiệm, ghi nhận: Mẫu cát nhiễm mặn nguyên khai được đưa về bằng sà lan từ Bà Rịa – Vũng Tàu, có hàm lượng muối (Clo) là 0,255%.

Các chuyên gia thu mẫu cát nhiễm mặn nguyên khai hàm lượng Cl- là 0,255%.

Sau khi đưa vào xử lý bằng dây chuyền công nghệ chế biến cát sạch Phan Thành hàm lượng ion clo (Cl-) giảm xuống mức 0,018%. So với yêu cầu kỹ thuật TCVN 7570:2006 về hàm lượng Cl- đối với bê tông dùng trong các kết cấu bê tông, bê tông cốt thép và vữa thông thường (dưới 0,05%) thì cát nhiễm mặn nguyên khai ở Bà Rịa - Vũng Tàu có hàm lượng Cl- vượt tiêu chuẩn cho phép gấp hơn 5 lần.

Tuy nhiên, sau khi đưa vào xử lý bằng dây chuyền công nghệ chế biến cát sạch Phan Thành, hàm lượng Cl- giảm xuống thấp hơn ngưỡng tiêu chuẩn cho phép nhiều lần.

Trước đó, từ cuối năm 2017, kỹ sư Võ Tấn Dũng đã chủ động thu mẫu cát nhiễm mặn điển hình ở nhiều nơi trên cả nước, như: Móng Cái (Quảng Ninh), Bình Thuận, Kiên Giang… đưa vào chế biến thử nghiệm. Kết quả thí nghiệm của các đơn vị chức năng kiểm định đều ghi nhận chất lượng cát mặn sau chế biến đạt tiêu chuẩn cát xây dựng theo quy định, đặc biệt là hàm lượng Cl- rất thấp.

Trực tiếp tham gia thị sát, lấy mẫu thí nghiệm, kiểm định chất lượng cát nhiễm mặn đưa vào xử lý bằng dây chuyền công nghệ chế biến cát sạch Phan Thành tại Cần Thơ, ông Nguyễn Đức Thắng, chuyên gia Viện Khoa học công nghệ xây dựng (Bộ Xây dựng) cho rằng, bằng biện pháp thí nghiệm, đơn vị đã có thể loại trừ nguồn cát nguyên liệu ở những vùng có nguy cơ bị phản ứng kiềm silic trước khi đưa vào chế biến.

Các yếu tố gây hại còn lại trong cát biển nguyên khai như hàm lượng Cl-, bụi, bùn, sét, tạp chất hữu cơ và thành phần hạt mịn thì qua dây chuyền công nghệ chế biến cát sạch Phan Thành đều có thể xử lý được, chống tình trạng hút ẩm, rộp bê tông, ăn mòn bê tông cốt thép từ việc sử dụng cát biển.

Kỹ sư Võ Tấn Dũng cho biết, với kết quả thử nghiệm thành công, dây chuyền công nghệ chế biến cát sạch Phan Thành đủ khả năng đáp ứng nhu cầu hợp tác của các đối tác có nhu cầu đưa cát biển vào chế biến quy mô công nghiệp (hàng trăm m3/giờ/máy), phục vụ các dự án xây dựng quy mô lớn và phổ biến trên thị trường.

“Chúng tôi rất cần sự quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi từ phía các cấp chính quyền, cơ quan chức năng để đẩy nhanh triển khai ứng dụng dây chuyền công nghệ chế biến cát sạch phổ biến. Trên cơ sở đó, từng bước tháo gỡ khó khăn của đơn vị, đồng thời góp phần tích cực giải tỏa áp lực cơn sốt cát xây dựng trên thị trường, giảm áp lực khai thác cát sông, giảm sạt lở bờ sông và bảo vệ môi trường, sinh thái”, kỹ sư Dũng cho biết.

VĂN ĐỨC

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/cong-nghe/xu-ly-thanh-cong-cat-bien-thanh-cat-xay-dung-483628/