Xiếc mạo danh và những khó khăn của Liên đoàn Xiếc

Đang hào hứng dàn dựng cho chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng các ngày kỷ niệm lớn của đất nước diễn ra tại Rạp xiếc Trung ương (67-69 Trần Nhân Tông, Hà Nội), Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Tống Toàn Thắng không khỏi bất ngờ bởi những cuộc điện thoại của bạn bè ở một số tỉnh, thành phố gọi hỏi về việc anh dẫn đoàn đi lưu diễn ở địa phương họ.

Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, NSƯT Tống Toàn Thắng-nghệ sĩ nổi tiếng với hình ảnh và tiết mục Xiếc trăn, Phó giám đốc Liên đoàn Xiếc (LĐX) Việt Nam-cho biết: "Thời gian qua có rất nhiều đoàn xiếc tư nhân, hay còn gọi là “xiếc cỏ”, doanh nghiệp tổ chức hội chợ, đơn vị tổ chức biểu diễn mạo danh LĐX Việt Nam. Có rất nhiều hình thức mạo danh. Chẳng hạn vụ việc diễn ra tại phường Xuân Đỉnh (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), khi được khán giả thông tin có các tiết mục xiếc của LĐX Việt Nam in trên băng-rôn, pa-nô quảng cáo như: “Con lăn”, “Đứng tay”, “Cắn kiếm”, “Xiếc trăn”… với những gương mặt nghệ sĩ quen thuộc, nhưng lại do Công ty Biểu diễn nghệ thuật Thái Dương tổ chức, ngay lập tức LĐX Việt Nam đã cử đoàn cán bộ kết hợp với các cơ quan chức năng của TP Hà Nội đi kiểm tra. Sau khi làm việc, đơn vị mạo danh đã xin lỗi và gỡ bỏ toàn bộ pa-nô quảng cáo cũng như chương trình biểu diễn. Nhưng chỉ sau đó một tuần, ở huyện Phú Xuyên (Hà Nội), Công ty Biểu diễn nghệ thuật Thái Dương lại tiếp tục ngang nhiên treo băng-rôn, pa-nô quảng cáo chương trình biểu diễn tương tự ở phường Xuân Đỉnh...".

Băng rôn quảng cáo giả mạo một số tiết mục xiếc của nghệ sĩ LĐX Việt Nam.

Trước sự việc này, lãnh đạo LĐX Việt Nam đã gửi công văn tới Thanh tra Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội đề nghị xử lý những đơn vị mạo danh LĐX Việt Nam. Công văn nhấn mạnh: “Hiện nay, có rất nhiều đơn vị tổ chức nghệ thuật tư nhân mạo danh LĐX Việt Nam để đi biểu diễn trên khắp các quận, huyện tại Hà Nội cũng như các tỉnh, thành phố trong cả nước, gây ảnh hưởng không tốt đến thương hiệu và uy tín của đơn vị. Vì vậy, để bảo đảm quyền lợi của khán giả, bảo vệ uy tín của đơn vị, các nghệ sĩ chân chính, LĐX Việt Nam đề nghị Thanh tra Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội xem xét, có biện pháp xử lý kịp thời”.

Theo ông Thế Anh, Trưởng phòng Tổ chức biểu diễn LĐX Việt Nam: Vụ việc đơn vị tư nhân này mạo danh LĐX Việt Nam chưa giải quyết xong thì lại nhận tin đơn vị khác giả mạo để biểu diễn ở những địa phương khác. Mới đây, báo chí đăng tải sự việc cá sấu cắn diễn viên. Sau khi sự việc xảy ra, có người gọi cho LĐX Việt Nam để hỏi, nhưng đó không phải là tiết mục của LĐX Việt Nam mà hoàn toàn là “xiếc cỏ”. Có đoàn xiếc thú lên Tây Nguyên diễn, khi ngang qua kiểm lâm, bị lực lượng này chặn lại, khi bị hỏi giấy tờ, nguồn gốc con thú, đoàn đó không giải trình được liền nhận bừa là của LĐX Việt Nam. Sau đó, những con thú không rõ nguồn gốc bị giữ lại… “Nếu vi phạm quy định biểu diễn như vậy thì đơn vị giả danh chỉ bị phạt hành chính vài ba triệu đồng, không đủ răn đe. Các tiết mục biểu diễn của LĐX Việt Nam được đầu tư dàn dựng công phu, nếu đi biểu diễn phục vụ thường có giá vé từ 150.000 đồng đến 300.000 đồng, công tác tổ chức tốn kém bởi có sự tham gia của hàng chục người, có chương trình cả trăm người. Trong khi các tiết mục “xiếc cỏ” chỉ 2-3 người biểu diễn, vì không tốn kinh phí tổ chức, rạp bạt nên vé bán chỉ từ 30.000 đồng đến 50.000 đồng, thậm chí miễn phí cho khán giả nhỏ tuổi, nhưng vẫn có nguồn thu cao. Những gánh “xiếc cỏ” mạo danh LĐX Việt Nam quảng cáo nhưng lại biểu diễn kém chất lượng khiến người dân hiểu lầm chúng tôi “treo đầu dê bán thịt chó”. Chúng tôi chỉ có thể báo cơ quan an ninh văn hóa khi phát hiện những trường hợp giả mạo ở khu vực Hà Nội, còn ở nhiều địa phương thì không thể ngăn cản”, ông Thế Anh bày tỏ.

Những năm qua, LĐX Việt Nam đã tạo được uy tín trong nghệ thuật biểu diễn xiếc không chỉ ở Việt Nam mà cả ở nước ngoài, đoạt nhiều giải thưởng lớn cùng các tiết mục đặc sắc tại các cuộc liên hoan quốc tế, thu hút sự quan tâm của khán giả. Tuy nhiên, ngành xiếc cũng đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là nguồn nhân lực. Khó khăn đó hiển thị rõ rệt ở khâu đào tạo, tuyển diễn viên và thực tế biểu diễn. Hiện nay, lực lượng lao động của LĐX Việt Nam khoảng 100 người, lao động chính tập trung vào diễn viên trẻ. Một số nghệ sĩ dù vẫn trong biên chế của liên đoàn nhưng lại không còn năng lực biểu diễn, bởi thực tế với đặc thù có tuổi nghề ngắn (nữ khoảng 35-40 tuổi, nam 45-50 tuổi). Gần đây, có nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật tổng hợp mang hơi hướng mới do đơn vị tư nhân thành lập, đáp ứng nhu cầu khách du lịch, trả lương cao đã thu hút không ít diễn viên của LĐX Việt Nam chuyển đi. Đó cũng là lý do LĐX Việt Nam luôn trong tình trạng thiếu hụt nghệ sĩ biểu diễn.

Trong bối cảnh khó khăn chồng chất, thiếu hụt diễn viên, bị giả mạo về thương hiệu, LĐX Việt Nam vẫn nỗ lực sáng tạo các chương trình, giữ vững thương hiệu là “cánh chim đầu đàn” của ngành xiếc. NSƯT Tống Toàn Thắng chia sẻ, khi chưa có những chế tài phù hợp “dẹp loạn” mạo danh, LĐX Việt Nam chỉ có cách nâng cao chất lượng các tiết mục xiếc, trong đó chú trọng dàn dựng các chương trình có chủ đề, nội dung, tư tưởng rõ ràng. Ngoài kế hoạch được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt hằng năm đi biểu diễn phục vụ miễn phí khán giả vùng sâu, vùng xa từ 8 đến 10 buổi, LĐX Việt Nam cũng tăng cường chủ động nguồn xã hội hóa, phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp đưa xiếc đi biểu diễn tại các vùng, miền trong cả nước nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng thức của công chúng với loại hình nghệ thuật đặc sắc này.

VƯƠNG HÀ

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/xiec-mao-danh-va-nhung-kho-khan-cua-lien-doan-xiec-548855