Xây dựng Thủ đô xứng tầm khu vực

Hôm nay (17/3), Đảng bộ thành phố Hà Nội tròn 91 mùa xuân. Nhìn lại 91 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Thủ đô đã làm nên nhiều kỳ tích.

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3/2/1930), ngày 17/3/1930 tại số nhà 42 phố Hàng Thiếc, quận Hoàn Kiếm, Đảng bộ thành phố Hà Nội đã chính thức được thành lập. Trải qua hơn 9 thập kỷ, dưới sự lãnh đạo của Đảng; Đảng bộ thành phố Hà Nội luôn phát huy tinh thần đoàn kết, trí tuệ, sáng tạo, lãnh đạo, chỉ đạo đưa Thủ đô đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Có thể nói, xuyên suốt chiều dài 91 năm qua kể từ ngày Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, những thành quả của cách mạng Việt Nam đều có dấu ấn đậm nét của Đảng bộ thành phố Hà Nội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh xem và góp ý vào Đồ án Quy hoạch Thủ đô Hà Nội tháng 11/1959. (Ảnh: Tư liệu).

Cuộc tổng khởi nghĩa 19/8/1945 cũng bắt đầu từ Hà Nội, sau đó lan tỏa ra mọi miền đất nước. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, của Việt Minh quân và dân cả nước nhất tề nổi dậy làm nên cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 long trời lở đất. Ngày mùng 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, chấm dứt 80 năm sống dưới ách đô hộ của thực dân Pháp; đưa Việt Nam thành quốc gia độc lập - tự do.

Nền độc lập chưa lâu, năm 1946 thực dân Pháp quay trở lại, một lần nữa, dưới sự lạnh đạo của Trung ương Đảng; Đảng bộ, Chính quyền, quân và dân Thủ đô đã anh dũng đứng lên chống lại quân đội Pháp. Những ngày mùa đông Hà Nội năm 1946 đã đi vào lịch sử đất nước, Thủ đô như mốc son chói lọi về sự quật cường, quả cảm trong chống giặc ngoại xâm. 9 năm trường kỳ kháng chiến, kết thúc bằng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, ngày 10/10/1954 Hà Nội lại tưng bừng đón đoàn quân chiến thắng trở về tiếp quản Thủ đô, Hà Nội cũng chính thức được giải phóng.

Kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc, tưởng chừng đất nước được hưởng độc lập, tự do để xây dựng, kiến thiết quốc gia, nhưng rồi do hoàn cảnh lịch sử, dân tộc ta phải tiếp tục chống lại sự can thiệp của đế quốc Mỹ để thống nhất giang sơn. Trong cuộc kháng chiến chống sự can thiệp của đế quốc Mỹ, dấu ấn của Đảng bộ, Chính quyền, quân và dân Thủ đô không chỉ là hậu phương vững chắc chi viện nhân lực, vật lực cho chiến trường miền Nam mà còn là nơi đã làm nên chiến công kỳ vĩ có một không hai lúc bấy giờ với sự kiện: “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” diễn ra những ngày mùa đông năm 1972. Quân và dân Thủ đô đã đánh thắng "pháo đài bay B52"- một phương tiện chiến tranh được cho là bất khả xâm phạm của không lực Hoa Kỳ lúc bấy giờ. Chiến thắng B52 trên bầu trời Thủ đô không chỉ đập tan kế hoạch của nhà cầm quyền Mỹ đưa Hà Nội về thời kỳ đồ đá mà là bước ngoặt mang tính quyết định để Chính phủ Mỹ chấp nhận tiếp tục ngồi vào bàn đàm phán Paris và ký kết Hiệp định Paris năm 1973, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam… Chính sự kiện này đã dẫn đến thắng lợi của cuộc tổng tiến công mùa xuân năm 1975 mà đỉnh cao là giải phóng Sài Gòn (30/4/1975), thống nhất đất nước.

Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội Khóa XVII (Ảnh N.C)

Bước vào thời kỳ đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế, Hà Nội cũng luôn là điểm sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội nước nhà. Quán triệt phương châm “Hà Nội là Thủ đô của đất nước, nên Hà Nội phải đi trước về trước trong các phong trào…”; Vận dụng sáng tạo đường lối, chủ trương, Nghị quyết của Đảng; pháp luật của Nhà nước, không ngừng tư duy trong cách nghĩ, hành động quyết liệt trong cách làm, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Thành phố, Hà Nội đã vươn trở thành một trong hai đầu tầu kinh tế của cả nước. Chỉ chiếm 1% diện tích, 8% dân số, nhưng hằng năm, Hà Nội đóng góp gần 17% tổng sản phẩm nội địa (GDP) và 20% thu ngân sách của cả nước. Hà Nội không chỉ tự hào danh hiệu “Thủ đô Anh hùng”, “Thành phố vì hòa bình”, mà hiện Hà Nội còn là thành phố sáng tạo.

Bên cạnh những thành tựu xuyên suốt 91 năm qua mà Đảng bộ, Chính quyền, quân và dân Thủ đô đã đạt được, nhìn vào thực tế vẫn còn những “điểm nghẽn” cần phải khai thông trong thời gian tới để Thủ đô phát triển xứng tầm khu vực. Xét về không gian, sau Nghị quyết của Quốc hội về sáp nhập địa giới hành chính Thủ đô có hiệu lực từ ngày 1/8/2008, Hà Nội có diện tích tự nhiên lớn hơn thành phố Hồ Chí Minh, hội tụ các điều kiện để phát triển công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, tài chính, ngân hàng và du lịch sinh thái... Xét về nguồn nhân lực, Hà Nội là địa phương tập trung nhiều học viện, trường đại học, trung tâm nghiên cứu và nguồn nhân lực chất lượng cao lớn nhất nước. Nói một cách ngắn gọn, Hà Nội hội tụ đủ các yếu tố “Thiên thời- địa lợi- nhân hòa”, đây là những lợi thế mà Đảng bộ Thành phố đã và đang tiếp tục có những quyết sách để khơi thông mọi nguồn lực đưa Thủ đô phát triển nhanh, bền vững.

Phát huy truyền thống vẻ vang 91 năm qua, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Thủ đô quyết tâm xây dựng Thủ đô Hà Nội phát triển xứng tầm khu vực (Ảnh: Minh Phương)

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình cảm đặc biệt với Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Thủ đô. Người từng căn dặn: "Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta", nên “Thủ đô ta” phải phấn đấu để “thành một Thủ đô bình yên tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần”. Bác Hồ cũng luôn yêu cầu Đảng bộ, Chính quyền Thành phố xác định và bảo đảm hoàn thành trách nhiệm vị trí "đầu tàu", vai trò "gương mẫu" với cả nước.

Thấm nhuần lợi dạy và kỳ vọng của Bác Hồ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, tin tưởng chắc chắn rằng Đảng bộ thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục phát huy những thành quả đã đã được, không ngừng đổi mới, sáng tạo… lãnh đạo toàn diện để xây dựng Thủ đô thực sự giàu đẹp, văn minh, phát triển xứng tầm với vị thế Thủ đô của đất nước; vươn lên xứng tầm khu vực Đông Nam Á, châu Á và thế giới.

L.Hà

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/xay-dung-thu-do-xung-tam-khu-vuc-120339-120339.html