Xây dựng thế trận lòng dân nơi biên giới

Những năm qua, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Điện Biên luôn gần dân, bám bản, tích cực tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương giúp dân vượt khó, phát triển kinh tế, củng cố mối quan hệ gắn bó quân - dân nơi biên giới.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Mường Mươn tuyên truyền, vận động nhân dân bản Huổi Nhả thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Mường Mươn tuyên truyền, vận động nhân dân bản Huổi Nhả thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Đồn Biên phòng Sen Thượng được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ đoạn biên giới quốc gia tuyến Việt Nam - Trung Quốc dài 24km, gồm 8 cột mốc. Thời gian qua, cán bộ, chiến sĩ đơn vị luôn nỗ lực làm tốt công tác vận động quần chúng, tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xây dựng khu vực biên giới giàu mạnh.

Thượng tá Lò Văn Ván, Chính trị viên Đồn Biên phòng Sen Thượng cho biết: Đồn đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân; giúp dân phát triển sản xuất. Để công tác tuyên truyền, vận động quần chúng đạt hiệu quả, đơn vị luôn chú trọng triển khai các hoạt động thiết thực, cụ thể, thực hiện “3 bám, 4 cùng” với người dân.

Trạm Biên phòng bản Tả Ló San đặt tại bản Tả Ló San, cách trung tâm xã hơn 20km. Cán bộ, chiến sĩ ở đây không chỉ làm tốt nhiệm vụ bảo vệ biên giới, giữ gìn an ninh trật tự mà còn tích cực đồng hành cùng người dân trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Anh Pờ Xuân Mười, Trưởng bản Tả Ló San chia sẻ: “Bộ đội biên phòng đã trở thành người thân, gần gũi với bà con. Cái gì cần cho dân thì cán bộ làm, giúp đỡ. Các anh dạy bà con cách theo dõi thời tiết để chủ động trong lao động, sản xuất và phòng tránh thiên tai. Không chỉ phổ biến kiến thức, cán bộ biên phòng còn trực tiếp giúp đỡ các gia đình gia cố nhà cửa, chuồng trại; đồng hành bảo vệ người và tài sản cho nhân dân”.

Bước vào cao điểm mùa mưa, lực lượng biên phòng phải tăng cường bám, nắm cơ sở để kịp thời phát hiện, xử lý những tình huống bất ngờ xảy ra.

Thiếu tá Trần Quang Đăng, Trạm Biên phòng Tả Ló San cho biết: Anh em ở trạm tích cực tuyên truyền, hỗ trợ dân bản chủ động phòng, chống thiên tai. Từ theo dõi, nắm bắt tình hình thời tiết để canh tác, sản xuất hợp lý, đến đưa gia súc từ nương và trong rừng về nhà, gia cố lại hệ thống chuồng trại. Phụ huynh cũng được dặn dò kỹ lưỡng về việc quản lý con em mình, không để trẻ đi chơi tự do hoặc ra ngoài khi mưa bão.

Phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật cho bà con các dân tộc thiểu số là một trong những giải pháp được lực lượng BĐBP tích cực triển khai ở cơ sở, không chỉ góp phần đảm bảo an ninh trật tự địa bàn, mà còn từng bước nâng cao dân trí cho đồng bào.

Trung tá Đinh Công Điện, Chính trị viên Đồn Biên phòng Mường Mươn chia sẻ: Thời gian qua, mặc dù công tác tuyên truyền pháp luật đã được cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh, song thực tế vẫn còn không ít vụ việc vi phạm pháp luật xảy ra. Phần lớn các vụ việc liên quan đến vi phạm lâm luật, sử dụng pháo trái phép dịp tết, bạo lực gia đình, hôn nhân cận huyết thống... đều bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết. Đặc biệt, lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của đồng bào các dân tộc thiểu số, bằng các chiêu trò thông qua tuyên truyền trực tiếp hoặc internet, các đối tượng xấu đã lôi kéo, dụ dỗ 19 hộ với 130 nhân khẩu ở bản Huổi Nhả, xã Mường Pồn rời bỏ tôn giáo được Nhà nước công nhận để theo tà đạo “Giê Sùa”, gây mất ổn định chính trị, xã hội. Chính vì vậy, việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật nếu làm theo cách “đọc - chép - nghe” thông thường thì không hiệu quả. Chúng tôi phải học tiếng bà con, hiểu phong tục, nói cho dễ hiểu và đúng mối quan tâm của bà con”.

Từ thực tế đó, những mô hình “Tổ tự quản an ninh trật tự”, “Tiếng loa biên phòng” cho đến các buổi chiếu phim lưu động, phát tờ rơi, tranh ảnh trực quan bằng tiếng Thái, tiếng Mông... của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Mường Mươn đã giúp những điều luật khô khan trở thành những câu chuyện dễ hiểu như: Vì sao không được tàng trữ pháo nổ? Tự ý vượt biên sẽ có hậu quả gì? Làm sao để tránh bẫy lừa đảo qua mạng xã hội?...

Một trong những mô hình hiệu quả nhất là xây dựng các “Tổ tự quản an ninh trật tự thôn, bản”, “Tổ hòa giải cộng đồng”, do chính người dân phối hợp với lực lượng biên phòng tham gia. Từ những mô hình, việc làm thiết thực, niềm tin của đồng bào với pháp luật được khơi dậy, tinh thần “sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật” dần lan rộng trong cộng đồng dân cư khu vực biên giới.

Giai đoạn 2020 - 2025, Bộ đội Biên phòng Điện Biên đã triển khai 23 đợt, 178 lượt cán bộ tăng cường tại các địa bàn trọng điểm; vận động 26 cá nhân từ bỏ đạo lạ Tâm linh Hồ Chí Minh; phối hợp xử lý 6 vụ, 8 đối tượng, vận động 5 cá nhân ký cam kết không tuyên truyền Pháp luân công. Tại các địa bàn biên giới, Bộ đội Biên phòng đã thực hiện 15.625 ngày công giúp nhân dân lao động sản xuất; điều động 4.750 lượt cán bộ, chiến sĩ, 250 lượt phương tiện tham gia khắc phục hậu quả thiên tai...

Bằng những việc làm cụ thể, với phương châm “3 bám, 4 cùng” với đồng bào vùng biên, những người lính quân hàm xanh Điện Biên đã góp phần xây dựng mối đoàn kết quân dân ở khu vực biên giới ngày càng gắn bó bền chặt, thế trận biên phòng toàn dân được củng cố, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Lan Phương

Nguồn Điện Biên Phủ: https://baodienbienphu.vn/bai-thuong/quoc-phong/xay-dung-the-tran-long-dan-noi-bien-gioi-