Xây dựng môi trường lao động an toàn - Bài 2: Cần sự chung tay của nhiều phía

Tuy đã có các giải pháp xây dựng môi trường lao động an toàn nhưng TP Hồ Chí Minh vẫn còn nhiều đơn vị chưa quan tâm đầu tư đúng mức cho công tác an toàn, vệ sinh lao động, tỷ lệ tai nạn lao động cao.

Vì vậy, để có được môi trường lao động an toàn, nhất thiết cần sự vào cuộc của người lao động, người sử dụng lao động, các đơn vị chức năng, tổ chức Công đoàn chủ động, giám sát mọi lúc, mọi nơi.

Còn nhiều tai nạn lao động đáng tiếc

TP Hồ Chí Minh là địa phương xảy ra nhiều tai nạn lao động nhất nước. Năm 2018, hơn 1.200 vụ đã xảy ra làm 1.300 người gặp nạn, trong đó 101 người tử vong. Từ đầu năm 2019 đến nay, địa bàn thành phố xảy ra 32 vụ tai nạn lao động, làm chết 32 người (tăng 1 vụ so với cùng kỳ năm 2018).

Vụ đổ giàn giáo tại tại Trường Tiểu học Huỳnh Văn Bánh thuộc xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh trong Lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam khiến 25 học sinh lớp 3 và lớp 5 bị thương. Ảnh Mạnh Linh/ Báo Tin tức

Trong 6 tháng đầu năm 2019, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố tổ chức 168 đoàn kiểm tra an toàn vệ sinh lao động trên các lĩnh vực quản lý; phối hợp cùng Liên đoàn Lao động thành phố và các địa phương tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động như, diễu hành, tọa đàm tuyên truyền Luật An toàn, vệ sinh lao động, họp mặt người bị tai nạn lao động…

Thống kê của Viện Khoa học an toàn vệ sinh lao động TP Hồ Chí Minh, lĩnh vực xảy ra tai nạn lao động nhiều nhất là thi công xây dựng, sau đó là sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ và giáo dục. Riêng lĩnh vực thi công xây dựng, tai nạn lao động thường xảy ra ở các công trình xây dựng dân dụng, nhà ở riêng lẻ thường do nhà thầu tư nhân hoặc đơn vị xây dựng quy mô nhỏ thực hiện thi công hay khoán lại cho nhóm thợ không đủ điều kiện tổ chức thi công, không nắm rõ, không chấp hành quy định pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.

Điển hình như vụ đổ giàn giáo tại tại Trường Tiểu học Huỳnh Văn Bánh thuộc xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh trong Lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam khiến 25 học sinh lớp 3 và lớp 5 bị thương. Theo cơ quan điều tra, nguyên nhân là do hệ thống lưới làm mát che sân trường được làm xong từ tối hôm trước nhưng đơn vị thi công là Công ty Trang thiết bị trường học Thanh Trúc chỉ dựng giàn giáo vào góc sân trường mà không thu dọn sau khi thi công. Đến khi chuẩn bị làm lễ, một cơn gió lớn, cuốn tấm che nắng, kéo 6 khung giàn giáo chiều cao 10 m ngã đổ xuống sân khiến các học sinh bị thương.

Hay trường hợp hy hữu khi giàn giáo, sàn bê tông tại công trình nhà ở riêng lẻ trên đường Tôn Thất Tùng, Quận 1 bất ngờ đổ sập vào gần nửa đêm khiến một công nhân trông coi công trình đang ăn hủ tiếu trước nhà tử vong, người bán hủ tiếu bị thương, được đưa đi cấp cứu.

Theo Thạc sỹ Huỳnh Kim Hoàng, Phó Viện trưởng Viện Khoa học an toàn vệ sinh lao động TP Hồ Chí Minh, khảo sát toàn diện năm 2017 cho thấy, nguyên nhân dẫn tới tai nạn lao động phần lớn xuất phát từ người sử dụng lao động (chiếm 61,76%) do không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn, thiết bị không đảm bảo hoặc không có thiết bị an toàn; không huấn luyện hoặc huấn luyện an toàn vệ sinh lao động chưa đầy đủ; tổ chức lao động và điều kiện lao động chưa hợp lý; không trang bị hoặc trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân không phù hợp. Bên cạnh đó, nguyên nhân đến từ người lao động (chiếm 8,82%) do vi phạm nội quy, quy trình, quy chuẩn an toàn lao động, không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân. Một số vụ do áp lực công việc, sức khỏe không đảm bảo, người lao động chưa quan tâm đến việc tự bảo vệ mình trong quá trình lao động sản xuất.

Tai nạn lao động làm ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của người lao động, gia đình. Tai nạn lao động không chỉ làm thay đổi đời sống kinh tế của gia đình mà còn gây thiệt hại lớn về nguồn lực kinh tế, tài chính cho đơn vị, doanh nghiệp, người sử dụng lao động và đất nước.

Nâng cao nhận thức về an toàn lao động

TP Hồ Chí Minh cùng cả nước đã và đang trong thời kỳ phát triển, hội nhập quốc tế sâu rộng. Do đó, các doanh nghiệp cần học tập kinh nghiệm của các nước trong việc xây dựng tiêu chuẩn an toàn tại doanh nghiệp phù hợp với tình hình chung của đất nước và xu thế thời đại.

Theo Thạc sỹ Huỳnh Kim Hoàng, để kéo giảm tỷ lệ tai nạn lao động cần có những giải pháp đồng bộ, phát huy mọi nguồn lực trong việc cải thiện điều kiện lao động, môi trường lao động, nâng cao ý thức, trách nhiệm của mọi người, mọi tổ chức khi tham gia vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Việc xây dựng văn hóa an toàn tại doanh nghiệp rất quan trọng và có ý nghĩa lớn trong việc kéo giảm tỷ lệ tai nạn lao động, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Nhiều năm kinh nghiệm trong hoạt động an toàn vệ sinh lao động tại đơn vị, ông Nguyễn Thanh Lâm, Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần Tico (quận Tân Phú) cho biết, quan trọng nhất là ý thức người lao động trong việc tuân thủ và sử dụng hiệu quả các thiết bị bảo hộ lao động. Người lao động phải xem việc trang bị đầy đủ, đúng theo yêu cầu là quyền lợi để bảo vệ sức khỏe cho bản thân mình. Chủ doanh nghiệp phải có trách nhiệm trang bị đầy đủ, đúng chủng loại các thiết bị bảo hộ lao động phù hợp với nhu cầu thực tế tại đơn vị.

Ngoài ra, doanh nghiệp cần tăng cường giám sát người lao động làm việc bằng hệ thống camera, thực hiện giám sát chéo lẫn nhau; thường xuyên phối hợp tuyên truyền phổ biến, định kỳ tập huấn về an toàn lao động, phòng cháy chữa cháy, sơ cấp cứu… Tổ chức Công đoàn chủ động phối hợp cùng doanh nghiệp xây dựng các quy định về an toàn vệ sinh lao động cụ thể, phù hợp cho từng công việc hay nhóm người lao động; phát huy mạng lưới an toàn vệ sinh viên, chú trọng đầu tư, huấn luyện, đào tạo, thực hiện biện pháp an toàn trước, trong và sau giờ làm việc.

Cùng quan điểm trên, theo ông Huỳnh Văn Tuấn, Chủ tịch Công đoàn các Khu chế xuất - Khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh, trong công tác an toàn vệ sinh lao động, doanh nghiệp và người lao động vừa là đối tượng vừa là chủ thể. Người sử dụng lao động phải thực hiện các biện pháp xác định, đánh giá, quản lý rủi ro, cải thiện điều kiện lao động và xây dựng văn hóa an toàn lao động tại nơi làm việc nhằm phòng ngừa tai nạn lao động.

Với người lao động, cần nhận thức đầy đủ, thực hiện nghiêm nội quy an toàn vệ sinh lao động trong doanh nghiệp để bảo vệ tính mạng, sức khỏe cá nhân mình và an toàn cho người xung quanh, cho doanh nghiệp. Cơ quan quản lý cần kiểm tra thường xuyên việc thực hiện chính sách pháp luật về lao động của doanh nghiệp đối với người lao động, chính sách bảo hiểm, trang bị bảo hộ lao động, chấp hành quy định về sử dụng thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, xây dựng môi trường làm việc tốt cho người lao động…

Ở góc độ là người đại diện chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động, ông Kiều Ngọc Vũ, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh cho rằng, để hạn chế tai nạn lao động, người sử dụng lao động, tổ chức Công đoàn, người tham gia lao động cần tích cực chủ động phòng ngừa và kiểm soát yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc; chú trọng xây dựng văn hóa an toàn đi vào thực chất; thiết lập ý thức, tác phong công nghiệp và thói quen làm việc an toàn dù ở đâu, bất kỳ công việc nào. Các đơn vị chức năng chủ động hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn phù hợp với từng công việc cụ thể; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định an toàn, vệ sinh lao động, phòng cháy chữa cháy tại các đơn vị doanh nghiệp.

Theo ông Kiều Ngọc Vũ, an toàn, vệ sinh lao động không chỉ là khẩu hiệu, băng rôn, thực hiện trong tháng phát động, mà cần được triển khai thường xuyên, liên tục, trong từng lĩnh vực, ngành nghề bằng những hành động thiết thực, hiệu quả. An toàn lao động phải xuất phát từ ý thức người sử dụng lao động, tổ chức Công đoàn, người tham gia lao động và mạng lưới an toàn vệ sinh viên, các đơn vị chức năng cùng tích cực tham gia để hạn chế từ những việc nhỏ nhất có thể dẫn đến tai nạn lao động.

Thanh Vũ (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/van-de-quan-tam/xay-dung-moi-truong-lao-dong-an-toan-bai-2-can-su-chung-tay-cua-nhieu-phia-20190707091422933.htm