Xây dựng kinh tế hợp tác xã, cải tạo xã hội chủ nghĩa

Giai đoạn 1958-1960 là những năm cải tạo xã hội chủ nghĩa, Thái Nguyên cũng như các tỉnh ở miền Bắc, công tác trọng tâm là xây dựng kinh tế hợp tác xã.

Giai đoạn 1958-1960 là những năm cải tạo xã hội chủ nghĩa, Thái Nguyên cũng như các tỉnh ở miền Bắc, công tác trọng tâm là xây dựng kinh tế hợp tác xã.

Từ năm 1955, Đảng bộ Thái Nguyên đã chỉ đạo xây dựng thí điểm ba hợp tác xã sản xuất nông nghiệp ở xã Hùng Sơn (Đại Từ) là ba hợp tác xã đầu tiên của huyện và cũng là của tỉnh.

Năm 1956, tỉnh chỉ đạo xây dựng thêm 2 hợp tác xã ở Tiên Hội (Đại Từ), đồng thời lãnh đạo tiếp tục củng cố và phát triển các tổ đổi công.

Đầu năm 1858, Bác Hồ về thăm Hợp tác xã Nông nghiệp Cầu Thành (Đại Từ), Người đã căn dặn, động viên nhân dân phải hăng hái tham gia xây dựng tổ đổi công, xây dựng hợp tác xã nông nghiệp, tích cực tham gia xây dựng quê hương giàu mạnh.

Thực hiện lời dạy của Người, phong trào đổi công lao động sản xuất ở Thái Nguyên nhanh chóng được phục hồi và phát triển. Năm 1958, toàn tỉnh có 40.237 tổ đổi công, tăng 300 tổ so với năm 1957.

Phong trào hợp tác hóa có bước phát triển, đến năm 1958, toàn tỉnh đã xây dựng được 28 hợp tác xã, với tổng số 492 hộ.

Đặc biệt, sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ V (tháng 2-1959), toàn tỉnh đã xây dựng được 577 hợp tác xã nông nghiệp với 20.145 hộ nông dân tham gia, bằng 48,46% tổng số hộ nông dân toàn tỉnh.

Đến cuối năm 1960, kết thúc 3 năm cải tạo xã hội chủ nghĩa và phát triển kinh tế - văn hóa, cuộc vận động làm ăn tập thể đạt kết quả to lớn: Toàn tỉnh có 931 hợp tác xã, trong đó có 63 hợp tác xã bậc cao với 36.122 hộ xã viên, bằng 86,9% tổng số hộ nông dân toàn tỉnh. Hai huyện Phú Bình và Định Hóa đạt tỷ lệ cao nhất, hơn 93% số hộ nông dân gia nhập hợp tác xã.

Bên cạnh đó, Đảng bộ vẫn chú trọng nhiệm vụ xây dựng tổ đổi công ở những xã miền núi, bản làng vùng sâu, vùng xa. Đến cuối năm 1959, tỉnh duy trì được 1.886 tổ (trong đó có 941 tổ đổi công thường xuyên) hoạt động đạt kết quả tốt.

Thợ thủ công, người buôn bán nhỏ ở thị xã Thái Nguyên và các thị trấn cũng được đưa vào sản xuất, kinh doanh trong các hợp tác xã. Nơi nào chưa đủ điều kiện xây dựng hợp tác xã thì xây dựng các tổ hợp tác sản xuất, tổ cung tiêu.

Đến năm 1960, toàn tỉnh thu hút được 1.616 thợ thủ công, 1.714 tiểu thương đi vào con đường làm ăn tập thể. Thực hiện chủ trương cải tạo xã hội chủ nghĩa, 100% số hộ tư sản và tiểu tư sản tự nguyện tham gia sản xuất, kinh doanh dưới hình thức công tư hợp doanh trong các xí nghiệp.

Nhờ có tổ đổi công và phong trào hợp tác xã phát triển, sản xuất nông nghiệp ở Thái Nguyên trong kế hoạch 3 năm (1958-1960) đã có kết quả tốt.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/dat-va-nguoi-thai-nguyen/202309/xay-dung-kinh-te-hop-tac-xa-cai-tao-xa-hoi-chu-nghia-0cf320a/