Xây dựng đội ngũ thầy thuốc 'Sáng về y đức, giỏi về y thuật'

Ngày 27-5-1949, tại chiến khu Việt Bắc, Quân y xá Trần Quốc Toản (Quân y viện T.Ư)- tiền thân của Bệnh viện 354 (Tổng cục Hậu cần - Bộ Quốc phòng) được thành lập.

Cán bộ, bác sĩ Bệnh viện 354 (Tổng cục Hậu cần - Bộ Quốc phòng) thăm hỏi cựu chiến binh - thương binh đang điều trị tại Bệnh viện.

Trải qua 65 năm xây dựng và phát triển, các thế hệ thầy thuốc Bệnh viện đã khắc phục mọi khó khăn, rèn luyện y đức, nâng cao y thuật, hoàn thành tốt nhiệm vụ cứu chữa, chăm sóc sức khỏe bộ đội và nhân dân; xứng đáng là đơn vị hai lần được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Đơn vị Anh hùng LLVTND.

Thời kỳ mới thành lập, từ một Quân y xá với quy mô 40 giường bệnh, 20 cán bộ, nhân viên (CB, NV), bệnh viện thực hiện nhiệm vụ bảo đảm sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ cơ quan Bộ Quốc phòng-Tổng Tư lệnh, dân công, nhân dân tại Chiến khu Việt Bắc và chăm sóc sức khỏe cho các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội... Trải qua hai cuộc kháng chiến, cũng như trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế tại Lào và Cam-pu-chia, đội ngũ thầy thuốc (ĐNTT) của Bệnh viện luôn đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn gian khổ, không ngừng rèn luyện y đức, nâng cao y thuật, hoàn thành tốt nhiệm vụ cứu chữa thương binh, bệnh binh, chăm sóc sức khỏe bộ đội và nhân dân... Thời kỳ đổi mới, Bệnh viện từng bước vươn lên trở thành bệnh viện hạng I, quy mô 250 giường bệnh (trên thực tế, thường xuyên thu dung từ 350 đến hơn 400 bệnh nhân/ngày), với đội ngũ gần 600 CB, NV. Bệnh viện có nhiệm vụ thu dung, cấp cứu, điều trị cho quân nhân ở hơn 100 đầu mối tuyến; khám, chữa bệnh cho thương binh, bệnh binh, đối tượng chính sách, bảo hiểm y tế và nhân dân khu vực Hà Nội; đồng thời, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ đột xuất khác.

Phát huy truyền thống đơn vị anh hùng, những năm qua, Đảng ủy, Ban Giám đốc Bệnh viện và cấp ủy, chỉ huy các cấp luôn quán triệt sâu sắc đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy T.Ư, Bộ Quốc phòng, của ngành Hậu cần và ngành Quân y; coi trọng xây dựng ĐNTT "sáng về y đức, giỏi về y thuật". Trong đó, chú trọng giáo dục, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người thầy thuốcchiến sĩ; rèn luyện y đức của người thầy thuốc, lấy mối quan hệ giao tiếp, ứng xử giữa CB, NV, thầy thuốc với người bệnh làm khâu đột phá. Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về kỹ năng giao tiếp cho CB, NV, nhất là đội ngũ y, bác sĩ; yêu cầu mọi cá nhân, tập thể thực hiện nghiêm 12 điều y đức do Bộ Y tế ban hành. Đồng thời, duy trì hoạt động của Hội đồng Thương, bệnh binh tại các khoa lâm sàng; hằng quý tổ chức sinh hoạt đối thoại dân chủ giữa Ban Giám đốc Bệnh viện với thương binh, bệnh binh và bệnh nhân để lắng nghe ý kiến tham gia đóng góp về chuyên môn, tinh thần, thái độ phục vụ của ĐNTT; triển khai hệ thống phòng tiếp dân, hộp thư góp ý, đường dây nóng, phát phiếu thăm dò y đức cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân khi xuất viện; thực hiện công khai giá thuốc, giá các loại dịch vụ y tế... Đẩy mạnh phong trào thi đua: "Xây dựng đơn vị Quân y 5 tốt", "Chiến sĩ Quân y làm theo lời Bác Hồ dạy", đi đôi yêu cầu mỗi thầy thuốc phải thấm nhuần lời dạy của Bác: Thầy thuốc như mẹ hiền, và lấy đó làm mục tiêu để rèn luyện phấn đấu. Nêu cao tính tiền phong gương mẫu của cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong thực hiện nhiệm vụ; kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng điển hình, gương người tốt, việc tốt; tăng cường đoàn kết, xây dựng môi trường văn hóa trong đơn vị và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm y đức.

Cùng với đó, Bệnh viện luôn quan tâm xây dựng ĐNTT trẻ, thầy thuốc giỏi, chuyên gia đầu ngành. Chú trọng ưu tiên cử thầy thuốc đi đào tạo sau đại học tại Học viện Quân y và các cơ sở đào tạo có uy tín. Đẩy mạnh công tác bồi dưỡng, huấn luyện tại chỗ; chủ động phối hợp mời bác sĩ giỏi, chuyên gia đầu ngành của các Bệnh viện: 103, 108, Bạch Mai, Việt Đức... đến tập huấn, giới thiệu về công tác chuyên môn, chuyển giao các kỹ thuật mới, hiện đại cho đội ngũ y, bác sĩ; duy trì chế độ giao ban, điểm bệnh, hội chẩn..., nhất là các ca bệnh nặng, phức tạp. Đối với bác sĩ trẻ, kinh nghiệm chuyên môn còn ít, Bệnh viện chỉ đạo các khoa phân công bác sĩ có kinh nghiệm kèm cặp, giúp đỡ trực tiếp. Trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học -công nghệ và yêu cầu ngày càng cao trong chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bộ đội, nhân dân, Bệnh viện hướng mạnh vào đào tạo, bồi dưỡng đón đầu các kỹ thuật chuyên sâu, các biện pháp kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại; quy định đội ngũ bác sĩ, y tá, nhân viên kỹ thuật về công tác tại đơn vị trong năm năm đầu phải được kiểm tra trình độ chuyên môn hằng năm; quy định bắt buộc, hằng năm, mỗi bác sĩ có ít nhất một đề tài nghiên cứu khoa học, hoặc sáng kiến cải tiến kỹ thuật và coi đây là một tiêu chí để nhận xét, đánh giá, bổ nhiệm cán bộ... Do vậy, trung bình mỗi năm, Bệnh viện triển khai thực hiện gần 30 đề tài khoa học các cấp, nhiều đề tài có giá trị, được ứng dụng vào thực tiễn, mang lại hiệu quả thiết thực, như: kỹ thuật kéo gấp khớp gối bị hạn chế vận động bằng chế độ kéo ngắt quãng với máy kéo dãn cột sống và bộ khung hỗ trợ; hệ thống điều khiển tự động áp lực khí ô-xy,...

Hiện nay, Bệnh viện tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản các thủ tục hành chính trong hoạt động khám, chữa bệnh. Bằng nguồn vốn trên cấp và tự cân đối, Bệnh viện tập trung sửa chữa, xây dựng cơ bản, mua sắm các trang thiết bị phục vụ công tác quản lý, điều hành, khám, chữa bệnh, như: khu Điều trị Trung tâm, máy cộng hưởng từ 3.0 Tesla, máy sinh hóa và huyết học tự động, máy XQ tăng sáng truyền hình, máy phẫu thuật nội soi... Đến nay, ĐNTT của Bệnh viện đã thực hiện được các kỹ thuật của bệnh viện tuyến A, như: phẫu thuật nội soi, kết xương hai ổ, phẫu thuật sọ não, vi phẫu nối mạch máu thần kinh ngoại vi, phẫu thuật nội soi mũi - xoang, phẫu thuật cắt gan, dạ dày, tán sỏi la-de,... Nhiều kỹ thuật tiên tiến, hiện đại được ứng dụng có hiệu quả trong chẩn đoán, điều trị và chăm sóc bệnh nhân như: đặt máy tạo nhịp, phẫu thuật cắt đại tràng nối máy, phẫu thuật nội soi ổ bụng và sản phụ khoa, mổ nối gan, ruột, phẫu thuật thay khớp háng toàn phần, phẫu thuật sọ não, cột sống; nhiều ca bệnh nặng, phức tạp đã được bệnh viện cấp cứu điều trị thành công, cứu sống nhiều người bệnh hiểm nghèo. Bệnh viện đã thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu chuyên môn, nhiều chỉ tiêu vượt cao so với quy định. Năm 2013, tỷ lệ sử dụng giường bệnh đạt 139,53%, tỷ lệ khỏi bệnh khi ra viện là 75,1% (quy định 68%), ngày điều trị trung bình 10,1 ngày (quy định 13 - 15 ngày).

Đại tá, Bác sĩ Chuyên khoa II, Thầy thuốc Ưu tú CHU XUÂN ANH Giám đốc Bệnh viện Quân y 354 (Tổng cục Hậu cầnBộ Quốc phòng)

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/xahoi/tin-tuc/item/23312802-xay-dung-doi-ngu-thay-thuoc-sang-ve-y-duc-gioi-ve-y-thuat.html