Vụn Art – ghép ước mơ của người khuyết tật

Hợp tác xã Vụn Art (Hà Đông, Hà Nội) được thành lập với mong muốn giúp đỡ người khuyết tật có công việc ổn định, tạo ra thu nhập bằng chính sự sáng tạo của bản thân mình. Từ những mảnh vải vụn tưởng như bỏ đi, qua bàn tay cần cù và tỉ mỉ của người khuyết tật đã trở thành những bức tranh dân gian đầy màu sắc. Sau 3 năm đi vào hoạt động, nơi đây đã trở thành mái nhà chung giúp những con người khiếm khuyết có thêm động lực vào cuộc sống.

Biến “rác” thành tác phẩm nghệ thuật

Hợp tác xã Vụn Art hình thành từ ý tưởng của anh Lê Việt Cường, Chủ tịch Hội người khuyết tật quận Hà Đông (Hà Nội). Bản thân anh Cường cũng là người khuyết tật nên anh hiểu rõ những khó khăn của những người đồng cảnh khi đi xin việc, chật vật mưu sinh hàng ngày để có thu nhập.

Anh Lê Việt Cường, Chủ tịch Hội người khuyết tật quận Hà Đông

Anh Cường cho biết, vào năm 2017, khi anh được Phó bí thư thường trực quận ủy Hà Đông, vốn là một họa sĩ, góp ý làm một sản phẩm nào đó để Hội người khuyết tật ngoài công ăn việc làm còn có thể gây quỹ. Sau nhiều ngày trăn trở, các anh đã bắt tay vào sản phẩm tranh ghép vải, lấy tên là Hợp tác xã Vụn. Để có thể vận hành hợp tác xã, anh Cường đã tự mình mày mò tìm thầy học kỹ thuật làm tranh ghép vải, sau đó đi vận động người dân để dạy lại, đào tạo họ làm ra sản phẩm. Ban đầu chỉ có thể vận động được 15 người trong địa bàn quận, sau đó anh kỳ công đào tạo lại, rồi những người được học lại dạy cho những người khác.

Lê Việt Cường chia sẻ: “Tranh làm từ vải vụn thì vốn bỏ ra không quá nhiều, chỉ cần thu gom và chọn lọc các loại vải phù hợp rồi cắt ghép tạo hình thành những bức tranh theo mẫu hoàn chỉnh. Hay nói cách khác, việc tận dụng “rác” sẽ giúp chúng tôi vừa tiết kiệm, vừa bảo vệ môi trường, lại vừa với sức của người làm”.
Khác với các dòng tranh đã từng xuất hiện trên thị trường, sự riêng biệt của tranh ghép vải nằm ở phong cách và chất liệu. Không đơn giản chỉ là ghép những mảnh vải hoa văn nhiều màu rực rỡ lại với nhau là có thể thành một tác phẩm, mà người ghép cần phải hội tụ mọi kỹ năng, kỹ xảo và con mắt nghệ thuật tốt. Đó là sự kết hợp khéo léo từ những mảnh vải riêng rẽ để làm nên một tổng thể hài hòa mang đến những bất ngờ thú vị cho người xem.

Tranh ghép vải của Vụn Art có thể được chuyển thể từ nhiều thể loại: Tranh thiếu nhi, tranh đồng quê, tranh dân gian Việt Nam, tranh danh lam thắng cảnh Việt Nam và thế giới… và có cả tranh làm theo yêu cầu. Chính bởi tận dụng vải vụn nên mỗi bức tranh lại có một màu sắc khác nhau, không cái nào giống cái nào, tạo sự bất ngờ cho chính người làm tranh và những người chơi tranh, sưu tập tranh.

Để tạo ra một bức tranh ghép vải nói chung khá nhiều công đoạn. Đầu tiên là phác thảo tranh trên bìa cứng để định hình rồi mới cắt rời chi tiết. Vải vụn chuẩn bị trước đó phải được làm sạch sẽ rồi là cho phẳng, sẵn sàng để “lên màu” bất cứ lúc nào. Để đảm bảo độ cứng cáp cho miếng vải cũng như bền màu sau này, những mảnh vải vụn sẽ được tráng hoặc phết một lớp keo sữa mỏng rồi đem hong thật khô.

Với hoạt động của Vụn Art, có thể nói lụa Vạn Phúc được tận dụng đến tận mảnh cuối cùng và ai cũng có thể hoàn thiện nhiệm vụ của mình một cách tốt nhất.

Cũng theo anh Cường, tùy vào nhận thức, khả năng của từng học viên, anh hướng dẫn làm những công việc đơn giản, cụ thể, từ việc tạo mẫu tranh đến in ra các bìa cứng, vẽ mẫu lên vải, cắt các chi tiết nhỏ rồi ghép. Để nâng cao nhận thức thẩm mĩ cho các thành viên của Hợp tác xã, anh vẫn định kỳ mời các họa sĩ, các nghệ sĩ tạo hình về hướng dẫn cách phối màu, tạo hình các sản phẩm cho bắt mắt, từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm của mình.

Nhân rộng mô hình kinh doanh

“Tôi muốn sản phẩm của mình phải sống được, chứ không muốn mọi người có quan điểm sản phẩm của người khuyết tật thì cộng đồng và xã hội nhìn thấy sẽ nói “phải ủng hộ”, “phải giúp đỡ”. Như thế thì chúng tôi sẽ không đi xa được”, đó là mong muốn và cũng là mục tiêu của Lê Việt Cường, người sáng lập và điều hành Vụn Art.

Anh Cường cho biết, hiện nay Hợp tác xã VụnArt đang hoạt động theo mô hình thương mại hóa, chứ không chỉ dừng lại là mô hình từ thiện. Cùng với việc bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm bền vững cho các đối tượng yếu thế, trong đó có người khuyết tật, Vụn Art tái sử dụng các nguyên vật liệu thừa trong quá trình sản xuất để bảo vệ môi trường, đồng thời góp phần bảo tồn, giữ gìn và phát triển văn hóa truyền thống.

Sản phẩm mới mang tính ứng dụng cao như túi vải

“Ở đây, mọi người kiếm tiền bằng sức lao động của mình, tự giác cùng nhau cộng tác để phát triển”, anh Cường cho biết tất cả các thành viên trong nhóm luôn nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm để tạo ra giá trị thực chất, nâng cao tính cạnh tranh.

Giai đoạn đầu, thị trường tiêu thụ các sản phẩm của Vụn Art chỉ gói gọn trong phạm vi làng lụa Vạn Phúc. Giám đốc Hợp tác xã Lê Việt Cường phải mang tranh đi "chào hàng" trực tiếp ở nhiều cơ sở kinh doanh, nhà sách... quảng bá gắn với hoạt động du lịch của làng nghề. Dần dần, những sản phẩm này mới được biết đến nhiều hơn, những người làm bắt đầu có thu nhập ổn định hơn.

Hiện nay, những bức tranh thủ công ghép nên từ lụa truyền thống, mang sắc màu văn hóa Việt Nam, đang trở thành một trong những sản phẩm lưu niệm độc đáo của làng lụa Vạn Phúc, nhận được sự yêu thích của rất nhiều du khách.

Cùng với dòng tranh nghệ thuật dân gian, thời gian gần đây, Vụn Art đa dạng hóa sản phẩm bằng cách sáng tạo thêm những sản phẩm mới mang tính ứng dụng cao như làm túi vải, áo phông, bộ trò chơi tranh ghép, bưu thiếp vải…từ đó mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm của Hợp tác xã.

Đặc biệt, Vụn Art mở rộng hoạt động với mô hình không gian sáng tạo, phát triển tour trải nghiệm văn hóa, thu hút học sinh, sinh viên và khách du lịch đến tham quan, tìm hiểu và thực hành làm tranh vải ghép. Những khách du lịch đến đây, nhất là du khách quốc tế tỏ ra rất hứng thú với sản phẩm và phương thức sản xuất này, họ đánh giá cao mô hình doanh nghiệp xã hội của Vụn Art - giải quyết được vấn đề việc làm cho người khuyết tật trên cơ sở bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống.

Cao Tiến

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/vun-art-ghep-uoc-mo-cua-nguoi-khuyet-tat-108752.html