Vui cùng đất mới Phú Sơn

Phú Sơn (thị xã Hương Thủy) là một trong những xã của thành phố Huế được ra đời từ sau chiến thắng mùa xuân 1975.

Lễ kỷ niệm đi kinh tế mới ở vùng Khe Sòng (Phú Sơn)

Lễ kỷ niệm đi kinh tế mới ở vùng Khe Sòng (Phú Sơn)

Sôi động ở các vùng quê Huế ngay sau ngày giải phóng là phong trào di dân đi kinh tế mới. Bao năm chiến tranh, người dân các vùng nông thôn lánh nạn chiến tranh ác liệt đã dồn về khu đô thị hay vùng tập trung dân cư, giờ là lúc họ trở lại nơi chôn nhau cắt rốn. Cùng đi với họ còn có nhiều bà con nghèo, không có đất đai và đặc biệt, không có nghề nghiệp mưu sinh ổn định.

Tôi nhớ người bà con cùng xóm là một trong số năm mươi hộ gia đình đầu tiên ở Thủy Phương (Hương Thủy) đi kinh tế mới theo cách giãn dân tại chỗ ngày đó. Nhà đông con, thuộc diện khó khăn nên tâm trạng đầy lo lắng. Điểm đến của họ là khe Lụ, một vùng đất trống đồi trọc rộng lớn, có nhiều ruộng khe cũng thuộc đất Thủy Phương. Buổi tiễn đưa khá trang trọng, có cả xe đưa đón và đại diện lãnh đạo chính quyền địa phương cùng các ban ngành, đoàn thể.

Cùng với Thủy Phương đến khe Lụ, còn có dân nghèo ở Thủy Phù lập nghiệp mới ở khe Tre Giáo, Thủy Châu đến khe Cây Bổi hay Thủy Tân với điểm đến là Động Phèn, để rồi hợp thành điểm kinh tế mới Khe Sòng, căn cứ trong kháng chiến chống Pháp và là vùng giáp ranh trong thời kỳ chống Mỹ. Và hơn 5 năm sau đó, vào ngày 19/8/1981, đúng vào dịp kỷ niệm 36 năm Cách mạng Tháng Tám thành công, xã Phú Sơn, vùng đất mới ra đời sau ngày quê hương giải phóng.

Vạn sự khởi đầu nan. Buổi đầu, người dân Kinh tế mới Khe Sòng và sau đó là xã Phú Sơn phải vật lộn với bao khó khăn. Giải quyết cái ăn trước mắt, họ phải khai hoang để có đất trồng lúa, trồng màu. Ruộng ít, lại chua phèn, đất hoang hóa, không có điều kiện để đầu tư nên năng suất thấp, nguồn thu chẳng được bao nhiêu. Vậy là, để lo cho bữa ăn hằng ngày, người dân nơi đây đã phải làm thêm bao nghề phụ khác, từ đốn củi, đốt than, nấu dầu tràm đến cả đào bới phế liệu chiến tranh, tiềm ẩn bao hiểm nguy rình rập. Tôi đã gặp nhiều người, không chịu nổi đói rét, bệnh tật và cả sự bế tắc đã sớm nói lời chia tay Phú Sơn

Thế nhưng, đất mới đã không phụ lòng người với khát vọng đổi đời và vươn lên. Hai mươi năm sau ngày thành lập xã, năm 2006, Phú Sơn thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn. Cái đói và cái rét từng bước được đẩy lùi. Kinh tế địa phương bước đầu chuyển dịch theo hướng khai thác có hiệu quả tài nguyên và thế mạnh sẵn có của địa phương để từng bước chuyển sang nền kinh tế hàng hóa, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Năm 2019, Phú Sơn là xã thứ 6 của thị xã Hương Thủy đạt chuẩn nông thôn mới với những con số thống kê làm ấm lòng bao người. Toàn xã có hơn 324ha rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC; tỷ lệ nhà bán kiên cố và kiên cố đạt 100%; hầu hết các tuyến đường giao thông đã được nhựa hóa, bê tông hóa; tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 86%; tỷ lệ người dân sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%; thu nhập bình quân đầu người từ 11,4 triệu đồng năm 2011 tăng lên 31,2 triệu đồng trong năm 2018.

 Hồ thủy lợi Ông Ninh (Phú Sơn)

Hồ thủy lợi Ông Ninh (Phú Sơn)

Cách đây 10 năm, tôi có dịp trèo lên đỉnh Mỏ Tàu, một ngọn núi nổi tiếng ác liệt trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ gắn liền với chiến dịch La Sơn - Mỏ Tàu, kéo dài từ cuối năm 1974 đến đầu năm 1975. Trong ký ức của tôi, sự ác liệt của Mỏ Tàu được thể hiện qua những lời kể của nhiều người ở bên kia chiến tuyến với bao nỗi ám ảnh và lo sợ.

Đã nửa thế kỷ rồi mà tôi vẫn không quên cái buổi chiều giữa tháng 3 năm 1975, tiếng súng nổ ngay xóm tôi ở Thủy Phương. Chuẩn bị cho trận đánh cuối cùng giải phóng Huế, đồng chí Vũ Thắng, bấy giờ là Khu ủy viên, Bí thư Tỉnh ủy đã đến ở hầm bí mật của một cơ sở cách mạng tại đây để chỉ đạo. Địch phát hiện được đã dùng 1 trung đội thuộc Sư đoàn 1 Bộ binh rút từ Mỏ Tàu bị thất thủ lên bao vây ngôi nhà có đồng chí Vũ Thắng ẩn núp. Cuộc chiến đấu không cân sức đã diễn ra và đồng chí Nguyễn Văn Chư, Xã đội trưởng Thủy Phương đã anh dũng hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ.

Mỏ Tàu đã là một phần của Phú Sơn. Thay cho bom đạn và những chết chóc năm nào là màu xanh của rừng trồng. Tôi như chợt hiểu hơn ý nghĩ của 2 từ Phú Sơn. Nếu “Phú” gắn với tên gọi huyện Hương Phú dạo ấy cũng đồng thời là phú cường và giàu có thì “sơn” là núi rừng. Tên gọi “Phú Sơn” thể hiện khát vọng đổi đời và vươn lên đã từng bước trở thành hiện thực, là hành trình để vùng đất này vững tin bước vào một giai đoạn lịch sử mới trong năm 2025 này.

Đình Nam

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/kinh-te/vui-cung-dat-moi-phu-son-151992.html