Vựa hương trăm tuổi tất bật ngày cận Tết

Những ngày cận Tết, tại xã Quốc Tuấn, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương, cả người già, trẻ nhỏ cũng tất bật tham gia sản xuất hương để kịp cung ứng cho thị trường.

Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, thời điểm này, gần 100 hộ làm hương tại 3 thôn: An Xá, Ðông Thôn và Trực Trì thuộc xã Quốc Tuấn, huyện Nam Sách đều tất bật từ sáng sớm đến chiều muộn. Sáng thì trộn bột và bắn tăm hương; Chiều thì tập trung vào phơi, sấy và đóng gói. Công việc làm hương không quá nặng nhọc nên thậm chí từ trẻ nhỏ hay những cụ già đã ngoài 70 tuổi cũng vui vẻ tham gia phụ giúp gia đình vào những dịp này.

Khắp làng trên, xóm dưới, từ trong nhà ra ngõ đều tràn ngập những bó hương đỏ rực như những bông hoa đón ánh nắng mặt trời. Mùi hương của thảo mộc dịu nhẹ như mời gọi, nâng bước chân ai ngang qua vùng làm hương truyền thống có tuổi đời hàng trăm năm.

Là thế hệ thứ tư theo nghề làm hương truyền thống tại địa phương, ông Trần Văn Thọ (trú tại thôn Đông Thôn) cho biết, để làm ra một nén hương nhỏ không chỉ cần một bàn tay khéo léo mà phải có một cái tâm sáng. Bởi đây không đơn thuần là một sản phẩm hàng hóa, mà còn là một trong những yếu tố không thể thiếu trong tâm linh tín ngưỡng của dân tộc ta.

"Nghề làm hương không chỉ mang lại kinh tế khá giả cho gia đình mà còn là để bày tỏ lòng biết ơn, lưu giữ nghề truyền thống mà ông cha bao đời gây dựng", ông Thọ nói và chia sẻ, ông tự hào rằng tới nay hai người con của ông đều theo nghề mà ông cha để lại, mở được cơ sở sản xuất riêng và đều có thu nhập khá giả.

Để có đủ hàng cung ứng cho thị trường dịp Tết, gia đình ông Nguyễn Hữu Kháng (trú tại thôn Trực Trì) đã phải huy động thêm 10 nhân công tại địa phương nhưng vẫn lo lắng sợ sản xuất không đủ nhu cầu của thị trường.

"Cứ đến dịp cuối năm, trung bình mỗi tháng nhà tôi bán được từ 300-400 thùng hàng, mỗi thùng từ 2,5-3 vạn nén hương. Lượng hương bán ra dịp này chiếm phần lớn sản lượng của cả năm. Có khi làm không kịp bán, vì cứ làm đến đâu là thương lái tới lấy hết đến đó”, ông Kháng nói.

Bà Lê Thị Phượng (trú tại thôn An Xá, xã Quốc Tuấn) chia sẻ: "Gia đình tôi là một trong số ít hộ dân ở thôn không làm hương mà chỉ canh tác nông nghiệp. Thời điểm này, khi công việc đồng áng đã vãn, tôi được chủ cơ sở sản xuất hương Sứng Hiến thuê để làm hương, tiền công là 300 nghìn đồng/ngày. Công việc làm hương tuy nhàn nhã nhưng cần sự tỉ mỉ và nhanh nhẹn".

Những người dân của vựa hương Quốc Tuấn đã quá quen thuộc với công việc thoăn thoắt đong đếm từng thẻ hương cho vào túi để hoàn thiện khâu cuối cùng trước khi xuất hàng ra thị trường.

Ông Nguyễn Bá Dũng, Chủ tịch UBND xã Quốc Tuấn, huyện Nam Sách cho biết, nắm bắt được nhu cầu thị trường về loại hương truyền thống ngày càng lớn, nhiều hộ gia đình ở xã đã mở rộng sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất số lượng lớn với bí quyết gia truyền. Việc mở mang sản xuất đã tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương với mức thu nhập khá.

Hiện toàn xã Quốc Tuấn có 97 hộ làm hương với khoảng 1.200 lao động, trong đó chiếm tới gần 50% người ở độ tuổi ngoài lao động (già hoặc trẻ). Thu nhập bình quân đạt từ 3-5 triệu đồng/người/tháng, nhiều chủ cơ sở sản xuất trong làng nghề có thu nhập cao hàng trăm triệu đồng/hộ/năm.

Đình Quế

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/vua-huong-tram-tuoi-tat-bat-ngay-can-tet-192240124163233988.htm