Vụ mất tích bí ẩn của 'bà hoàng trinh thám'
Sau khi chồng đòi ly hôn, Agatha Christie đột nhiên mất tích 2 tuần và không đọng lại chút ký ức nào về thời gian đó.
Agatha Christie, tước hiệu đầy đủ là Quý bà Agatha Mary Clarissa Christie (họ gốc Miller), sinh ngày 15/9/1890 tại Torquay, Anh trong một gia đình khá giả. Bà là 1 trong những nhà văn nổi tiếng nhất thế giới với hơn 100 triệu bản sách được bán ra. Sách của Agatha Christie được dịch sang hơn 100 thứ tiếng.
Mặc dù mẹ bà không muốn con gái học đọc trước 8 tuổi nhưng Agatha Christie đã biết đọc từ khi lên 4 tuổi nhờ sự tò mò bẩm sinh của mình. Khác với người chị được gửi vào trường nội trú, Agatha Christie được mẹ đích thân giáo dục.
Agatha Christie bắt đầu viết truyện trinh thám khi đang làm y tá ở nhà thuốc. Đây cũng là lúc bà học được kho tàng kiến thức về thuốc và độc dược để sử dụng trong tiểu thuyết. Tiểu thuyết đầu tay của bà xuất bản năm 1920, đánh dấu sự ra đời của nhân vật Hercules Poirot, một thám tử phi thường và cũng không kém phần ngạo mạn.
Năm 1926 đánh dấu thành công đầu tiên của Agatha Christie khi cuốn The Murder of Roger Ackroyd trở thành hiện tượng văn chương của năm. Sách được NXB Trẻ xuất bản dưới tên Vụ ám sát ông Roger Ackroyd. Mặc dù Poirot là di sản lớn nhất của Agatha Christie nhưng ông chỉ xuất hiện ở vỏn vẹn 25 tiểu thuyết và vài truyện ngắn, chứng tỏ khả năng xây dựng nhân vật thu hút của bà.
Tài năng là thế nhưng đường tình duyên của bà lận đận. Agatha Christie gặp và kết hôn với người chồng đầu tiên là Archibald ‘Archie’ Christie năm 1913 lúc 23 tuổi. Agatha Christie sinh con gái Rosaline năm 1919, cũng là con duy nhất của bà.
Cuộc hôn nhân này đã bị phá tan bởi chính Archie khi ông ngoại tình với Nancy. 13 năm sau khi kết hôn, Archie muốn ly dị vợ để cưới Nancy.
Ngày 3/12/1926, hai vợ chồng cãi cọ vì Archie muốn đi chơi với bạn mà không dẫn vợ theo. Agatha Christie biết thực chất chồng muốn đi gặp tình nhân. Chiều hôm đó, bà biến mất.
Sáng 4/12, chiếc xe Morris Cowley của Agatha Christie được tìm thấy gần Silent Pool (Hồ Im Lặng) ở Surrey. Trong xe chứa bằng lái và quần áo của bà. Mọi người lo sợ Agatha đã tự vẫn trong Hồ Im Lặng.
Vụ mất tích nhanh chóng trở thành hiện tượng truyền thông. Bộ trưởng Bộ nội vụ William Joynson-Hicks khi đó đích thân đốc thúc, điều động hơn 1.000 cảnh sát và 15.000 người xung phong, cộng thêm nhiều máy bay để lục soát khu vực Surrey.
Tin mất tích đã lan tỏa toàn thế giới, lên cả trang nhất của tờ New York Times. Dù vậy, lực lượng tìm kiếm khổng lồ này vẫn bất lực tới 10 ngày sau.
Ngày 14/12/1926, bà được tìm thấy ở Khách sạn Swan Hydropathic tại làng Harrogate, cách nhà 296 km. Agatha Christie đăng ký khách sạn dưới tên “Bà Tressa Neele” cùng họ với người tình của chồng và tự nhận mình đến từ Cape Town, Nam Phi.
Ngày 15/12/1926, Agatha Christie đến ở nhà chị mình, gần như bị cách ly trong “một hành lang có lính gác, cổng khóa, dây điện thoại bị cắt và không gặp người nào đến thăm”.
Tự truyện của Agatha Christie không đề cập về quãng thời gian mất tích. Mặc dù bà đã được hai bác sĩ chẩn đoán đã “thật sự mất trí nhớ”, dư luận vẫn mổ xẻ lý do thật sự khiến Agatha Christie biến mất.
Nhà văn Jared Cade cho rằng Agatha Christie dàn dựng việc này để làm chồng xấu mặt nhưng lại không ngờ tới phản ứng của công chúng. Laura Thompson, một tiểu sử gia khác, đưa ra góc nhìn rằng Agatha Christie đã mắc một cơn suy nhược thần kinh. Bà có ý thức nhưng lại không kiểm soát được hành động của bản thân. Phản ứng khi ấy của công chúng rất tệ, đa phần cho rằng đây là một chiêu trò quảng cáo hoặc Agatha Christie muốn đổ tội giết người cho chồng.
Agatha Christie ly dị Archie vào tháng 10/1928 và Archie cưới Nancy Neele 1 tuần sau đó. Christie giữ được quyền nuôi con gái Rosalind và họ ‘Christie’ để tiếp tục sự nghiệp văn chương.
Nhìn lại quãng thời gian này, bà đã viết: “Sau bệnh tật tới nỗi buồn, sự tuyệt vọng và trái tim tan vỡ".
Sau khi ly dị Archie, Agatha Christie rời Anh đến Iraq, nơi bà gặp Max Mallowan - người chồng thứ hai là nhà khảo cổ học kém 14 tuổi. Hai người kết hôn tháng 9/1930 và đây là cuộc hôn nhân định mệnh. Christie và Max luôn đồng hành trong các chuyến khảo cổ và bà đặt bối cảnh của nhiều tiểu thuyết tại Trung Đông nhờ những chuyến đi này. Agatha Christie từ trần năm 1876, thọ 85 tuổi.
Gần 50 năm sau ngày mất, Agatha Christie vẫn giữ vững cương vị “tác giả đơn được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất” (theo Mục lục Dịch thuật của UNESCO). Phần lớn tiểu thuyết và truyện ngắn của Agatha Christie đã được chuyển thể sang phim truyền hình, phát thanh, truyện tranh và hơn 30 phim điện ảnh.
Phim điện ảnh Án mạng ở Venice với sự góp mặt của Dương Tử Quỳnh ra rạp ngày 15/9. Phim dựa theo tiểu thuyết Hallowe'en Party (1969), được NXB Trẻ xuất bản dưới tên Án mạng đêm Halloween, thuộc series của thám tử Hercules Poirot nhưng không bám sát cốt truyện gốc mà hứa hẹn đem tới một không khí kỳ bí, kinh dị và giật gân hơn bất kỳ phim chuyển thể Agatha Christie nào khác.
Sau buổi chiếu sớm dành cho báo giới, Án mạng ở Venice đã nhận điểm số cao chót vót tới 86% trên Rotten Tomatoes cùng hàng loạt lời khen ngợi từ giới phê bình.
Trang Deadline viết: “A Haunting in Venice dường như đã nắm bắt được những bản chất giúp tác phẩm của Agatha Christie trường tồn với thời gian. Bằng cách thu nhỏ quy mô và tập trung vào các yếu tố nhỏ nhặt của cả cốt truyện và nhân vật, đạo diễn Branagh và ê-kíp đã mang đến một bộ phim vừa thể hiện sự tôn kính đối với Christie vừa vượt xa hai phần đầu”.