Vụ George Floyd và làn sóng chống phân biệt chủng tộc

Cái chết của George Floyd, một người đàn ông da đen tại thành phố Minneapolis, bang Minnesota đã làm dấy lên các cuộc biểu tình trên khắp nước Mỹ, kêu gọi chấm dứt nạn bạo lực của cảnh sát và phân biệt chủng tộc.

Người dân thành phố New York ra đường biểu tình, mang theo những bức tranh vẽ George Floyd. (Nguồn: Getty)

Ngày 25/5, các sĩ quan tại Sở Cảnh sát Minneapolis nhận được một cuộc gọi tố cáo một người sử dụng tờ 20 USD giả. Người đàn ông đó được xác định là George Floyd, một người Mỹ gốc Phi. Ngay lập tức, bốn viên cảnh sát bao gồm Derek Chauvin, Tou Thao, J. Alexander Kueng và Thomas K. Lane đã có mặt tại hiện trường và bắt giữ Floyd.

Tuy nhiên, sự việc lại đi quá tầm kiểm soát khi người đàn ông da màu George Floyd bị cảnh sát Chauvin, một người da trắng, ghì đầu gối lên cổ trong gần 9 phút. Một đoạn video ghi lại quá trình này khi sĩ quan Chauvin đè cổ Floyd trong 8 phút 46 giây, trong khi người này nằm sấp, bị còng tay và nhiều lần kêu lên: “Tôi không thở được”.

Theo New York Times, George Floyd đã nói “Tôi không thở được” 17 lần, và nhiều lần cầu xin viên cảnh sát kia bỏ đầu gối ra khỏi cổ Floyd. Dù không mang theo vũ khí, không đe dọa tới lực lượng chức năng và nhiều lần van xin, nhưng sĩ quan Chauvin vẫn tiếp tục ghì lên cổ nạn nhân. Người đàn ông 46 tuổi trút hơi thở cuối cùng trong bệnh viện địa phương không lâu sau đó.

Derek Chauvin, viên cảnh sát trực tiếp dùng đầu gối ghì cổ George Floyd đã phải ra tòa ngày 9/6 đối mặt với một cáo buộc giết người cấp độ 2, một cáo buộc giết người cấp độ 3 và một cáo buộc ngộ sát, theo AFP. Ba cảnh sát còn lại cũng bị cáo buộc hỗ trợ và tiếp tay cho giết người và hiện cũng đang bị giam giữ và chuẩn bị ra tòa. Tất cả đều đã bị sa thải ngay ngày hôm sau George Floyd chết.

Một cuộc biểu tình rất khác

Sau khi lan truyền trên mạng xã hội, đoạn clip các nhân viên cảnh sát áp chế Floyd đã khiến dư luận nước Mỹ sục sôi phẫn nộ và cái chết của người đàn ông da màu này đã châm ngòi cho một làn sóng biểu tình quy mô lớn. Thế nhưng, các cuộc biểu tình hòa bình đã sớm biến thành bạo động và nhiều phần tử lợi dụng để cướp bóc và phá hoại tài sản.

Ngay buổi đêm ngày 26/5, hàng trăm người biểu tình đã tràn xuống đường phố Minneapolis. Một số người biểu tình đã phá hoại xe cảnh sát bằng sơn và nhắm vào ngôi nhà trong khu vực xảy ra vụ việc. Các cuộc biểu tình xảy ra tại Minneapolis trong những ngày tiếp theo. Cảnh sát sử dụng hơi cay và bắn đạn cao su vào đám đông. Một số doanh nghiệp, gồm nhà hàng và cửa hàng phụ tùng ô tô, bị đốt cháy.

Sau đó, biểu tình ở các thành phố khác bắt đầu nổ ra, dần dần lan rộng tới khắp toàn bộ 50 bang tại nước Mỹ. Người biểu tình còn tụ tập bên ngoài khu vực Nhà Trắng trong ba đêm liên tiếp. Để tránh tình trạng bạo loạn xảy ra, cảnh sát, thậm chí hàng nghìn binh sĩ thuộc Lực lượng Vệ binh Quốc gia đã được huy động để hỗ trợ xử lý các vụ phá hoại và hỏa hoạn xảy ra trong các cuộc biểu tình.

Tuy nhiên, các cuộc biểu tình đã ghi nhận rất nhiều vụ đụng độ giữa người dân và cảnh sát, nhiều người biểu tình bị thương. Thậm chí, tại thành phố Louisville, bang Kentucky, một người biểu tình đã bị bắn chết và Thị trưởng Louisville ngay sau đó đã sa thải cảnh sát trưởng thành phố.

Tổng thống Donald Trump vào ngày 29/5 đã liên hệ để chia buồn với gia đình Floyd. Ông cũng bày tỏ quan điểm là không chấp nhận các hành vi bạo loạn, gây rối kiểu vô chính phủ của những người biểu tình trong sự việc này, đồng thời đe dọa sử dụng các biện pháp cứng rắn để kiểm soát tình hình. Các chuyên gia nhận định, các cuộc biểu tình này, cộng với khả năng phòng dịch Covid-19 kém là nguyên nhân chính để phe Dân chủ chĩa “mùi rìu” dư luận, chỉ trích Tổng thống Trump, khiến cuộc bầu cử vào tháng 11 tới đây sẽ diễn ra đầy khó lường.

Gần đây, tình trạng bạo lực cũng dần chấm dứt. Từ ngày 4/6, các cuộc biểu tình bắt đầu diễn ra ôn hòa hơn và chủ yếu tập trung tại các khu vực tưởng niệm. Tại thủ đô Washington D.C, người biểu tình quỳ trước Đài tưởng niệm Martin Luther King Jr. để tưởng nhớ và đòi công lý cho Floyd. Tại nhiều nơi, cảnh sát đã bắt tay, ôm, quỳ gối hoặc tuần hành cùng người biểu tình nhằm biến các cuộc đối đầu căng thẳng thành những cuộc diễu hành đề cao tinh thần đoàn kết. Các cảnh sát được xác định kích động giận dữ đám đông, sử dụng vũ lực, tấn công người biểu tình bị kỷ luật, sa thải hoặc bị truy tố.

Chấm dứt phân biệt chủng tộc

Về cơ bản, các cuộc biểu tình nổ ra vì phong trào “Mạng người da màu cũng quan trọng” (Black Lives Matter), chống lại tình trạng phân biệt chủng tộc tại Mỹ. Vụ George Floyd đã khơi nguồn cho một loạt các cuộc biểu tình từ Australia, Brazil tới Mexico hay Canada. Tuy nhiên, theo tờ Washington Post, ảnh hưởng từ Floyd đặc biệt lớn tại châu Âu, nhất là các quốc gia có số lượng người da màu, người nhập cư đông đúc. Giờ đây, làn sóng đòi sự công bằng cho tất cả những người da màu, người nhập cư chống lại sự kỳ thị của người da trắng đã lan rộng trên khắp thế giới.

Đối với nhiều người Mỹ da màu, cái chết của George Floyd chỉ là sự phẫn nộ mới nhất trong một năm đầy tuyệt vọng. Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề hơn đối với người Mỹ gốc Phi. Cộng đồng da màu chiếm 12% dân số nhưng lại chiếm 26% số ca nhiễm Covid-19 và gần 23% số ca tử vong, theo dữ liệu từ CDC Mỹ.

Hơn nữa, tình trạng bạo lực cảnh sát, nhất là hướng tới người da màu cũng tăng lên nhiều trong thời gian gần đây. Theo New York Times, cảnh sát Minneapolis sử dụng vũ lục với người da màu nhiều gấp bảy lần so với người da trắng. Al Jazeera ghi nhận, người Mỹ gốc Phi có khả năng bị cảnh sát gây thương vong cao gấp 2,5 lần so với người da trắng.

Chưa dừng lại ở đó, hàng loạt vụ sát hại người da màu khiến sự bất công chủng tộc càng trở nên gay gắt. Ahmaud Arbery bị người dân da trắng bắn chết khi chạy bộ ở Georgia; Breonna Taylor - kỹ thuật viên phòng cấp cứu đã bị bắn tám lần trong nhà riêng ở Kentucky khi cảnh sát thực hiện lệnh khám nhà không gõ cửa vào giữa đêm; và còn rất nhiều cái tên khác như Michale Brown, Eric Garner, Philando Castile… Tuy nhiên, hầu hết sĩ quan hoặc sở cảnh sát gây ra vụ việc đau thương không hề bị truy tố hình sự và vẫn tiếp tục làm việc.

Ngoài ra, theo ghi nhận của Washington Post, liên tục kể từ năm 2015, mỗi năm cảnh sát Mỹ đã nổ súng và làm tử vong khoảng 1.000 người. Con số này dự kiến không thay đổi đáng kể trong năm 2020, khi 463 người đã thiệt mạng do bị cảnh sát bắn tính đến ngày 7/6. Cũng theo ghi nhận, số lượng người gốc Phi không vũ trang bị cảnh sát bắn chết đã giảm dần kể từ năm 2015, nhưng tỷ lệ vẫn cao đáng kể so với nạn nhân là người da trắng.

Một số thay đổi đã diễn ra và bước đầu đáp ứng yêu cầu của những người biểu tình, ví dụ Hội đồng thành phố Minneapolis thông báo giải tán bộ máy cảnh sát hiện nay và lập một hệ thống mới; Thị trưởng New York Bill de Blasio cam kết cắt ngân sách cảnh sát vốn chiếm 6% ngân sách thành phố và chi tiêu nhiều hơn cho dịch vụ xã hội. Đặc biệt, ngày 8/6, các nghị sĩ Đảng Dân chủ đã công bố Dự luật có tên gọi “Đạo luật công lý trong lực lượng cảnh sát”, cho phép nạn nhân của các hành vi sai trái kiện cảnh sát, các nhân viên thực thi pháp luật liên bang sử dụng camera trên người, cấm dùng vũ lực gây chết người...

Các cuộc biểu tình đã làm lộ ra “góc khuất” trong xã hội Mỹ, khi sự phân biệt chủng tộc và bạo lực cảnh sát hướng tới người da màu tại đây. Vụ việc George Floyd đã như “giọt nước tràn ly”, khiến cho sự kiên nhẫn cũng như căm phẫn của bộ phận người dân da màu tại Mỹ không thể chịu được và buộc phải lên tiếng để đảm bảo cho sự an toàn và quyền lợi bình đẳng của mình.

George Floyd sinh năm 1973 và sinh sống ở Houston, Texas suốt thời còn trẻ. Floyd đã từng bị bỏ tù nhiều lần vì tội trộm cắp và buôn bán ma túy. Sau khi ra tù, do không kiếm được việc làm ổn định nên Floyd mới chuyển đến Minneapolis vào năm 2014. Floyd làm tài xế xe tải cho Đội quân Cứu hộ, sau đó làm nhân viên bảo vệ tại một quán bar, và rồi mất việc khi các nhà hàng của thành phố đóng cửa vì đại dịch.

Cao 1,93 mét, George Floyd được bạn bè và gia đình biết đến như một "người khổng lồ hiền lành", một rapper và một vận động viên từng ngồi tù và nghiện ngập nhưng luôn muốn điều tốt nhất cho con mình.

Quang Đào

(tổng hợp)

Quang Đào

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/vu-george-floyd-va-lan-song-chong-phan-biet-chung-toc-117370.html