Vốn ưu đãi giúp người nghèo xã Quảng Tân phát triển kinh tế

Với chủ trương cho hộ nghèo, cận nghèo vay vốn lãi suất thấp, người dân xã Quảng Tân, huyện Tuy Đức (Đắk Nông) có điều kiện phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

Gia đình anh Phạm Văn Trường ở bon Ja Lú A là một hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn. Nhiều năm trước đây, cả 2 vợ chồng đi làm thuê đủ công việc nhưng vẫn không thể thoát ra khỏi cái nghèo, túng thiếu quanh năm. Năm 2015, gia đình anh vay được 45 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi cho người nghèo với lãi suất 5,5%/năm để phát triển kinh tế gia đình.

Nhờ vay vốn ưu đãi, anh Phạm Văn Trường ở bon Ja Lú A phát triển kinh tế với mô hình trồng dâu nuôi tằm

Ban đầu, anh có ý định tái canh vườn cà phê kém hiệu quả, nhưng với số tiền vay thì không đủ để mua cây giống, phân bón. Trong khi đó, thời gian trồng đến khi thu hoạch cây cà phê lại kéo dài 3 năm, khó có thể thoát nghèo, vượt qua khó khăn trước mắt. Vì vậy, anh chuyển hướng sang trồng dâu nuôi tằm, vừa ít tốn chi phí, nhanh có thu nhập hơn. Thế rồi, ngoài nguồn vốn vay ưu đãi, anh còn mượn thêm người thân 30 triệu đồng, phá bỏ hơn 5 sào cà phê già cỗi, kém năng suất để trồng dâu nuôi tằm.

Nhờ biết áp dụng khoa học kỹ thuật chăm sóc, nên lứa tằm đầu tiên phát triển tốt, ít bị bệnh, mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình anh. Sau những lứa tằm đầu tiên cho thu nhập khá, anh Trường mạnh dạn đầu tư, phát triển quy mô lớn hơn, mỗi năm nuôi 25 hộp tằm giống.

Khi tằm trưởng thành, đóng kén, đến độ chín, một hộp tằm cho hơn 55 kg kén. Với giá thị trường hiện nay 1 kg kén bán được 160.000 đồng, mỗi năm nuôi khoảng chục lứa, gia đình anh thu được 1.375 kg kén, tổng trị giá hơn 220 triệu đồng. Trừ chi phí mua giống, chăm sóc, anh thu lãi được khoảng 100 triệu đồng/năm.

Anh Trường cho biết: “Nhờ có vốn vay với lãi suất thấp, tôi có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, có nguồn thu nhập khá. Nếu không có nguồn vốn vay này, những người thuộc diện nghèo như tôi khó có thể thoát được cảnh nghèo túng. Từ trồng dâu nuôi tằm, 3 năm trở lại đây kinh tế gia đình tôi vững vàng hơn, cuộc sống ổn định, có điều kiện cho con cái ăn học tử tế”.

Mỗi lứa tằm thu hoạch đạt 85 kg kén, anh Trường có nguồn thu hơn 13,5 triệu đồng

Tương tự, gia đình ông Nguyễn Trọng Bài ở thôn 4 vay 50 triệu đồng với lãi suất thấp để đầu tư phân bón và máy móc phương tiện phục vụ sản xuất, cải tạo vườn cà phê. Sau năm đầu tiên cải tạo, 1 ha cà phê cho năng suất đạt 4,5 tấn, còn 3 năm trở lại đây đạt 5 tấn. Có nguồn thu ổn định hàng năm, ông Bài có thể tích lũy, đầu tư chăn nuôi bò, có thêm thu nhập.

Ông Bài cho hay: “Nếu vay vốn ở ngoài với lãi suất cao, gia đình tôi khó có thể trả được hết vốn cả gốc lẫn lãi, dẫn đến nợ nần mãi đeo đẳng. Nhờ vay vốn lãi suất thấp, tôi tiết kiệm được khoản tiền lãi, kinh tế ổn định, tiếp tục đầu tư chăn nuôi bò nên nguồn thu nhập của gia đình tăng từ 70 triệu đồng lên đến 150 triệu đồng/năm. Không riêng tôi, nhiều hộ trong thôn nhờ vay vốn lãi suất thấp nên có điều kiện phát triển kinh tế, thoát nghèo, thậm chí có hộ vươn lên làm giàu, có điều kiện lo cho con cái học hành...”.

Theo ông Nguyễn Công Hoan, Chủ tịch UBND xã Quảng Tân, chủ trương cho vay vốn lãi suất thấp giúp người dân địa bàn xóa đói giảm nghèo rất hiệu quả. Hiện nay trên địa bàn xã có 1.950 hộ gia đình được vay nguồn vốn này, với tổng dư nợ hơn 89 tỷ đồng. Nguồn vốn đã giúp cho khoảng 40% hộ nghèo trong xã có thêm động lực, chuyển đổi cách thức làm ăn, đầu tư vào sản xuất, thoát được nghèo. Trong số 40% hộ thoát nghèo, khoảng 20% hộ có kinh tế ổn định, 10% hộ vươn lên khá giả, làm giàu bền vững.

Bài, ảnh: Phạm Khánh

1,421

Nguồn Đắk Nông: http://baodaknong.org.vn/kinh-te/von-uu-dai-giup-nguoi-ngheo-xa-quang-tan-phat-trien-kinh-te-85245.html