Việt Nam tăng 5 bậc về phát triển bền vững

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, năm 2020, Việt Nam tiếp tục tăng 5 bậc so với năm ngoái và đứng thứ 49 trên thế giới về chỉ số phát triển bên vững của Liên Hợp Quốc.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, tinh thần, yêu cầu, đòi hỏi phát triển bền vững phải lan tỏa trong cộng đồng DN, ra toàn xã hội.

Ngày 10/12, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Phát triển bền vững Việt Nam (VCSF 2020) với chủ đề “Phát triển bền vững trong thập niên mới: Biến thách thức thành cơ hội”.

Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh cho biết: Từ năm 2016 khi tham gia trong đánh giá thường niên các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) do Mạng lưới Giải pháp phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc, Việt Nam xếp hạng thứ 88 về chỉ số phát triển bền vững.

Ngay từ ban đầu, khi Việt Nam tham gia cam kết theo chương trình Nghị sự của Liên Hợp Quốc, Chính phủ đã chỉ đạo rất cụ thể và quyết liệt. Kết quả, chỉ sau 1 năm, vị trí của Việt Nam đã tăng vọt ở vị trí lên thứ 68 vào năm 2017.

Đến 2018, Việt Nam tăng 11 bậc lên mức 57 trên thế giới. Năm 2019, Việt Nam tăng 3 bậc lên thứ 54 và đặc biệt, năm 2020, Việt Nam tăng 5 bậc đứng thứ 49 trên thế giới về phát triển bên vững.

Trong 17 nhóm mục tiêu về phát triển bền vững trong đó đặc biệt là 3 nhóm chỉ tiêu tốt là: Xóa nghèo, chất lượng giáo dục, năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu. Cùng với đó là hai chỉ tiêu nước sạch và đô thị và cộng đồng phát triển của doanh nghiệp cũng đạt tốt.

Tuy nhiên, Việt Nam có 3 chỉ tiêu đó là bảo vệ tài nguyên đất, nước, đặc biệt là nhóm chỉ tiêu hợp tác là thấp. Theo Phó Thủ tướng, với một nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình thấp như Việt Nam, chỉ tiêu nào xuống dưới 50 là nỗ lực rất lớn.

Trong rất nhiều chỉ tiêu xếp hạng trên thế giới đến ngày hôm nay Việt Nam có 3 chỉ tiêu đứng dưới 50 bao gồm chỉ tiêu phát triển bền vững; chỉ tiêu chất lượng giáo dục phổ thông và chỉ tiêu đổi mới sáng tạo.

Cũng dịp này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trao tặng Bằng khen của Thủ tướng cho VBCSD.

Phó Thủ tướng cho rằng, Việt Nam cũng như các nước không thể phát triển bền vững nếu không có sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế và bè bạn các nước đã giúp đỡ để đạt kết quả hôm nay. Chúng ta ý thức được rằng 10 năm tiếp đây để đạt được các mục tiêu là thách thức rất lớn. Với 169 mục tiêu của toàn thế giới và 115 cụ thể của Việt Nam thì còn rất rất nhiều việc phải làm.

“Việc lan tỏa tinh thần phát triển bền vững là điều cực kỳ khó. Đến giờ phút này mới chỉ có 2.000 DN gia nhập vào cộng đồng DN phát triển bền vững Việt Nam”, Phó Thủ tướng nói.

Theo Phó Thủ tướng, có rất nhiều nguyên nhân giúp Việt Nam thành công trong công cuộc phòng chống dịch COVID-19, song điều quan trọng nhất chính là tất cả mọi người dân Việt Nam từ Nhà nước, mỗi cá nhân người dân, mỗi doanh nghiệp, tổ chức thái độ, trách nhiệm và tinh thần chống dịch. Phát triển bền vững cũng tương tự như vậy và mỗi doanh nghiệp phải ý thức có trách nhiệm với điều này.

Nhấn mạnh phát triển bền vững không tách rời xu thế tất yếu của chuyển đổi số, Phó Thủ tướng cho rằng đây là thách thức và cũng là thời cơ. Hiện Chính phủ, cộng đồng DN, người dân có rất nhiều hoạt động thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin để đưa ra những quyết định phù hợp.

Dùng hình ảnh “dịch cúm Tây Ban Nha ngày xưa đi bằng tàu thủy nên rất chậm, ngày nay COVID-19 đi bằng máy bay”, Phó Thủ tướng cho rằng thế giới bé lại nên không có cách nào khác là phải tăng cường hợp tác, trong khi đây là nhóm chỉ tiêu tiến bộ chậm nhất trong chỉ số về phát triển bền vững của Việt Nam.

Nam Khánh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/kinh-te/viet-nam-tang-5-bac-ve-phat-trien-ben-vung-1762307.tpo