Việt Nam luôn chào đón doanh nghiệp, doanh nhân Nhật Bản

'Cánh cửa luôn mở rộng chào đón các doanh nghiệp, doanh nhân Nhật Bản tại Việt Nam. Việt Nam tin tưởng các doanh nghiệp Nhật viết tiếp những câu chuyện thành công trong tương lai'.

Đó là phát biểu của Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư cùng các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản được tổ chức trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước đến Nhật Bản của Chủ tịch nước và Phu nhân, từ ngày 29/5 - 2/6.

Chủ tịch nước cho rằng, sự kiện này là cơ hội quý báu để cộng đồng doanh nghiệp hai nước cùng nhìn lại những kết quả hợp tác đầu tư đã đạt được, chia sẻ tầm nhìn, triển vọng và những cơ hội hợp tác phát triển trong giai đoạn mới, góp phần thúc đẩy và làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á trong thời gian tới.

Quan hệ thương mại từ lâu đời

Chủ tịch nước nhắc về những nét tương đồng về văn hóa, lịch sử giữa Việt Nam – Nhật Bản. Việt Nam – Nhật Bản cách đây hơn 400 năm, quan hệ thương mại hai nước đã có giai đoạn phát triển sôi động khi hàng nghìn thương nhân Nhật Bản theo những Châu Ấn thuyền, hình thành nên khu phố thương mại sầm uất mang đậm nét văn hóa Nhật Bản tại Hội An.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư được tổ chức trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước đến Nhật Bản.

Hiện nay, tại Nhật Bản, nhiều thế hệ người Việt đang học tập, làm việc tại đây và có những đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, đây cũng là cầu nối liên kết hợp tác đầu tư, giao lưu kinh tế giữa hai nước.

Chủ tịch nước nhấn mạnh, Nhật Bản là đối tác hỗ trợ phát triển chính thức lớn nhất của Việt Nam với hơn 30 tỷ USD cam kết, đã góp phần quan trọng vào phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng lực quản trị quốc gia, xóa đói, giảm nghèo.

“Các công trình và dự án được xây dựng từ nguồn vốn ODA của Nhật Bản được triển khai thực hiện và đi vào hoạt động có hiệu quả trên khắp các vùng miền của Việt Nam, điển hình là Nhà ga T2 Sân bay quốc tế Nội Bài, Cảng biến Quốc tế Lạch Huyện, đường cao tốc Hồ Chí Minh – Trung Lương".

Chủ tịch nước nhận định, về đầu tư, Nhật Bản luôn là đối tác hàng đầu của Việt Nam, với trên 3.700 dự án có vốn đầu tư đăng ký đạt trên 50 tỷ USD. Cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản không chỉ giữa vai trò tiên phong trong hợp tác đầu tư, mà còn thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực đi vào thực chất, hiệu quả hơn. Đồng thời, trong hợp tác thương mại, quan hệ thương mại song phương của hai bên luôn tăng trưởng ổn định, lành mạnh, cân bằng với quy mô thương mại hai chiều năm 2017 đạt trên 33 tỷ USD. Việt Nam và Nhật Bản là những đối tác thương mại quan trọng của nhau với các mặt hàng mang tính bổ trợ, bổ sung cao.

Chủ tịch nước cho biết, Việt Nam đánh giá cao tính kỷ luật, ý thức trách nhiệm, công nghệ hiện đại, quản trị tiên tiến, văn hóa doanh nghiệp của các doanh nghiệp, doanh nhân Nhật Bản trong quá trình đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Cơ hội cho các doanh nghiệp Nhật Bản

Hiện nay, Việt Nam trở thành nền kinh tế năng động với GDP đạt khoảng 230 tỷ USD, quy mô thương mại đạt trên 420 tỷ USD. Với dân số tiệm cận 100 triệu người, Việt Nam hứa hẹn sẽ là một thị trường có sức mua tăng trưởng nhanh cùng với sự phát triển mạnh mẽ của tầng lớp trung lưu và sẽ là nền kinh tế mở và tiếp tục chủ động đẩy mạnh hội nhập quốc tế với các hiệp định thương mại tự do đã được ký kết, Chủ tịch nước khẳng định.

Chủ tịch nước và một số đại biểu đã chứng kiến lễ trao chứng nhận đầu tư và các biên bản ghi nhớ giữa các cơ quan, doanh nghiệp hai nước.

Với việc thu hút được gần 322 tỷ USD từ 126 quốc gia và vùng lãnh thổ vào các lĩnh vực kinh tế trọng yếu như công nghệ chế tạo, phát triển hạ tầng, xây dựng, bất động sản, năng lượng, du lịch, phân phối… Chủ tịch nước cho biết, nhiều tập đoàn quốc tế hàng đầu đang đầu tư, kinh doanh có hiệu quả và đã trở thành bộ phận cấu thành quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Chủ tịch nước thông tin tới các doanh nghiệp Nhật Bản về mục tiêu duy trì tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 6,5 – 7%; đến 2020 đạt 320 – 350 tỷ USD, GDP bình quân đầu người đạt khoảng 3.200 – 3.500 USD, quy mô thương mại đạt 600 tỷ USD.

Để đạt được những mục tiêu trên, Việt Nam đang triển khai đồng bộ các chính sách phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng dựa trên năng suất và đổi mới, sáng tạo. Việt Nam chủ động tiếp cận nhằm tận dụng mọi cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển kinh tế tri thức. Đồng thời, Việt Nam sẽ kết hợp hài hòa khu vực kinh tế trong nước với khu vục đầu tư nước ngoài, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh, hướng tới phát triển bền vững.

“Hướng tới mục tiêu xây dựng quốc gia công nghiệp theo hướng hiện đại, Việt Nam đang có nhu cầu rất lớn về phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, năng lượng hiện đại, đồng bộ; hệ thống giáo dục tiên tiến…”.

Đây là những lĩnh vực Nhật Bản có thế mạnh, là thời cơ quý báu để các doanh nghiệp, doanh nhân Nhật Bản nắm bắt mở rộng hợp tác, đầu tư tại Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực công nghiệp chế tạo, nông nghiệp hiện đại, năng lượng, công nghệ thông tin, đô thị thông minh, dịch vụ, hạ tầng, tài chính, ngân sách, khởi nghiệp dựa trên đổi mới, sáng tạo cũng như tham gia đối tác chiến lược cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, Chủ tịch nước nhận định.

Chủ tịch nước khẳng định, chính sách nhất quán của Việt Nam là luôn coi trọng quan hệ hợp tác với Nhật Bản dựa trên sự chia sẻ những lợi ích địa chính trị - kinh tế chiến lược – quan hệ hữu nghị tin cậy đã được vun đắp trong suốt 45 năm qua.

Chủ tịch nước cho biết, Việt Nam mong muốn thúc đẩy quan hệ hệ kinh tế, thương mại, đầu tưu giữa hai nước, luôn coi cộng đồn doanh nghiệp, doanh nhân Nhật Bản là đối tác chiến lược hàng đầu trong tiến trình tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới, sáng tạo, phát triển kinh tế tri thức, nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh quốc gia.

Tại hội nghị, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã chứng kiến lễ trao chứng nhận đầu tư và các biên bản ghi nhớ giữa các cơ quan, doanh nghiệp hai nước.

Trong đó, Ban Quản lý khu công nghệ cao Hòa Lạc và UBND TP. Hà Nội trao giấy phép đầu tư dự án trị giá 200 triệu USD cho Tập đoàn NIDEC.

UBND TP Hải Phòng trao giấy phép đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại trị giá 200 triệu USD cho Tập đoàn AEON.

UBND tỉnh Quảng Trị và Tập đoàn ISE trao đổi 2 biên bản ghi nhớ về phát triển nhà máy điện mặt trời và phát triển trang trại gà đẻ trứng tại Quảng Trị.

Về phía các doanh nghiệp, Tập đoàn T&T và tập đoàn Hitachi Zosen trao đổi biên bản ghi nhớ về dự án phát triển điện tử chất thải tại khu xử lý chất thải rắn Cầu Diễn và Xuân Sơn (Hà Nội), trị giá 300 triệu USD.

Công ty Hinokiya trao bản cam kết đầu tư cho Công ty cổ phần TWGroup phát triển dự án khu đô thị Nhật Bản trị giá 60 triệu USD tại quận Bình Chánh, TP HCM.

Công ty cổ phần Vietjet và 3 đối tác Nhật Bản trao đổi thỏa thuận hợp tác cung cấp tài chính tàu bay trị giá 591,5 triệu USD.

Nguyễn Hồng

(từ Tokyo, Nhật Bản)

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/viet-nam-luon-chao-don-doanh-nghiep-doanh-nhan-nhat-ban-72077.html