Việt Nam lạc quan với tương lai việc làm

Chính phủ sẽ đào tạo mới, đào tạo lại và đào tạo nghề thay thế cho người lao động để phù hợp với tình hình mới

Việc làm trong tương lai như thế nào và cần làm gì để đáp ứng được nhu cầu việc làm trong tương lai? Đó là chủ đề của phiên thảo luận "Tương lai việc làm" diễn ra sáng 13-9 trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN 2018).

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lạc quan về tương lai việc làm ở Việt Nam. (Ảnh do Ban Tổ chức WEF ASEAN 2018 cung cấp)

Thay mặt Chính phủ Việt Nam, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã dự và phát biểu với tư cách diễn giả chính. Cùng dự có các diễn giả uy tín: ông Haoliang Xu, Trợ lý Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc kiêm Trợ lý Giám đốc chương trình UNDP khu vực châu Á - Thái Bình Dương; bà Vivian Lau, Chủ tịch Tổ chức JA châu Á - Thái Bình Dương; ông Ian Lee, Giám đốc phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Tập đoàn Adecco; bà Francesca Chia, Giám đốc điều hành và đồng sáng lập Tập đoàn GoGet.

Được hỏi về định hướng tương lai việc làm ở Việt Nam và vai trò của Chính phủ trong vấn đề này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết 65% trẻ em đang học tiểu học ở Việt Nam sẽ làm một trong những công việc sẽ có trong tương lai. Đến năm 2020, 1/3 số công việc hiện nay sẽ không còn nữa. Với trường hợp Việt Nam, Phó Thủ tướng nhận định tương lai việc làm sẽ khá lạc quan. Theo điều tra, người dân và giới trẻ ở Việt Nam rất lạc quan về tương lai của cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0). Đứng ở khía cạnh các nhà hoạch định chính sách, Chính phủ không chỉ lạc quan mà còn nghĩ nhiều đến những thách thức mà cuộc cách mạng này đem lại.

Trong tương lai, những nghề mà Việt Nam có tỉ trọng lớn hiện nay sẽ bị thay thế, như dệt may, da giày, các công việc giản đơn trong những nhà máy sản xuất các thiết bị điện tử mà lao động nữ là chủ yếu. Từ thực tế ấy, Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ đã nghĩ đến việc đào tạo mới, đào tạo lại, thậm chí đào tạo nghề thay thế cho người lao động. Mục đích của quá trình đào tạo mới, đào tạo lại ấy, theo lý giải của Phó Thủ tướng, là giúp người lao động có thể làm nghề cũ ở mức độ tốt hơn hoặc thay thế nghề mới, thậm chí phải tự tìm được việc làm cho mình.

Bên cạnh đó, Việt Nam là quốc gia có phần lớn lao động nông nghiệp, Phó Thủ tướng cho rằng những lao động này cũng phải học kỹ năng để có thể ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và học cách bán sản phẩm của mình. Ngoài ra, Chính phủ cũng ủng hộ và nỗ lực đẩy mạnh việc học tập suốt đời, học tập đối với người lớn tuổi.

Diệp Châu

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/cong-doan/viet-nam-lac-quan-voi-tuong-lai-viec-lam-20180913223256293.htm