Việt Nam đóng vai trò điều hòa, xây dựng cầu nối trong ASEAN
Trong cuộc phỏng vấn với phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, Giáo sư Ruhanas Harun – Khoa Quan hệ Quốc tế, Đại học Quốc phòng Malaysia (UPNM) – cho rằng Việt Nam có thể đóng vai trò điều hòa trong ASEAN khi có những quan điểm xung đột.

Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân cùng Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn và Phu nhân cắt bánh chào mừng 30 năm Ngày Việt Nam gia nhập ASEAN (Indonesia, 10/3/2025). Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Phân tích về vai trò, cơ hội phát triển của Việt Nam trong ASEAN, đặc biệt trong bối cảnh địa chính trị khu vực và toàn cầu đang ngày càng diễn biến phức tạp, Giáo sư Ruhanas đánh giá Việt Nam là thành viên quan trọng nhất, lớn nhất trong số những nước thành viên mới gia nhập ASEAN, đồng thời có mối quan hệ rất chặt chẽ với Campuchia, Lào và Myanmar. Do đó, Giáo sư Ruhanas cho rằng Việt Nam có thể đóng vai trò điều hòa, cầu nối, giúp những nước thành viên thấy được lợi ích khi gia nhập ASEAN, cũng như sự hỗ trợ của Hiệp hội.
Bên cạnh đó, Giáo sư Ruhanas cũng nhấn mạnh đến vai trò xây dựng cầu nối của Việt Nam trong ASEAN, nhờ vào bề dày lịch sử và mối quan hệ gần gũi với các nước Đông Âu, trong đó có Nga hay với Trung Quốc.
Trong thời đại mới, Việt Nam, giống như các quốc gia khác trong ASEAN, trong khu vực hoặc trên thế giới, đang phải xem xét những khía cạnh địa chính trị, địa chiến lược và địa kinh tế. Các nước thành viên ASEAN đang phải điều chỉnh, hiệu chỉnh chính sách đối ngoại, chính sách kinh tế - xã hội và cả năng lực an ninh, quốc phòng để bảo vệ quốc gia trước các mối đe dọa và để duy trì sự tồn tại của đất nước. Theo Giáo sư Ruhanas, trong bối cảnh đó, Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung, vẫn nỗ lực duy trì 3 nguyên tắc chung là tham vấn, đồng thuận và không can thiệp công việc nội bộ của nhau.

Giáo sư Ruhanas Harun - Khoa Quan hệ Quốc tế, Đại học Quốc phòng Malaysia (UPNM) trả lời phỏng vấn TTXVN tại Malaysia. Ảnh: Hằng Linh/PV TTXVN tại Malaysia
Đề cập đến vai trò của ASEAN trong khu vực, Giáo sư Ruhanas khẳng định ASEAN vẫn đóng một vai trò rất quan trọng, vai trò trung tâm, trong các vấn đề của khu vực. Chuyên gia này nhấn mạnh ASEAN đã tham gia tích cực và nghiêm túc vào việc duy trì sự ổn định, an ninh và thịnh vượng của khu vực.
Vì vậy, không thể phủ nhận vai trò quan trọng của ASEAN. Tuy nhiên, ngày nay vai trò trung tâm của ASEAN đang phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có các tác nhân ngoài khu vực, sự trỗi dậy của các thỏa thuận song phương hoặc đa phương nhỏ.
Trước tình hình này, Giáo sư Ruhanas đề xuất ASEAN nên giữ vững tầm nhìn, bản sắc riêng là một tổ chức khu vực sẵn sàng tuân thủ, giữ thái độ trung lập, không chọn phe và giữ mối quan hệ tốt đẹp với tất cả các cường quốc, hướng tới giải quyết hòa bình các tranh chấp trong khu vực.
Nhìn về tương lai, về Tầm nhìn ASEAN 2045, Giáo sư Ruhanas tin tưởng kế hoạch đầy khát vọng cho 20 năm tới có thể thực hiện được, hướng đến một ASEAN năng động, đổi mới sáng tạo và lấy con người làm trung tâm. Năm 2005, khi Hội nghị Cấp cao ASEAN được tổ chức tại Kuala Lumpur, ASEAN đã đề cập đến việc lấy con người làm trung tâm. Và 20 năm sau đó cho thấy điều này vẫn quan trọng đối với sự tồn tại liên tục của ASEAN. Để đạt được mục tiêu đó, các nước thành viên cần nhiều tương tác hơn thông qua du lịch, các hoạt động giao lưu văn hóa xã hội, hoặc giáo dục đại học, thông qua chăm sóc lợi ích của thế hệ trẻ. ASEAN cũng cần tuyên truyền để người dân mỗi nước thành viên hiểu được điều đó.
Giáo sư nhấn mạnh 10 nước thành viên ASEAN có những hệ thống chính trị và ngôn ngữ khác nhau, nhưng điều đó không phải là rào cản đối với sự thống nhất, đoàn kết và gắn kết mọi người. Thông qua nhiều chương trình, mọi người dân ASEAN có thể xích lại gần nhau hơn và đó chính là “tính thống nhất trong đa dạng”. Giáo sư Ruhanas tin rằng với vị thế ngoại giao uy tín, nền văn hóa đa dạng và phong phú của Việt Nam, cùng với tinh thần kiên cường và năng động của người dân, Việt Nam sẽ có thể chia sẻ bài học, kinh nghiệm với các nước thành viên và tiếp tục đóng góp thiết thực cho ASEAN trong tương lai.