Việt Nam diễn nghĩa (Tập V - Kỳ 20)

Trân trọng giới thiệu tiếp Tập V " NỘI CHIẾN TRỊNH – NGUYỄN VÀ NHÀ TÂY SƠN" trong bộ Tiểu thuyết Lịch sử "Việt Nam Diễn Nghĩa" của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức- Hà Nội ấn hành năm 2020.

Ảnh minh họa Tây Sơn tam kiệt: Dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Nhạc mà người thực hiện là Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ, cùng những tướng lĩnh tài ba kiệt xuất quy tụ dưới ngọn cờ Tây Sơn đã lập nên chiến công hiển hách, Nguồn: Internet

Kỳ 20

Bốn cụ nhìn theo tốp trai tráng mà ngày mai họ sẽ trở thành những chiến binh của Tây Sơn Vương. Cụ đồ Nho nói:

-Quả nhiên cáo thị “Lấy của nhà giàu chia cho dân nghèo”, chủ trương bình đẳng của Tây Sơn đã chấn động thiên hạ, thu hút dân nghèo đến quy tụ dưới lá cờ đỏ mong tìm con đường sống cho mình.

Cụ chít khăn đen hỏi cụ đồ Nho:

-Nghe nói gốc gác tổ tiên ba anh em Tây Sơn Vương ở trấn Nghệ An Đàng Ngoài phải không cụ?

-Đúng rồi, quê quán của ba anh em Tây Sơn Vương vốn ở làng Thái Lão, huyện Hưng Nguyên, Trấn Nghệ An. Trong chiến tranh Trịnh-Nguyễn năm 1655-1660, quân Nguyễn Phúc Tần đánh tràn ra Nghệ An, bắt nhiều dân vào cùng dân Thanh Hóa khai hoang và tiến dần vào Nam. Tổ 4 đời của Tây Sơn Vương là Hồ Phi Long cũng bị bắt vào Đàng Trong. Cụ Long vào giúp việc cho nhà họ Đinh ở thôn Bằng Châu, huyện Tuy Viễn và kết hôn với con gái họ Đinh. Cụ Hồ Phi Long sinh ra cụ Hồ Phi Tiễn, cụ Hồ Phi Tiễn, phu nhân là cụ bà Nguyễn Thị Đồng ở ấp Tây Sơn sinh ra cụ Hồ Phi Phúc. Cụ Hồ Phi Phúc có tám con, 5 con gái, ba con trai. Ba con trai là Nguyễn Nhạc, tức Tây Sơn Vương, người thứ hai là Nguyễn Huệ, thứ ba là Nguyễn Lữ. Cả ba người học cả văn và võ. Thầy dạy là nhà Nho có tiếng Trương Văn Hiến. Nhìn ba người diện mạo khôi ngô tuấn tú, dáng anh hùng hào kiệt, khí thế đế vương, thầy đồ Trương Văn Hiến biết ba người không phải người tầm thường, khuyên ba người nên khởi sự để xây dựng đại nghiệp, cứu vớt giang sơn, bách tính. Trương Văn Hiến còn đọc cho ba người nghe câu sấm truyền khi đó: “Tây khởi nghĩa, Bắc thu công”. Sau đó không rõ lý do gì, ba anh em từ họ Hồ đổi sang họ Nguyễn.

Cụ khăn đen, áo dài đen nói:

-Lão phu cũng đã được nghe lõm bõm như vậy. Đa tạ cụ đã nói rõ ràng mạch lạc cho lão phu hiểu thêm. Đúng là thời thế tạo anh hùng, cùng tắc biến.

Cụ đồ Nho nói:

-Đúng là thời thế tạo anh hùng, nhưng anh hùng cũng tạo nên thời thế. Ba anh em Tây Sơn Vương có tạo nên được thời thế, có thay thế được thời cuộc không, lão phu cùng các cụ còn phải chờ xem đã. Nào mời các cụ cạn ly.

-Đa tạ cụ, kính mời cụ.

Ba cụ già lại nâng ly và cạn. Trước mắt các cụ như thấy đỏ chói màu cờ của quân đội Tây Sơn đang phấp phới khắp Đàng Trong.

II

Một sáng mùa thu năm 1773, Nguyễn Nhạc đang ngồi trong tổng hành dinh ở Tây Sơn Trung, nắng rải xuống khắp đồi núi xanh rờn, rải xuống ngọn núi cao nhất hiểm trở nhất phía Nam đèo An Khê. Xa xa trong núi cao rừng thẳm có ngọn núi phía Bắc An Khê là hành dinh quân sự của của Nguyễn Huệ, Vũ Văn Dũng, Trần Quang Diệu. Nơi đó còn có Huyền Khê được cử phụ trách quân lương của Tây Sơn. Nguyễn Nhạc vừa uống xong chén trà thì có thám mã về báo:

-Dạ bẩm Tây Sơn Vương, sau lễ tế cờ, tế thiên địa hôm qua thì hôm nay quân ta đã đánh lấy được hai huyện Phù Ly và Bồng Sơn.

-Tướng nào đánh chiếm huyện Bồng Sơn?

-Dạ bẩm Tây Sơn Vương, là tướng Vũ Văn Dũng và Cao Tắc Tựu ạ.

-Tướng nào đánh lấy Phù Ly?

-Dạ, tướng Trần Quang Diệu và La Xuân Kiều ạ.

Lại có thám mã về báo:

-Dạ, bẩm chúa công, có tướng Trần Quang Diệu kéo quân về muốn gặp ạ.

-Cho vào.

-Dạ.

Trần Quang Diệu bước vào, đó là một võ tướng khôi ngô, oai phong lẫm liệt. Trần Quang Diệu cúi đầu thi lễ:

-Kính chào chúa công.

Nguyễn Nhạc đứng dậy đón Trần Quang Diệu:

-Miễn lễ.

-Đa tạ chúa công.

- Sau một lượt trà, Nguyễn Nhạc hỏi:

-Nghe nói các tướng quân đã đánh chiếm được Phù Ly, Bồng Sơn à?

Trần Quang Diệu đáp:

-Bẩm chúa công, đúng vậy, Quan quân các huyện này nghe đến quân ta đã mất vía, mạt tướng chưa đánh chúng đã mở cửa đầu hàng. Hôm nay mạt tướng kéo quân về đây là để hội quân với chúa công tấn công lấy thành Quy Nhơn, lấy được nơi quan trọng như vậy thì thế và lực của chúng ta mới phát triển ra Phú Xuân và vào trong Nam được.

Nguyễn Nhạc nói:

-Đánh thành Quy Nhơn là phải lắm, tướng quân nói chính hợp ý ta, có lấy được Quy Nhơn mới chia cắt lực lượng chúa Nguyễn thành hai nơi Nam- Bắc. Khi đó ta sẽ đánh tới Phú Xuân, đánh chiếm Gia Định, hoàn thành đại nghiệp. Người đâu?

-Dạ, bẩm chúa công.

-Đi mời tướng Nguyễn Khê, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ và Võ Văn Dũng về đây.

-Dạ, tuân lệnh chúa công.

Chiều hôm đó, tất cả các tướng lĩnh chủ chốt của Tây Sơn đã có mặt đầy đủ chuẩn bị cho ngày hôm sau xuất quân đánh thành Quy Nhơn.

Sáng hôm sau, một ngày nắng đẹp quân Tây Sơn xuất phát từ Kiên Thành Tuy Viễn tiến đánh thành Quy Nhơn, thủ phủ của trấn Quy Nhơn. Đi tiên phong là Nguyễn Huệ, Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng, đi trung quân là Võ Xuân Hoài, Trương Mỹ Ngọc, đi hậu quân là Lý Tài, Tập Đình, hai tướng người Hoa chỉ huy hai đạo quân người Hoa. Đạo tiên phong có 100 thớt voi do những lính người Thượng mặc quần áo thổ cẩm nhiều màu sắc làm quản tượng, tay cầm búa gỗ điều khiển. Trên lưng mỗi con voi có ba lính Tây Sơn mặc quân phục màu nâu, đầu buộc khăn đỏ, tay cầm gươm, giáo, đại đao, súng phun lửa, súng hỏa mai, lưng đeo tạc đạn, cung tên. 100 con voi như 100 trái núi di động bước đi nhanh như gió thật hùng dũng. Theo sau voi là 2000 chiến mã trên lưng là 2000 kỵ binh, mình mang giáp sắt, đầu buộc khăn đỏ. Theo sau chiến mã khoảng 2 vạn quân, quân phục nâu, đầu chít khăn đỏ,lưng đeo cung tên, tạc đạn, tay cầm giáo mác hoặc súng hỏa mai. Trên đầu quân Tây Sơn pháp phới hàng nghìn cờ đỏ dài một phần tư trượng, trong nền đỏ có vòng tròn vàng. Trong quân có hai đơn vị là người thiểu số Tây Nguyên, cao to dũng mãnh đi tiên phong. Hai đơn vị này đặt dưới quyền chỉ huy của Nguyễn Huệ. Nguyễn Nhạc cưỡi voi đi trung quân với lá cờ đỏ viết chữ vàng: “Tây Sơn Vương”. Ngoài ra còn có những băng đỏ dài ghi chữ vàng: “Lấy của nhà giàu chia cho người nghèo”, “Diệt Trương Phúc Loan, phò Hoàng Tôn Dương”. Trên đường đi Quy Nhơn, bách tính ra đứng chật đường chào đón và úy lạo. Hàng nghìn trai tráng tự nguyện gia nhập quân Tây Sơn. Cờ đỏ rợp trời đất, trống lớn khua vang động không gian. Quân đi rung chuyển mặt đất báo hiệu những cơn bão táp Đàng Trong của những người nghèo khổ vùng dậy để lật nhào chế độ tàn bạo của chúa Nguyễn bắt đầu.

Năm 1602 Nguyễn Hoàng đã đổi phủ Hoài Nhơn thành phủ Quy Nhơn, đặt lại chức tuần phủ, khám lý. Phủ lỵ đặt tại thành Quy Nhơn, xưa là thành Đồ Bàn, một thời là kinh đô của Chiêm Thành, nằm giữa huyện Tuy Viễn và huyện Phù Ly. Cách một dặm về phía Tây là rừng thông xanh mướt. Phủ thành Quy Nhơn là lỵ sở trấn trị hành chính quân sự quan trọng của chúa Nguyễn Đàng Trong dưới sự cai trị của tuần phủ Nguyễn Khắc Tuyên. Tường thành được xây bằng đá ong cao và dầy chắc chắn. Phủ Thành lại được bao phủ bởi hệ thống sông suối và các ngọn đồi, tạo nên những vòng hào, những bức tường tự nhiên che chắn. Hai nhánh sông Cầu Ngắn phía Bắc, sông Cầu Dài ở phía Nam tạo vòng tròn bao bọc toàn bộ phủ thành, Ngoài ra, còn có ngọn đồi Tháp Phú Lốc ở phía Đông Bắc và núi Mò ở phía Đông, đồi Tháp Gầy ở phía Nam. Bởi vậy Quy Nhơn năm 1773 là căn cứ quân sự quan trọng trong hệ thống phòng thủ của chúa Nguyễn.

(Còn nữa)

CVL

PGS TS Cao Văn Liên

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/viet-nam-dien-nghia-tap-v--ky-20-78704