Việt Nam bắt đầu ứng dụng trí tuệ nhân tạo để chẩn đoán và điều trị đột quỵ

Nếu như trước đây can thiệp nhồi máu não giờ vàng chỉ trong vòng 6 giờ thì phần mềm trí tuệ nhân tạo RAPID có thể cho phép mở rộng cửa sổ điều trị lên đến 24 giờ. Nhờ đó, cơ hội cứu sống bệnh nhân sẽ cao hơn...

Và Bệnh viện Nhân dân 115 cùng Bệnh viện Gia An 115 (thuộc Tập đoàn Hoa Lâm) là hai bệnh viện đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo Rapid (Trung tâm đột quỵ - Đại học Standford Hoa Kỳ) trong chẩn đoán và điều trị đột quỵ. Thông tin này được lãnh đạo các Bệnh viện Nhân dân 115 và Bệnh Viện Gia An 115 công bố và giới thiệu vào chiều nay (21.6).

TS. BS. Trương Vĩnh Long, Giám đốc Bệnh viện Gia An 115, chia sẻ về chương trình liên kết và ứng dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo Rapid trong điều trị.

TS. BS. Trương Vĩnh Long, Giám đốc Bệnh viện Gia An 115, chia sẻ về chương trình liên kết và ứng dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo Rapid trong điều trị.

Có mặt tại buổi công cố, TS-BS Nguyễn Huy Thắng, Chủ tịch Hội đột quỵ TP.HCM, đánh giá việc ứng dụng Rapid trong chẩn đoán và đưa ra hướng điều trị đột quỵ não, được kỳ vọng sẽ giúp tăng tỷ lệ cứu sống bệnh nhân, giảm tỷ lệ tàn phế do đột quỵ. Ông Thắng cho biết mỗi năm Bệnh viện Nhân dân 115 tiếp nhận và điều trị cho khoảng 12.000 lượt bệnh nhân đột quỵ. Tuy nhiên, chỉ khoảng 20% bệnh nhân đến bệnh viện trong “thời gian vàng”, tức khoảng từ 4-6 giờ sau khi khởi phát các triệu chứng đột quỵ. Điều này đồng nghĩa với việc cơ hội cứu sống các bệnh nhân đột quỵ rất thấp. Tuy nhiên, với phần mềm trí tuệ nhân tạo Rapid, “thời gian vàng” của bệnh lý đột quỵ được mở rộng đến 24 giờ sau khi khởi phát bệnh.

Thông thường, với những bệnh nhân bị đột quỵ não, các bác sĩ điều trị sẽ sử dụng các kỹ thuật cao để tái thông, làm tan cục máu đông, hồi phục tổn thương, hạn chế di chứng yếu liệt. Tuy nhiên, bên cạnh những vùng tổn thương đã xác định rõ sẽ có những vùng có nguy cơ tổn thương, có nguy cơ hoại tử trong những giờ tiếp theo, sẽ khó xác định được bằng các phương pháp hình ảnh học thông thường. Phần mềm Rapid được phát triển bởi Đại học Stanford – Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ khó khăn này.

Cụ thể, nếu như trước đây can thiệp nhồi máu não giờ vàng chỉ trong vòng 6 giờ thì phần mềm RAPID có thể cho phép mở rộng cửa sổ điều trị lên đến 24 giờ. Nhờ đó, cơ hội cứu sống bệnh nhân sẽ cao hơn. Theo số liệu công bố, trong 100 ca áp dụng phần mềm RAPID có thể điều trị thành công 49 ca nhưng nếu không có phần mềm này thì chỉ có 19 ca điều trị thành công.

Bác sĩ chuyên khoa của Bệnh viện Nhân dân 115 giới thiệu phần mềm trí tuệ Rapid trong chẩn đoán và điều trị đột quỵ tại lễ công bố tổ chức chiều 21.6.

Bác sĩ chuyên khoa của Bệnh viện Nhân dân 115 giới thiệu phần mềm trí tuệ Rapid trong chẩn đoán và điều trị đột quỵ tại lễ công bố tổ chức chiều 21.6.

Ngoài ra, với những trường hợp xuất huyết não, phần mềm RAPID sẽ giúp đo chính xác thể tích khối máu tụ, từ đó giúp các bác sĩ lượng giá được chính xác được khối máu tụ, nâng cao hiệu quả điều trị.

Bệnh viện Nhân dân 115 và Bệnh viện Gia An 115 là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam phối hợp lắp đặt và triển khai toàn bộ phần mềm Rapid trong chẩn đoán và đưa ra hướng điều trị đột quỵ não, mở rộng cửa sổ điều trị cấp lên đến 24 giờ. Điều này giúp đem lại cho bệnh nhân thêm cơ hội phục hồi, giảm tỷ lệ tàn phế, góp phần đưa người bệnh tái hòa nhập cộng đồng sớm.

Trong hai ngày triển khai thử nghiệm, các bác sỹ hai bệnh viện trên đã thực hiện ứng dụng phần mềm Rapid trên 6 bệnh nhân và đã xác định được bệnh nhân nào cần can thiệp tái thông tắc mạch, bệnh nhân nào cần điều trị nội khoa.

TS-BS Phan Văn Báu, Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115, cho biết dù chi phí mua bản quyền phần mềm Rapid khá đắt đỏ nhưng khi ứng dụng tại Bệnh viện Nhân dân 115 và Bệnh viện Gia An 115 chi phí điều trị của bệnh nhân đột quỵ sẽ không tăng lên đáng kể. “Chúng tôi ứng dụng phần mềm Rapid nhằm tăng thêm công cụ giúp cứu sống bệnh nhân, phục vụ lợi ích vì sức khỏe cộng đồng chứ không phải vì lợi nhuận”, ông Báu khẳng định.

Bệnh viện Nhân dân 115 và Bệnh viện Gia An 115 là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam phối hợp lắp đặt và ứng dụng toàn bộ phần mềm Rapid, được kỳ vọng sẽ giúp tăng tỷ lệ cứu sống bệnh nhân, giảm tỷ lệ tàn phế do đột quỵ.

Bệnh viện Nhân dân 115 và Bệnh viện Gia An 115 là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam phối hợp lắp đặt và ứng dụng toàn bộ phần mềm Rapid, được kỳ vọng sẽ giúp tăng tỷ lệ cứu sống bệnh nhân, giảm tỷ lệ tàn phế do đột quỵ.

Tiếp lời đồng nghiệp, TS. BS. Trương Vĩnh Long, Bệnh viện Gia An 115, cho biết bệnh viện Gia An 115 là dự án hợp tác giữa Bệnh viện Gia An 115 và Bệnh viện Nhân dân 115 – bệnh viện hàng đầu tại TP.HCM trong các chuyên khoa sâu, nhất là về bệnh lý mạch máu não. Vì thế, dù là bệnh viện đa chuyên khoa nhưng Bệnh viện Gia An 115 cũng tập trung về các bệnh lý Thần kinh - đột quỵ.

Hơn nữa, theo ông Long thì hiện nay bệnh lý đột quỵ ngày càng gia tăng, thậm chí không chỉ xảy ra ở người lớn tuổi, người trung niên mà cũng xảy ra ở cả người trẻ tuổi. Việc ứng dụng các kỹ thuật cao, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo là thành tựu đột phá trong những năm gần đây khi áp dụng vào chẩn đoán và điều trị hiệu quả cho bệnh nhân đột quỵ, nhất là bệnh nhân xuất huyết não. "Đó cũng chính là lý do Bệnh viện Gia An 115 phối hợp với Bệnh viện Nhân dân 115 lắp đặt để triển khai phần mềm này", ông Long cho hay.

Phần mềm trí tuệ nhân tạo Rapid được phát triển bởi Đại học Stanford - Hoa Kỳ và được ứng dụng tại 1.200 bệnh viện của 40 quốc gia trên thế giới.

Theo số liệu công bố tại nhiều nước trên thế giới, trong 100 ca áp dụng phần mềm Rapid có thể điều trị thành công 49 ca, nhưng nếu không có phần mềm này, chỉ có 19 ca điều trị thành công.

Ngoài Thái Lan, Indonesia, Việt Nam là quốc gia thứ 3 tại Đông Nam Á sở hữu bản quyền phần mềm trí tuệ nhân tạo này.

T.Văn

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/viet-nam-bat-dau-ung-dung-tri-tue-nhan-tao-de-chan-doan-va-dieu-tri-dot-quy-19207.html