Việt Nam - Ấn Độ: Hợp tác ngày càng bền chặt

Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ có truyền thống lịch sử lâu đời. Năm 2007, hai nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược và nâng cấp lên đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2016. Nhân dịp năm mới Kỷ Hợi 2019, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ - Phạm Sanh Châu - trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Công Thương.

Là Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Ấn Độ - một cường quốc khu vực Nam Á, xin ông chia sẻ cảm nghĩ trên cương vị này?

Tôi cảm thấy rất vui mừng và tự hào trong vai trò Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Ấn Độ. Ấn Độ là một cường quốc mà Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Quan hệ này cho phép hai nước thường xuyên trao đổi ở tất cả các cấp, đặc biệt là cấp cao. Vì vậy, hoạt động đối ngoại của hai nước rất sôi động. Trong quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, hợp tác an ninh quốc phòng cũng là một điểm nhấn rất quan trọng. Đến nay, hai nước hợp tác trên tất cả các quân binh chủng, từ lĩnh vực đào tạo đến mua sắm trang thiết bị, tập huấn... Điều này thể hiện sự tin cậy rất cao trong quan hệ chính trị giữa hai nước.

Đại sứ Phạm Sanh Châu đã trình Ủy nhiệm thư của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng lên Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind

Thêm vào đó, Việt Nam - Ấn Độ có mối quan hệ truyền thống lâu đời và được nhiều lãnh đạo hai nước dày công vun đắp, ngày càng bền chặt. Trên cương vị Đại sứ, tôi sẽ phấn đấu góp phần tích cực phát triển quan hệ hai nước trên nhiều bình diện.

Việc tăng cường thu hút đầu tư, thương mại và du lịch giữa hai nước trong thời gian tới được kỳ vọng phát triển như thế nào, thưa Đại sứ?

Về hợp tác thương mại, tăng trưởng trung bình hàng năm từ 35 - 40%; năm 2020 sẽ đạt mục tiêu 15 tỷ USD. Trên thực tế, hai nước có rất nhiều tiềm năng phát triển thương mại. Ấn Độ nhập khẩu nhiều loại thiết bị, máy móc, đồ điện tử từ Việt Nam; trong khi đó, Việt Nam nhập nhiều sản phẩm bông, nguyên liệu cho ngành dệt và một số nguyên nhiên liệu khác từ Ấn Độ.

Ngoài ra, hai nước có thể hợp tác trong các lĩnh vực thế mạnh như công nghệ thông tin, nền kinh tế số, năng lượng tái tạo, y tế, hàng không dân dụng. Việt Nam cũng có thể hợp tác cùng Ấn Độ trong một số chương trình mang thương hiệu Ấn Độ. Ngược lại, Ấn Độ cũng muốn học hỏi từ Việt Nam trong lĩnh vực phát triển hạ tầng đô thị, du lịch… Hai bên cần thiết lập cơ chế đối thoại giữa doanh nghiệp (DN) với DN và giữa DN với Chính phủ, tạo diễn đàn để chia sẻ, quan tâm, chiến lược và tầm nhìn về hợp tác phát triển. DN hai nước cũng cần chủ động, quyết liệt thúc đẩy hợp tác.

Đại sứ có thể chia sẻ mục tiêu, kế hoạch hành động hiện tại và tương lai trên cương vị của mình?

Ấn Độ là quốc gia có nền văn minh cổ, nổi bật nhất là tính đa dạng văn hóa... Hai nước có nhiều điểm tương đồng về văn hóa, có những con người hào hiệp, mến khách, dễ thông cảm lẫn nhau... Nền tảng này tạo thành môi trường hợp tác giữa Chính phủ và nhân dân hai nước.

Bằng tất cả tâm huyết, tôi sẽ nỗ lực góp phần hoàn thành mục tiêu kim ngạch thương mại đạt 15 tỷ USD vào năm 2020. Đại sứ quán sẽ chú trọng tổ chức các diễn đàn thúc đẩy thương mại, tham gia hội chợ gặp gỡ DN hai nước; tìm kiếm, kết nối cơ hội đầu tư cho DN hai nước.

Đại sứ Phạm Sanh Châu (giữa) giới thiệu hàng Việt Nam tại Hội chợ Hàng tiêu dùng quốc tế Ấn Độ lần thứ 38 (IITF 2018)

Nhằm góp phần thúc đẩy xuất khẩu nông sản Việt Nam vào thị trường Ấn Độ, thời gian tới, Đại sứ quán sẽ cố gắng đưa 5 loại trái cây của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Ấn Độ, gồm: Thanh long, vú sữa, nhãn, sầu riêng và chôm chôm. Ngược lại, Việt Nam sẽ mở cửa thị trường cho các sản phẩm từ Ấn Độ như hạt kê, hạt lựu, nho... ; vận động để Ấn Độ giảm thuế bổ sung đánh vào hạt tiêu; giảm các biện pháp phòng vệ thương mại đối với ống đồng, sản phẩm thép, cá ba sa của Việt Nam.

Tôi cũng mong muốn tăng cường phát triển du lịch hai nước, phấn đấu có đường bay thẳng. Hiện nay, du lịch hai nước có triển vọng tăng sau khi chúng ta tổ chức các cuộc hội thảo, xúc tiến giới thiệu tiềm năng, điểm đến hấp dẫn của Việt Nam.

Đại sứ là người rất nhiệt huyết trong quảng bá văn hóa Việt Nam ra nước ngoài. Vậy, đã có sự lồng ghép hoạt động ngoại giao và quảng bá văn hóa, du lịch?

Bất cứ khi nào có điều kiện và cơ hội, tôi sẽ quảng bá văn hóa, du lịch Việt Nam ra thế giới. Ví dụ, khi có cơ sở giáo dục mong muốn tổ chức Tuần văn hóa Việt Nam, chúng tôi tạo điều kiện tối đa để họ nghiên cứu, đưa các giải thưởng, khuyến khích, thu hút học sinh, sinh viên tham gia.

Vừa qua, tại Hội chợ phu nhân - phu quân cho đoàn ngoại giao tổ chức hàng năm, chúng tôi kết hợp tổ chức giới thiệu món phở, nem, bánh phồng tôm; quảng bá các loại trái cây, đặc biệt là cà phê Việt Nam đến các cơ quan ngoại giao. Hay nhân kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ sang thăm Ấn Độ, chúng tôi đã tuyên tryền và giới thiệu cuốn sách về Bác Hồ.

Tóm lại, có bất kỳ cơ hội nào nảy sinh, chúng tôi thường kết hợp sự kiện và lồng ghép để quảng bá văn hóa Việt Nam, con người, ẩm thực, các di sản, phim ảnh Việt Nam... nhằm tạo sức thu hút, giới thiệu hình ảnh tốt đẹp của đất nước ta.

Trân trọng cảm ơn Đại sứ!

Ngọc Thảo

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/viet-nam-an-do-hop-tac-ngay-cang-ben-chat-115736.html