Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ từ chối nhận đội cứu trợ từ Cyprus?

Bất chấp nhu cầu tăng cường lực lượng tìm kiếm cứu nạn, Thổ Nhĩ Kỳ cự tuyệt sự trợ giúp của Cộng hòa Cyprus - quốc gia mà Ankara thậm chí không công nhận về ngoại giao.

Người dân mang cờ Thổ Nhĩ Kỳ tại thành phố Varosha trên đảo Cyprus, nơi đang do chính quyền Cộng hòa Bắc Cyprus thân Ankara kiểm soát. Ảnh: Reuters.

Ngày 10/2, Bộ Ngoại giao Cộng hòa Cyprus cho biết lời đề nghị gửi lực lượng hỗ trợ công tác tìm kiếm cứu nạn sau động đất mà Nicosia đưa ra đã bị Ankara “lịch sự từ chối”, theo AP.

“Bất chấp (Thổ Nhĩ Kỳ) ban đầu đã chấp nhận lời đề nghị hỗ trợ nỗ lực giải cứu của chúng tôi, Thổ Nhĩ Kỳ sau đó đã ‘từ chối một cách lịch sự’ đề nghị cử một đội tìm kiếm cứu nạn tới hiện trường của Cyprus”, Bộ Ngoại giao Cộng hòa Cyprus viết trên Twitter.

Do vấn đề lịch sử, quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Cộng hòa Cyprus chưa bao giờ tốt đẹp. Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang đồn trú một lượng lớn quân đội trên đảo Cyprus bất chấp sự phản đối của Nicosia, trong khi Ankara vẫn hỗ trợ "Cộng hòa Bắc Cyprus" - thực thể không được Nicosia và cộng đồng quốc tế công nhận.

Mâu thuẫn từ lịch sử

Đảo Cyprus có một lịch sử tương đối phức tạp và từng “qua tay” nhiều đế quốc khác nhau. Kể từ những năm 1400 trước công nguyên, người Hy Lạp đã đến sinh sống ở hòn đảo này.

Sau khi nền văn minh Hy Lạp cổ đại dần lụi tàn, Cyprus rơi vào tay đế quốc La Mã, rồi đế chế Byzantine, sau đó là Cộng hòa Venice và đế quốc Ottoman của người Thổ - những người đã thống trị Cyprus trong ba thập kỷ.

Đến đầu thế kỷ XIX, người dân gốc Hy Lạp trên hòn đảo phát động phong trào đòi thống nhất với Hy Lạp. Tuy nhiên, Cyprus sau đó lại rơi vào sự kiểm soát của Anh.

Đế quốc Anh đã giúp Cyprus tránh xa các cuộc xung đột đẫm máu giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp đầu thế kỷ XX. Tuy vậy, với việc người dân thuộc cả hai sắc tộc cùng sinh sống trên một hòn đảo và cùng hướng về những người “đồng bào” trên lục địa, vấn đề giữa họ chưa bao giờ được giải quyết.

Năm 1960, Cyprus giành độc lập từ Anh. Tổng giám mục Makarios III người Hy Lạp trở thành tổng thống đầu tiên của quốc gia này, trong khi chính trị gia Fazıl Küçük người Thổ Nhĩ Kỳ là phó tổng thống.

Tuy nhiên, mâu thuẫn giữa các chính trị gia hai phe tiếp tục âm ỉ và lên đến đỉnh điểm khi toàn bộ công chức người Thổ Nhĩ Kỳ - bao gồm cả Phó tổng thống Küçük - rút khỏi chính quyền năm 1963.

Năm 1974, quân đội Hy Lạp hỗ trợ một cuộc đảo chính tại Cyprus nhằm lật đổ Tổng thống Makarios III. Phe đảo chính mong muốn mở đường cho việc sáp nhập đảo Cyprus vào Hy Lạp.

Để đáp trả, chỉ vài ngày sau đảo chính, Ankara đưa quân đổ bộ lên đảo Cyprus, mở đường giúp người Thổ Nhĩ Kỳ tại Cyprus tuyên bố thành lập một quốc gia riêng biệt với tên gọi “Cộng hòa Bắc Cyprus” ở phía bắc hòn đảo.

“Cộng hòa Bắc Cyprus” có quan hệ ngoại giao tương đối hạn chế, nhưng được Thổ Nhĩ Kỳ công nhận và ủng hộ mạnh mẽ. Trong khi đó, Cộng hòa Cyprus tuy được Liên Hợp Quốc và đại đa số quốc gia coi là chính phủ hợp pháp trên toàn hòn đảo, nhưng chỉ kiếm soát được một phần lãnh thổ và không được Thổ Nhĩ Kỳ công nhận.

Giống như thành phố Jerusalem, thủ đô Nicosia của Cyprus cũng bị chia thành hai nửa riêng biệt - Bắc Nicosia do người Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát và Nam Nicosia do người Hy Lạp kiểm soát. Một vùng đệm của Liên Hợp Quốc cắt qua trung tâm thành phố, chia cắt hai vùng này với nhau.

Quan hệ chưa bớt nóng

Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang đồn trú hàng chục nghìn quân tại miền Bắc đảo Cyprus, giới chức Ankara cho biết. Tháng 9/2022, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan thậm chí cảnh báo nước này có thể tăng quân trên hòn đảo này, sau khi Mỹ dỡ bỏ hạn chế buôn bán trang thiết bị quốc phòng với Nicosia, Reuters đưa tin.

Bất chấp nhiều nỗ lực trung gian hòa giải, vấn đề Cyprus vẫn chưa được giải quyết. Trong khi đó, hai bên cũng vẫn còn bị ám ảnh bởi các “bóng ma” từ quá khứ. Năm 2021, kế hoạch mở lại “thị trấn ma” Varosha của giới chức Thổ Nhĩ Kỳ và Bắc Cyprus đã vấp phải sự phản đối mãnh liệt của Cộng hòa Cyprus và Liên minh châu Âu (EU).

Varosha từng là khu nghỉ dưỡng đông đúc hàng đầu trên đảo Cyprus. Tuy nhiên, sau khi cuộc chiến tranh năm 1974 nổ ra, dân cư người Hy Lạp trong thành phố đã rời đi, biến nơi đây trở thành một thành phố bỏ hoang.

Tháng 10/2020, giới chức Bắc Cyprus công bố kế hoạch mở cửa lại Varosha cho du khách. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan nhanh chóng ủng hộ kế hoạch này, theo hãng thông tấn Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu.

Tuy vậy, Tổng thống Cộng hòa Cyprus Nicos Anastasiades gọi đây là động thái “không thể chấp nhận”. Nhiều quốc gia như Hy Lạp hay Pháp cũng lên tiếng phản đối, yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ giữ gìn nguyên trạng Varosha.

Trong bối cảnh mâu thuẫn về tài nguyên thiên nhiên khiến tình hình Đông Địa Trung Hải nóng lên trong những năm gần đây, quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Cộng hòa Cyprus càng thêm căng thẳng.

Hai bên liên tục cáo buộc nhau là nhân tố gây ra căng thẳng trong khu vực, cũng như tuyên bố các dự án thăm dò, khai thác dầu khí của phía bên kia là trái phép.

“Một số công ty dầu khí đang trở thành một phần của các hành động thiếu trách nhiệm của người Cyprus gốc Hy Lạp. Tôi muốn cảnh báo rằng họ có thể mất một người bạn như Thổ Nhĩ Kỳ”, ông Erdogan tuyên bố năm 2017.

Vết nứt lớn từ góc nhìn trên cao sau thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ Sau trận động đất 7,8 độ rạng sáng 6/2, một vết nứt lớn đã xuất hiện tại tỉnh Kahramanmaraş, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề hàng đầu do động đất.

Việt Hà

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vi-sao-tho-nhi-ky-tu-choi-nhan-doi-cuu-tro-tu-cyprus-post1400737.html