Vì sao Hoa Kỳ không thể ngăn cản Iran xuất khẩu dầu?

Cố vấn an ninh Quốc gia John Bolton khẳng định Hoa Kỳ dù vẫn muốn đạt được mục tiêu đưa xuất khẩu dầu Iran chạm đáy, song họ sẽ không thể tiến hành ngay lập tức bởi việc này sẽ gây tổn hại cho các nước đồng minh của mình.

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Bolton

Mới đây, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Hoa Kỳ, ông John Bolton tiết lộ: Mỹ muốn ngăn cản việc Iran xuất khẩu dầu, tuy nhiên sẽ không làm tổn hại đến bạn bè cũng như đồng minh của mình, những người phụ thuộc vào nguồn cung cấp này.

Ông Bolton cho hay: "Bàn về câu hỏi chúng tôi sẽ xử lý thế nào với các biện pháp trừng phạt sẽ có hiệu lực vào tuần tới. Tổng thống Donald Trump nói rằng mục tiêu của chúng ta là cắt đứt hoàn toàn nguồn cung cấp dầu của Iran, nhằm đưa xuất khẩu của nước này về số không. Chúng tôi thấy một số nước vẫn tiếp tục mua dầu của Iran và chúng tôi sẽ không thể ngay lập tức xóa sổ việc cung cấp dầu này. Chúng tôi muốn đạt được mục tiêu, nhưng chúng tôi không muốn gây tổn hại đến bạn bè và đối tác của mình".

Hồi tháng Năm vừa rồi, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Washington rút khỏi một thỏa thuận về chương trình hạt nhân với Iran. Ông cũng thông báo về việc khôi phục tất cả các biện pháp trừng phạt chống lại Iran, bao gồm cả các biện pháp thứ cấp, có nghĩa là, chống lại các nước khác có quan hệ làm ăn với Iran.

Ngày 7/8, Hoa Kỳ đã đưa ra một phần biện pháp trừng phạt chống lại Iran. Các biện pháp trừng phạt nghiêm trọng hơn sẽ bao gồm cấm xuất khẩu dầu dự kiến sẽ được áp dụng từ ngày 5/11. Washington tuyên bố mục tiêu của mình là khiến cho hoạt động xuất khẩu dầu của Iran về không và kêu gọi những nước nhập khẩu dầu Iran từ bỏ hợp đồng mua bán.

Các thành viên còn lại của Nhóm P5+1 hòa giải quốc tế (Nga, Anh, Trung Quốc, Pháp, Đức) đã bày tỏ phản đối quyết định của Hoa Kỳ đối với Iran. Các quốc gia còn lại trong thỏa thuận hạt nhân đang phát triển các biện pháp bảo vệ các công ty của mình trước lệnh trừng phạt của Mỹ đối với việc hợp tác với Iran.

Anh, Đức, Pháp, Trung Quốc, Nga và Iran, theo kết quả một cuộc họp cấp Bộ trưởng bên lề Liên Hợp Quốc, cho biết, EU sẽ tạo ra một cơ chế tài chính đặc biệt có tên SPV dành riêng cho việc thanh toán với Iran nhằm đối phó với các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Hiện các công việc liên quan vẫn chưa hoàn tất.

Hôm thứ Ba (30/10), Copenhagen cho hay họ nghi ngờ Tehran có dính líu vào âm mưu ám sát lãnh đạo Phong trào Đấu tranh Arab vì Sự Giải phóng Ahwaz (ASMLA) ở Đan Mạch. Phát ngôn viên của EU, bà Maia Kosyancic khẳng định, sau cáo buộc của Đan Mạch đối với Iran, Liên minh châu Âu vẫn cam kết hỗ trợ Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) về vấn đề hạt nhân của Iran, các vấn đề khác cần được xem xét nghiêm túc.

Trí Đức (Lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/vi-sao-hoa-ky-khong-the-ngan-can-iran-xuat-khau-dau-post280494.info