Vì sao Công Phượng bị gạch tên?

Đội tuyển Việt Nam đã có gần một tuần tập luyện ở Hàn Quốc, nhưng việc Công Phượng không được góp mặt vẫn được giới mộ điệu bàn tán.

Công Phượng có những điểm cộng khi ghi 6 bàn sau 7 trận cho câu lạc bộ Trường Tươi Bình Phước. Đinh Thanh Bình và Nguyễn Quốc Việt, hai tuyển thủ Việt Nam cũng chơi tại Giải hạng Nhất Quốc gia không đạt hiệu suất cao như Công Phượng.

Dẫu có những điểm cộng về kinh nghiệm "ăn cơm tuyển", nhưng Công Phượng vẫn bị huấn luyện viên (HLV) Kim Sang-sik gạch tên. HLV Phạm Minh Đức của đội trẻ Hà Nội phân tích, Công Phượng không phù hợp với sơ đồ 3 tiền đạo theo chiến thuật 4-3-3 hoặc 3-4-3 của ông Kim. Công Phượng chỉ chơi hay khi được đá hộ công.

Công Phượng một lần nữa vắng mặt ở đội tuyển Việt Nam.

Công Phượng một lần nữa vắng mặt ở đội tuyển Việt Nam.

Ở Trường Tươi Bình Phước, Công Phượng hiện có xu hướng đá giật lùi trong vai trò tiền vệ trung tâm. So với các tuyển thủ ở tuyến giữa như Hoàng Đức, Quang Hải, Thái Sơn, Doãn Ngọc Tân, Văn Trường, Hai Long, Châu Ngọc Quang... Công Phượng hiển nhiên không tin cậy bằng.

Việc HLV Kim Sang-sik không gọi Quế Ngọc Hải và Đỗ Hùng Dũng cho thấy quan điểm mạnh mẽ của ông trong việc lựa chọn cầu thủ. Theo đó, những cầu thủ không bảo đảm tần suất hoạt động liên tục trong 90 phút sẽ không được chọn lựa. Đây lại là điểm trừ của Công Phượng. Vốn dĩ khi về Trường Tươi Bình Phước, Công Phượng chỉ thi đấu 3 trong 5 trận trọn vẹn 90 phút. Ở 2 trận còn lại, HLV Nguyễn Anh Đức đều rút Công Phượng rời sân giữa chừng.

Câu chuyện thể lực là một phần. Nút thắt nằm ở thói quen chơi bóng của Công Phượng không hợp với yêu cầu của HLV Kim Sang-sik. Theo cựu trợ lý đội tuyển Việt Nam Lê Minh Dũng, Công Phượng có điểm mạnh ở khả năng ra quyết định. Ngược lại, anh không đáp ứng được yêu cầu phải chạy, tích cực di chuyển và pressing. Câu chuyện mâu thuẫn này từng xảy ra cách đây một năm. Công Phượng được đưa vào sân trong hiệp 2, khi đội tuyển Việt Nam bế tắc trước đội tuyển Palestine. Trước yêu cầu phải hoạt động liên tục, kể cả khi không có bóng, Công Phượng không đáp ứng được. Sau 10 phút không hoàn thành nhiệm vụ, Công Phượng được yêu cầu đá tiền đạo và lập tức ghi bàn.

Trong các tiền đạo hiện tại của bóng đá Việt Nam, Công Phượng được đánh giá cao bởi kinh nghiệm, kỹ thuật và khả năng dứt điểm. Song việc sử dụng Công Phượng lại khó hơn so với những mẫu tiền đạo cần mẫn như Vĩ Hào, Đình Bắc, Văn Đức, Thanh Bình... Một đội bóng không thể có quá nhiều cầu thủ để đồng đội phải phục vụ. Trong bối cảnh các đội bóng đều nâng tầm thể lực, tần suất hoạt động chuyển tiếp giữa các giai đoạn có bóng và không bóng ngày một tăng lên, thì chỉ cần vài cầu thủ hoạt động tĩnh như Công Phượng vô tình trở thành gánh nặng cho đồng đội.

Bài và ảnh: TRỊNH MỸ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/the-thao/trong-nuoc/vi-sao-cong-phuong-bi-gach-ten-805083