Vì sao các siêu ác nhân của Vũ trụ Marvel thường gây thất vọng?

Sau 20 tác phẩm lớn nhỏ, Vũ trụ Điện ảnh Marvel (MCU) đã chinh phục hết đỉnh cao này tới đỉnh cao khác. Nhưng nhóm ác nhân của họ vẫn thường để lại nhiều nỗi tiếc nuối.

Giống như nhiều tác phẩm điện ảnh thường thấy, ở MCU, các nhân vật phản diện đóng vai trò tạo nên xung đột, và đôi lúc giúp nhân vật chính trưởng thành hơn.

Song, sau 20 bộ phim, lượng ác nhân nổi bật của chuỗi tác phẩm thực tế chỉ có Loki (Tom Hiddleston), Killmonger (Michael B. Jordan) và Thanos (Josh Brolin).

Các ác nhân nhà Marvel thường có mục đích nhàm chán?

Để hiểu rõ tại sao Killmonger của Black Panther (2018) hay Loki được yêu thích đến thế, công chúng cần nắm rõ mục đích chính của nhóm nhân vật. Có thể dễ dàng nhận ra rằng tuyến ác nhân nhà Marvel rất hay đi theo một công thức chung nhàm chán nào đó.

Động lực tội ác của nhóm phản diện Marvel có thể chia ra như sau: muốn làm giàu bằng cách buôn bán vũ khí - với Obadiah Stane (Jeff Bridges), Aldrich Killian (Guy Pearce), Yellowjacket (Corey Stoll) hay Vulture (Michael Keaton), chiếm thế giới - với Hela (Kate Blanchett), Malekith (Christopher Eccleston) hay Alexander Pierce (Robert Redford), trả thù các siêu anh hùng - với Helmut Zemo (Daniel Brühl), Whiplash (Mickey Rourke).

Không có nhiều gương mặt phản diện của Marvel Studios để lại dấu ấn trong lòng khán giả.

Dĩ nhiên, một kẻ bị chi phối bởi sự tham lam, ham muốn trả thù hay quyền lực rất dễ đi đến tội ác. Các nhân vật phản diện kể trên đều tuân thủ quy tắc ấy, nhưng chắc chắn không thể mang đến cho người xem sự thú vị hoặc đột phá cần thiết.

Song, thành công vang dội về mặt doanh thu dường như khiến Marvel gần như không dám bước ra khỏi “vùng an toàn”. Họ đồng thời vô tình khiến cho các siêu anh hùng trở nên hời hợt khi chẳng có thêm yếu tố tâm lý nào mới hơn lý tưởng trái ngược với kẻ thù.

Hậu quả nhàm chán có thể thấy rõ khi Ronan (Lee Pace) muốn giết hết người dân Xandar, còn nhóm Vệ binh dải Ngân hà muốn cứu họ. H.Y.D.R.A. âm mưu nô dịch nhân loại, còn Captain America (Chris Evans) cho rằng điều đó là sai trái. Hela muốn tàn sát tất cả, nhưng Thor (Chris Hemsworth), Hulk (Mark Ruffalo) và Valkyrie (Tessa Thompson) thì không.

Sự xung đột giữa các tuyến nhân vật được phân chia thành hai màu trắng - đen rõ rệt. Và đó chính là cơ sở giúp lần lượt Loki, Killmonger hay Thanos sở hữu lượng người hâm mộ chẳng kém gì các siêu anh hùng.

Loki không hề xấu xa

Ba gương mặt phản diện đáng nhớ nhất của Marvel thực tế luôn có điểm chung với cả siêu anh hùng lẫn các “đồng nghiệp” khác. Tuy nghe có vẻ vô lý, nhưng đây chính là điều biến họ trở nên có chiều sâu.

Loki, Killmonger, Thanos đều có chung mục đích với “kẻ thù”, nhưng cách thức hành động thì hoàn toàn khác biệt. Nhờ đó mà siêu anh hùng và ác nhân trở thành hai mặt của một đồng xu, cùng tồn tại, nhưng đồng thời còn triệt tiêu lẫn nhau.

Loki được hâm mộ chẳng kém gì Thor trong loạt phim về Thần Sấm.

Điển hình như Loki - tay ác nhân có lượng người hâm mộ hùng hậu thông qua phần diễn xuất của Tom Hiddleston. “Vị thần lừa lọc” ngày một phạm thêm nhiều tội lỗi như phản bội, lừa bịp, dối trá, hay thậm chí giết người để chiếm lấy ngai vàng của anh trai Thor.

Nhưng tại sao Loki lại được người hâm mộ tha thứ và cảm thấy đáng thương hơn đáng trách? Bởi bản thân số phận nhân vật đã là một sự trớ trêu ngay từ ban đầu. Odin (Anthony Hopkins) từng nuôi dưỡng Loki, và giấu nhẹm thân phận con trai vua Khổng lồ Băng Laufey (Colm Feore) của anh.

Ông luôn nói rằng cả Thor lẫn Loki đều có khả năng thừa kế ngai vàng Asgard. Nhưng trên thực tế, Loki chỉ mãi mãi là đứa “con nuôi” của kẻ thù và chẳng thể so bì với Thor. Tất cả tội ác của hắn, xét một cách nào đó, chính là để được vua cha Odin công nhận.

Từ đó, bộ phim Thor (2011) của Kenneth Branagh giống như một vở kịch Shakespeare với lý tưởng đạo đức hết sức mơ hồ. Cả hai đứa con của Odin đều muốn bảo vệ người dân và khiến vua cha tự hào. Điểm khác biệt là Loki sẵn sàng “nhúng chàm” để đạt mục đích, còn Thor thì chọn lối ứng xử như một đức vua anh minh.

Những kẻ phản diện vĩ đại có chung lý tưởng với các siêu anh hùng

Black Panther của đạo diễn Ryan Coogler cũng gần như được xây dựng dựa trên ý tưởng đó, nhưng cộng thêm những ý niệm ngầm về nạn phân biệt chủng tộc nhức nhối xuyên suốt lịch sử nước Mỹ.

Killmonger cho rằng việc vương quốc Wakanda trốn sau bức màn chắn để tách biệt với thế giới là hoàn toàn sai lầm. Và T’Challa (Chadwick Boseman) cuối phim đã quyết định hé lộ toàn bộ sự thật về quê hương cho nhân loại.

Killmonger tin rằng Wakanda có nghĩa vụ phải lên tiếng và hành động để bảo vệ người dân châu Phi vốn đang bị áp bức trên toàn cầu. T'Challa, một lần nữa, dường như đang cố gắng hết sức để hoàn thành nghĩa vụ đó.

Mối quan hệ giữa Black Panther và Killmonger khá giống với Giáo sư X và Magneto trong X-Men.

Ở đây, sự khác biệt về phương thức hành động lại xuất hiện. Trong khi kẻ phản diện muốn sử dụng vũ lực để đạt mục đích, thì siêu anh hùng Black Panther lại chọn cách kết nối và tương trợ.

Cả hai có chung một điểm đến, nhưng lại chọn hai con đường khác nhau. Do đó, chẳng có khái niệm “cái ác” hay “điều thiện” nào là tuyệt đối. Cho đến cuối Black Panther, T’Challa đã hiểu rõ lý tưởng của đối thủ và chọn thực hiện chúng theo cách riêng của bản thân.

Khán giả từng bắt gặp xung đột kiểu này trong xuyên suốt loạt phim X-Men của hãng Fox, mà tâm điểm là mối quan hệ giữa Giáo sư X (Patrick Stewart, James McAvoy) và Magneto (Ian McKellen, Michael Fassbneder). Cả hai đều muốn bảo vệ dị nhân, nhưng người chọn cách thỏa hiệp, kẻ mang tham vọng chiến tranh.

Cuối cùng, Thanos xem ra là nét bứt phá hiếm hoi của Marvel Studios và xứng đáng là gương mặt phản diện của bom tấn thu hơn 2 tỷ USD toàn cầu. Cùng chung mục đích bảo vệ vũ trụ, nhưng tên “Titan điên” có tầm nhìn xa hơn các siêu anh hùng.

Thanos muốn bảo vệ vũ trụ theo cái cách tàn bạo và thực dụng nhất có thể.

Gã trông thấy cái kết hiển nhiên của vũ trụ nếu dân số cứ thế tiếp tục bùng nổ ngoài tầm kiểm soát, trong khi nguồn tài nguyên chỉ có giới hạn. Thanos chọn cách giết một nửa để bảo vệ số còn lại. Tuy hành động đó là hết sức tàn nhẫn, nhưng trong mắt của không ít người, đó là điều cần thiết.

Thor, Black Panther hay Avengers: Infinity War nhờ đó mà trở nên hấp dẫn hơn. Lý tưởng của các siêu anh hùng bị thách thức nghiêm trọng, và không còn điều gì là rõ ràng trắng - đen.

Song, ngay sau thành công của Avengers: Infinity War, Marvel Studios dường như lại đi vào “nề nếp” với Ant-Man and the Wasp (2018) và một nhân vật phản diện nhạt nhẽo.

Kỷ nguyên anh hùng III (Phase III) của MCU sắp sửa khép lại với Avengers 4, và đội ngũ nhà sản xuất hứa hẹn trình làng một thế hệ siêu anh hùng mới. Song, điều họ cần hơn có lẽ là một thế hệ phản diện thuyết phục, chí ít là ngang bằng Loki hay Killmonger, để tạo ra thêm sự hấp dẫn.

Hạ Tuyết
Ảnh: Disney

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/vi-sao-cac-sieu-ac-nhan-cua-vu-tru-marvel-thuong-gay-that-vong-post873418.html