Vén màn bí ẩn 'vụ tấn công' nhà ngoại giao Mỹ

Mặc dù đã dành nhiều nguồn lực trong hơn ba năm để điều tra, Chính phủ Mỹ hiện vẫn chưa xác định được nguyên nhân khiến một số nhà ngoại giao và nhân viên tình báo làm việc tại nước ngoài, cụ thể là Cuba, Trung Quốc và Nga mắc chứng bệnh bí ẩn, bao gồm suy nhược và tổn thương não bộ.

Năm 2016, 21 nhân viên ngoại giao làm việc ở Đại sứ quán Mỹ tại Cuba bỗng dưng ngã bệnh mà không rõ nguồn gốc. Điều kỳ lạ rằng, họ đều ngã bệnh sau khi nghe thấy những âm thanh kỳ lạ, phát ra từ những nguồn không xác định.

Hơn nữa, triệu chứng của 21 nhân viên trên rất khác nhau, không ai giống ai. Theo các báo cáo của chính phủ Mỹ, những triệu chứng chính bao gồm: chóng mặt, mệt mỏi, đau đầu, mất thích giác, mất trí nhớ và thăng bằng.

Khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố nhân viên ngoại giao của Mỹ ở Cuba có thể là nạn nhân của một cuộc tấn công bằng âm thanh và làm tổn thương não bộ của họ. Tình trạng bệnh lý của họ được xác định là “giống như một chấn thương mà không có dấu vết thương tổn”.

Trên các phương tiện truyền thông phương Tây, căn bệnh bí ẩn này được đề cập dưới cái tên “Hội chứng Havana”, và nguồn gốc của nó đến nay vẫn chưa có lời giải đáp rõ ràng.

Đại sứ quán Mỹ ở Havana, Cuba, nơi "hội chứng Havana" lần đầu được ghi nhận. (Nguồn: NY Times)

Hành trình tìm câu trả lời

Trước tình hình nhiều người Mỹ mắc “Hội chứng Havana”, giới chức đặt ra giả thuyết rằng Cuba là thủ phạm. Mối nghi ngờ đã khiến quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Cuba trở nên căng thẳng.

Khi ấy, Tổng thống Donald Trump lập tức phát đi cảnh báo, đồng thời tuyên bố giới ngoại giao Mỹ đang trải qua “các cuộc tấn công có chủ đích”. Sau khi rút nhân viên từ Đại sứ quán Mỹ tại Cuba, ông Trump tiếp tục trục xuất 15 nhà ngoại giao Cuba đang làm việc ở Mỹ. Dù phía Cuba phủ nhận mọi cáo buộc, chính quyền Trump vẫn tiến hành một cuộc rà soát độc lập.

Đến năm 2018, căn bệnh bí ẩn này tái xuất ở Trung Quốc. Mark Lenzi, một nhân viên của Bộ Ngoại giao Mỹ tại Quảng Châu là một trong những nạn nhân của hội chứng bí ẩn trên.

Vào một đêm nọ, ông Lenzi và vợ bị choáng váng, khó ngủ và đau đầu, còn các con của họ bỗng dưng thức giấc và bị chảy máu mũi. Ban đầu, ông nghĩ rằng nguyên nhân là do ô nhiễm không khí, nhưng nó không thể giải thích cho việc mất trí nhớ đột ngột, bao gồm cả việc quên tên các dụng cụ phục vụ cho công việc.

Ngoài ông Lenzi, hàng chục quan chức Mỹ và thành viên gia đình đang sinh sống tại Trung Quốc cũng gặp phải tình huống tương tự.

Tuy nhiên, lần này ông Trump lại chọn phương án mềm mỏng hơn với Trung Quốc. Bởi khi đó phần lớn quan chức Mỹ ở Quảng Châu đang nỗ lực đạt được một thỏa thuận thương mại. Đây cũng là thời điểm ông Trump tìm kiếm sự giúp đỡ của Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm thúc đẩy các cuộc đàm phán hạt nhân với Triều Tiên.

Chính quyền Mỹ khi đó rất kiệm lời khi nói về sự kiện ở Trung Quốc và bác bỏ khả năng có một thế lực thù địch nào đó tạo ra một cuộc tấn công có chủ đích. Tuy nhiên, những tình tiết xảy ra sau đó buộc nhà chức trách phải đi tìm câu trả lời thích đáng.

Cũng trong năm 2017, một vài quan chức của Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) khi đi công tác ở nước ngoài cũng mắc phải các triệu chứng tương tự. Trong đó bao gồm Marc Polymeropoulos, một nhân viên tình báo chuyên điều hành các hoạt động bí mật ở Nga và châu Âu.

Ông Polymeropoulos cho biết, hồi tháng 12, ông bỗng dưng bị chóng mặt nghiêm trọng tại phòng khách sạn của mình tại Moscow rồi sau đó biến chứng thành bệnh đau nửa đầu và suy nhược cơ thể, buộc ông phải về hưu sớm ở tuổi 48. Nói với New York Times, ông Polymeropoulos tin rằng mình là nạn nhân của một vụ tấn công có chủ đích.

Năm 2018, một quan chức chính quyền cấp cao Mỹ cho biết các nhà điều tra đã dỡ tung các tòa nhà nơi các nhân viên ngoại giao nghe thấy những âm thanh lạ nhưng không tìm thấy thiết bị phát thanh nào.

Điều đó khiến cơ quan thực thi pháp luật tin rằng các chấn thương là kết quả của vi sóng được phát ra từ một địa điểm gần đó và “âm thanh” chỉ là một cách để che đậy các cuộc tấn công bằng vi sóng.

Sau khi dồn nhiều nguồn lực để nghiên cứu, ngày 5/12 vừa qua, Viện Hàn lâm Khoa học, Kỹ thuật và Y học Quốc gia kết luận rằng, nguyên nhân khả dĩ nhất gây ra “Hội chứng Havana” là năng lượng tần số vô tuyến, một loại bức xạ bao gồm cả vi sóng.

Theo đó, kết luận trên được một ủy ban gồm 19 chuyên gia trong lĩnh vực y học và các lĩnh vực khác công bố theo yêu cầu của Bộ Ngoại giao Mỹ và nêu rõ, “năng lượng tần số vô tuyến xung, định hướng” là cơ chế hợp lý nhất để giải thích cho căn bệnh kỳ lạ trên. Ngoài ra, vẫn không thể loại trừ các yếu tố phụ khác.

Theo New York Times, mặc dù được trình bày bằng ngôn ngữ khoa học, cẩn thận, báo cáo mới cho thấy bằng chứng mạnh mẽ rằng các sự cố trên là kết quả của một cuộc tấn công có chủ ý. Báo cáo cũng cho rằng phơi nhiễm với hóa chất, bệnh truyền nhiễm và các vấn đề tâm lý là nguyên nhân tiềm ẩn hoặc yếu tố làm trầm trọng thêm những tổn thương, nhưng phân tích tổng thể cho thấy những thứ này có vẻ khó xảy ra.

Trong quá trình điều tra, giới chức Mỹ đã đưa ra nhiều kết quả nghiên cứ khác nhau về “thứ vũ khí” gây ra Hội chứng Havana, đó có thể là vũ khí siêu thanh sử dụng sóng siêu âm, sóng hạ âm, hoặc vũ khí điện từ. Thậm chí, hồi năm 2019, nhà khoa học Alexander Stubbs tới từ Đại học California, Berkeley, Mỹ cho rằng tiếng ồn mà các nhân viên ngoại giao Mỹ ở Cuba nghe thấy có thể là tiếng kêu của loài dế đuôi ngắn Ấn Độ. Nghiên cứu độc lập của các nhà khoa học thuộc Cơ quan y tế tỉnh Nova Scotia (Canada) thì lại cho rằng nguyên nhân căn bệnh là do một số loại thuốc diệt con trùng, gây ức chế enzyme hệ thần kinh và ảnh hưởng đến hoạt động của não.

Thủ phạm là ai?

Do các cuộc tấn công diễn ra nhỏ lẻ, và cách xa nhau về thế giới khiến quá trình điều tra bị kéo dài. Ngoài ra, phần lớn các trường hợp liên quan đến nhân viên CIA không được công khai, nhất là khi sự việc lại xảy ra ở Moscow. Điều này khiến một số nhà phân tích cấp cao về Nga trong CIA, các quan chức tại Bộ Ngoại giao Mỹ và các nhà khoa học, cũng như một số nạn nhân, coi rằng nhiều khả năng Nga chính là thủ phạm.

Theo NBC News, sau một thời gian dài điều tra, các cơ quan tình báo Mỹ đều đặt ra nghi vấn nhiều khả năng Nga đứng sau “những vụ tấn công bí ẩn” này. Cáo buộc trên được củng cố thêm dựa vào những bằng chứng thu thập được từ các vụ chặn thu liên lạc hay giới trong nghề vẫn gọi là “tình báo tín hiệu”.

Động cơ chính xác của những hành động này là gì vẫn chưa rõ nhưng các vụ việc đã gây ra rạn nứt trong quan hệ giữa Mỹ và Cuba.

Thế nhưng bằng chứng vẫn chưa đủ thuyết phục để Washington chính thức quy trách nhiệm cho Moscow. Trong tuyên bố của mình, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert cho biết: “Cuộc điều tra vẫn đang diễn ra. Chúng tôi chưa xác định ai phải chịu trách nhiệm về các vụ tấn công sức khỏe này”. Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ cũng từ chối bình luận về vụ việc.

Báo cáo của Viện Hàn lâm cũng nêu ra cảnh báo rằng những vụ việc tương tự hoàn toàn có thể xảy ra trong tương lai, đồng thời khuyến nghị Bộ Ngoại giao Mỹ sớm thiết lập các kế hoạch và quy trình để chuẩn bị cho các mối đe dọa mới có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe và sự an toàn của các nhà ngoại giao Mỹ phục vụ tại nước ngoài.

Tuy nhiên, báo cáo chỉ mang tính chất công bố khoa học, chứ không mang tính chất cáo buộc hay buộc tội bất kỳ ai đứng sau những vụ tấn công nói trên.

Quang Đào

(theo NY Times, NBC)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ven-man-bi-an-vu-tan-cong-nha-ngoai-giao-my-131734.html