Về xã giúp dân thoát nghèo

'Hạnh phúc lớn nhất của tôi chính là được chứng kiến mỗi hộ dân trên địa bàn thoát nghèo, đời sống được cải thiện, ngày càng theo kịp với nhân dân vùng xuôi'... Đó là tâm sự của Thiếu tá Lò Văn Cần, Phó bí thư đảng ủy tăng cường xã Yên Khương, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa.

Với hơn 20 năm công tác và trưởng thành trong lực lượng Bộ đội Biên phòng, từng gắn bó mật thiết với bà con các dân tộc khu vực biên giới, từ các địa bàn khu vực Tây Bắc đến các huyện biên giới vùng sâu, vùng xa tỉnh Thanh Hóa, dù trên cương vị nào, Thiếu tá Lò Văn Cần luôn đem hết tinh thần, trách nhiệm, nói đi đôi với làm, tích cực giúp người dân địa phương xóa đói, giảm nghèo với nhiều mô hình, cách làm hay và hiệu quả.

Đầu năm 2014, Lò Văn Cần được cấp trên điều động từ Đồn Biên phòng 435 (BĐBP tỉnh Điện Biên) về giữ chức Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Yên Khương (BĐBP tỉnh Thanh Hóa). Là người dân tộc Thái, thông thạo ngôn ngữ, nhận biết sâu sắc phong tục, tập quán của dân tộc mình, anh luôn gần gũi, tận tụy, đem hết tinh thần và trách nhiệm bám bản, tích cực giúp đỡ nhân dân trên địa bàn phát triển kinh tế hộ gia đình hiệu quả.

Đồn Biên phòng Yên Khương quản lý, bảo vệ 7km đường biên giới giáp với nước bạn Lào, địa bàn có 9 thôn, bản với 1.166 hộ/5.250 khẩu, trong đó 97% là người Thái. Đồng bào dân tộc Thái sinh sống bao đời trên địa bàn xã Yên Khương luôn đoàn kết, thương yêu nhau, người dân chăm chỉ lao động sản xuất. Thế nhưng, ở dải đất biên cương, do địa hình, thời tiết khắc nghiệt cùng với việc thiếu đất ở, đất sản xuất nên tình hình phát triển sản xuất của địa phương gặp nhiều khó khăn. Trăn trở, thấu hiểu ước mơ thoát nghèo của bà con, chính quyền địa phương đã tìm nhiều mô hình kinh tế, mong muốn giúp bà con cải thiện đời sống. Tuy nhiên, các mô hình phát triển kinh tế còn manh mún, nhỏ lẻ, tự cung tự cấp... nên việc giải bài toán kinh tế cho đồng bào các dân tộc nơi đây gặp không ít khó khăn.

Thiếu tá Lò Văn Cần hướng dẫn người dân chăm sóc, trồng cây vầu đắng.

Thiếu tá Lò Văn Cần hướng dẫn người dân chăm sóc, trồng cây vầu đắng.

Từ tháng 12-2018, trên cương vị là Phó bí thư Đảng ủy xã Yên Khương, Thiếu tá Lò Văn Cần luôn trăn trở làm sao để người dân xã mình bỏ tập quán lạc hậu và nâng cao chất lượng cuộc sống. Nghĩ là làm, ngay từ những ngày đầu về công tác tại đơn vị, thực hiện phương châm "ba bám, bốn cùng", anh đã cùng cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị thường xuyên đến khảo sát từng gia đình, thôn bản; chủ động tham mưu cho đơn vị và chính quyền địa phương vận động nhân dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi... Sau khi nghiên cứu, khảo sát tình hình thực tế về khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, anh đã đề xuất với Đảng ủy, chỉ huy đồn, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, nhân rộng nhiều mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình, như mô hình trồng cây vầu đắng, trồng nấm bào ngư, nuôi vịt... Tất cả các mô hình trên đều đang phát triển tốt, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Huyện Quan Sơn, Thanh Hóa quê anh, thổ nhưỡng khí hậu gần giống như địa bàn anh đang đóng quân, bà con đã phát triển cây vầu đắng thành công. Nhận thấy đây là cây trồng khỏe, không tốn công chăm sóc và có thể thu hoạch quanh năm, lợi nhuận cao gấp 2-3 lần so với trồng lúa, ngô, khoai sắn... Anh tham mưu với Đảng ủy, chỉ huy Đồn Biên phòng Yên Khương phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền tuyên truyền, vận động nhân dân trồng cây vầu đắng. Bộ đội làm trước để nhân dân làm theo, hàng vạn cây vầu đắng đã được cán bộ, chiến sĩ trồng dọc tuyến đường tuần tra biên giới và các khu đất trống, đồi trọc. Chỉ với thời gian chăm sóc hai năm, cây vầu đắng đã cho thu hoạch, thời gian thu hoạch dài tới 40 đến 50 năm. Theo đánh giá của cán bộ khuyến nông huyện, sau một thời gian triển khai, cây vầu đang phát triển và sinh trưởng tốt, có tỷ lệ sống trên 90%, ít bị sâu bệnh, phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương. Diện tích vầu ở xã Yên Khương đã được mở rộng lên 215,4ha, trong đó có 6 trên tổng số 9 bản với 215 hộ tham gia mô hình thu được kết quả tốt.

Ông Vi Văn Thu, Phó chủ tịch UBND xã Yên Khương phấn khởi cho biết: Giá khai thác vầu đắng là 170.000 đồng/100kg. Một ngày, bình quân một gia đình, hai vợ chồng có thể khai thác 200-300kg, mang lại thu nhập từ 600.000 đến 700.000 đồng. Nhiều hộ gia đình trên địa bàn xã đã mở rộng diện tích và lựa chọn vầu đắng là cây trồng chủ lực đem lại hiệu quả kinh tế cao, tiêu biểu như gia đình chị Lữ Thị Bảy, anh Lương Văn Lai, ông Hà Văn Quỳnh...”. Cũng theo ông Thu, Thiếu tá Lò Văn Cần không chỉ hướng dẫn tạo mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình cho địa phương, chính bản thân anh cũng đang tổ chức vườn ươm vầu đắng trên diện tích 400m2, mỗi năm anh cung cấp cho nhân dân địa phương hàng vạn gốc vầu giống, nhằm nhân rộng mô hình trồng vầu đắng trên địa bàn.

Chúng tôi đến thăm gia đình ông Hà Văn Quỳnh ở thôn Chí Lý Nặng Đanh, một trong những hộ dân trồng cây vầu hiệu quả, với hơn 4ha. Ông Quỳnh cho biết: “Từ sự hướng dẫn của cán bộ Cần, gia đình tôi đã tổ chức trồng ngay. Tôi thấy trồng cây vầu rất hiệu quả. Trên 4ha đất hoang trước đây, nay đã phủ một màu xanh mướt, có những cây vầu đắng cho đường kính từ 7 đến 10cm. Mỗi bộ vầu có tỷ lệ sinh măng mỗi lứa từ 5-7 cây. Rừng vầu của gia đình tôi đã có thể cho chặt tỉa và đem lại thu nhập cho gia đình. Năm tới gia đình tôi sẽ chuyển một số diện tích cây kém hiệu quả sang trồng vầu”...

Từ mô hình trồng vầu đắng, đến nay trên địa bàn xã Yên Khương đã thành lập được 2 hợp tác xã với gần 50 thành viên là các hộ gia đình tham gia, tổ chức sản xuất, chế biến các sản phẩm từ cây vầu đắng. Đây thực sự là hướng đi mới, với tiềm năng rất lớn đối với nhân dân xã Yên Khương trong thời gian tới.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định: Phát triển kinh tế hộ gia đình, phát triển kinh tế lâm nghiệp, trên cơ sở lấy cây vầu đắng làm trọng tâm cho nhiệm kỳ tới... “Chúng tôi đang phấn đấu trong năm 2021, trên địa bàn toàn xã sẽ phát triển được hơn 500ha trồng cây vầu đắng. Theo tính toán của chúng tôi, 1ha vầu đắng, từ năm thứ 3, mỗi năm cho thu nhập từ 50 triệu đồng trở lên. Do đó, mô hình trồng vầu đắng sẽ là khâu then chốt để nhân dân địa phương thoát nghèo, sớm về đích trong xây dựng nông thôn mới”, ông Vi Văn Thu chia sẻ.

Từ những mô hình phát triển kinh tế của Thiếu tá Lò Văn Cần, trong những năm gần đây, mô hình trồng vầu đắng tại xã Yên Khương đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần xóa đói, giảm nghèo, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế cho bà con trong xã. Nếu như năm 2010, thu nhập bình quân đầu người đạt 8 triệu đồng thì năm 2020 đạt khoảng 20 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 15,17%.

Cùng với việc giới thiệu, hướng dẫn nhân dân phát triển kinh tế hộ gia đình theo hướng đưa khoa học kỹ thuật vào trồng cây vầu đắng, các mô hình khác như trồng nấm bào ngư, nuôi vịt có giá trị kinh tế cao được anh Lò Văn Cần tham mưu cho cấp ủy, chính quyền tổ chức rất hiệu quả. Năm 2020, anh cũng đã trực tiếp tham mưu cho Đảng ủy, chỉ huy đồn Biên phòng Yên Khương cấp 600 con vịt giống, cùng với thức ăn ban đầu; cung cấp giống, kỹ thuật nuôi trồng nấm bào ngư cho các hộ nghèo, gia đình chính sách trên địa bàn.

Không chỉ tuyên truyền vận động nhân dân phát triển các mô hình kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, trên cương vị là Phó bí thư Đảng ủy tăng cường, Thiếu tá Lò Văn Cần đã tích cực đề xuất nhiều giải pháp giúp cấp ủy, chính quyền xã biên giới Yên Khương củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị. Là Phó bí thư Đảng ủy, anh đã trực tiếp bám bản, gắn bó mật thiết với từng người dân, qua đó phát hiện, sàng lọc, lựa chọn các quần chúng ưu tú, bồi dưỡng đối tượng nguồn, giới thiệu để cấp ủy phát triển đảng viên. Riêng năm 2019, Đảng bộ xã kết nạp được 13 đảng viên, vượt chỉ tiêu 113%; năm 2020, kết nạp 7 đảng viên, nâng tổng số đảng viên toàn đảng bộ lên 339 đồng chí. Bên cạnh việc phát triển đội ngũ đảng viên, anh thường xuyên giúp đỡ các chi bộ củng cố nền nếp sinh hoạt, nâng cao chất lượng các buổi sinh hoạt chi bộ thôn bản. Cũng từ việc thường xuyên trực tiếp tham gia sinh hoạt với các chi bộ thôn bản là cơ sở để anh có các đề xuất giải pháp tham mưu cho Đảng ủy trong xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả nghị quyết, kế hoạch về công tác quốc phòng, an ninh trên địa bàn biên giới...

Đánh giá về Phó bí thư Đảng ủy xã tăng cường Lò Văn Cần, đồng chí Lò Văn Quyền, Chủ tịch UBND xã Yên Khương nhận xét: "Đó là người cán bộ gần dân, thương dân, có nhiều đề xuất, giải pháp sáng tạo giúp chúng tôi phát triển kinh tế hiệu quả, mang tính bền vững của nhân dân vùng biên này. Nhờ sự tham mưu đúng, trúng mà việc triển khai thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chính trị, công tác an ninh, quốc phòng; xây dựng, củng cố cơ sở chính trị; xây dựng thế trận lòng dân vững chắc ở khu vực biên giới ngày càng hiệu quả, vững chắc hơn".

Bài và ảnh: HOÀNG KHÁNH TRÌNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ho-so-su-kien/cuoc-thi-viet-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-12/ve-xa-giup-dan-thoat-ngheo-649389