Vẫn xuất hiện xe khách chạy trái tuyến

UBND Thành phố Hà Nội đã yêu cầu các ngành chức năng sắp xếp lại luồng tuyến xe khách cho phù hợp với quy hoạch trước ngày 1/10, tuy nhiên trên nhiều tuyến đường, xe chạy trái tuyến vẫn diễn ra.

Vẫn nhiều xe các tỉnh phía Nam chạy từ bến Mỹ Đình.

Ghi nhận tại truyến đường Phạm Hùng, Khuất Duy Tiến vẫn ghi nhận nhiều xe chạy về các tỉnh Quảng Ninh, Nghệ An, Thanh Hóa vẫn tạt vào lề đường Khuất Duy Tiến bắt khách. Vào giờ cao điểm, các tuyến đường Nguyễn Trãi, Phạm Hùng, Khuất Duy Tiến… có mật độ xe khách dày đặc nhất Hà Nội.

Trên đường Khuất Duy Tiến đoạn qua tòa nhà Viglacera trong những ngày đầu tháng 10 vẫn xuất hiện nhiều xe chạy các tỉnh Quảng Ninh, Hưng Yên, Nam Định, Thanh Hóa… Theo ghi nhận của phóng viên, nút thắt nhất đối với các xe chạy các tỉnh phía Nam xuất phát từ bến Mỹ Đình chính là đoạn từ ngã tư Phạm Hùng - Khuất Duy Tiến - Trần Duy Hưng tới cầu vượt lên đường trên cao. Theo anh Bình, lái xe từ Mỹ Đình – Thanh Hóa cho biết: “Do nga tư thi công, kết hợp xe từ đường 70 đổ vào nên ngã tư thường ách tắc. Xe ra khỏi bến Mỹ Đình phải đến đầu Khuất Duy Tiến mới có đường nối lên cầu trên cao”.

Tại bến xe Mỹ Đình, khi hỏi các quầy vé, hàng chục doanh nghiệp vận tải có xe chạy về các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình... cho biết, họ chưa nhận được bất kỳ thông tin, lệnh di dời nào.

Khi được hỏi các nhà xe và hành khách thuộc các tuyến nằm trong phương án điều chuyển một số tuyến các tỉnh phía Nam từ bến xe Mỹ Đình về bến xe Nước Ngầm đều bày tỏ mong muốn được tiếp tục hoạt động tại bến xe Mỹ Đình. “Từ bến xe Mỹ Đình sẽ thuận tiện đi về các trường học phía tây Hà Nội. Việc chuyển sang bến xe Nước Ngầm chỉ nên thực hiện khi kết nối được hệ thống giao thông như đường sắt trên cao, tàu điện ngầm, xe buýt. Nếu cứ để tình trạng như trên thì người có nhu cầu đi xe lại phải bắt taxi, xe ôm đi từ phía tây thành phố ra bến xe phía Nam chỉ làm gia tăng phương tiện cá nhân, gây ùn tắc cục bộ hơn”, Lê Hùng, sinh viên Đại học Quốc gia cho biết.

Theo lãnh đạo bến xe Mỹ Đình, việc quy hoạch luồng tuyến do Sở GTVT Hà Nội quyết định. Nếu có phương án cụ thể chúng tôi chấp hành. Hiện tuyến xe chạy Nghệ An khoảng 70 chuyến, Thanh Hóa 70 chuyến… Tính tổng số xe chạy các tỉnh phía Nam khoảng 400 chuyến.

Trao đổi với ông Vũ Văn Viện, giám đốc Sở GTVT Hà Nội về tình trạng trên thì được thông tin Sở GTVT Hà Nội đang phải chốt lại phương án di dời các tuyến xe với Bộ GTVT vì liên quan đến các tỉnh. Phương án cụ thể sẽ thông tin lại với báo chí dịp cuối tháng 10.

Trong khi đó, theo Quy hoạch luồng tuyến xe khách của Bộ Giao thông GTVT công bố năm 2015, để tránh luồng tuyến chồng chéo, xe chạy xuyên tâm gây ùn tắc giao thông, với khu vực Hà Nội, thành phố tổ chức sắp xếp lại luồng tuyến theo hướng Bắc - Nam - Đông - Tây. Theo đó, xe khách chạy tuyến các tỉnh phía Bắc phải được chuyển về bến Gia Lâm; xe chạy các tỉnh phía Tây phải chuyển về bến Mỹ Đình, Yên Nghĩa; xe chạy các tỉnh phía Nam phải chuyển về bến Giáp Bát, Nước Ngầm…Cụ thể, các xe chạy các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên phải hoạt động tại bến xe Gia Lâm (phía Bắc); xe chạy các tỉnh Nam Định, Thanh Hóa… phải hoạt động ở bến xe Giáp Bát (phía Nam).

Sau nhiều lần chậm trễ, cách đây 2 tháng Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã có chỉ đạo Sở GTVT, Công an thành phố khẩn trương triển khai nội dung trên. Theo đó, Sở GTVT chủ trì, làm việc với giám đốc các bến xe: Giáp Bát, Nước Ngầm, Mỹ Đình, Yên Nghĩa, Gia Lâm… thống kê toàn bộ số lượng xe đến bến, phân bố, sắp xếp lại số lượng xe khách hoạt động đảm bảo đúng tuyến, đúng luồng. Nội dung này thực hiện theo lộ trình, giảm dần trong tháng 8, 9 và chấm dứt vào ngày 1/10/2016.

Xuân Cường

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/xa-hoi/van-xuat-hien-xe-khach-chay-trai-tuyen-20161019164654910.htm