Văn minh thang máy

Những ngày này, hẳn là bạn thường xuyên được nhắc nhở về quy tắc 'văn minh thang máy' (và như thế là cần thiết). Nhưng ngay từ ngày nhân loại bắt đầu làm quen với thứ thiết bị đã trở thành không thể thiếu trong đời sống hiện đại này, thang máy cũng đã có những quy tắc riêng.

Văn minh thang máy. Ảnh: ST

Vào ngày 23/3/1857, thang máy chở khách đầu tiên trên thế giới bắt đầu được vận hành ở Tòa nhà Haughwout, một cửa hàng bách hóa 5 tầng ở New York. Chủ cửa hàng bách hóa nghĩ rằng sự mới lạ của thang máy sẽ thu hút những người tò mò đến đây và rồi sau đó họ có thể ở lại mua sắm. Sau thành công của chiếc thang chở khách đầu tiên, hàng loạt thang máy khác đã được lắp đặt tại các tòa nhà văn phòng và chung cư ở New York, thúc đẩy sự phát triển các tòa nhà vươn lên cao, cao hơn nữa. Giá trị bất động sản cũng thay đổi: những tầng đắt giá nhất trong một tòa nhà không còn là những tầng gần mặt đất, mà là những tầng trên cùng với tầm nhìn thoáng đãng, tránh xa những bụi bặm ồn ào của đường phố.

Khi đã trở nên phổ biến, những quy tắc ứng xử trong thang máy bắt đầu hình thành. Hướng dẫn sử dụng ghi rõ: ra vào nhanh chóng, quay mặt ra cửa khi vào trong (có thể do một số thang máy ban đầu có đặt băng ghế đối diện cửa vào, vì vậy người sử dụng phải quay mặt ra ngoài một cách tự nhiên). Thế rồi, vào cuối những năm 1880, nam giới tự dưng thấy mình phải đối mặt với một tình huống khó xử: họ có nên bỏ mũ ra nếu một phụ nữ bước vào thang máy? Theo phép lịch sự, khi vào phòng có phụ nữ, nam giới phải bỏ mũ, nhưng thang máy thì là “phòng riêng” hay là “phương tiện giao thông công cộng”? Thời báo New York (The New York Times) năm 1886 đưa ra đề xuất: trong thang máy phục vụ các tòa nhà công cộng đông đúc thì đàn ông có thể đội mũ, nhưng trong khách sạn hoặc các tòa chung cư tư nhân, họ nên bỏ mũ ra!

Một số quy tắc khác dễ dàng được chấp nhận hơn là giữ khoảng cách nhất định với những người đi cùng, nhưng phải mặt đối mặt chứ không quay lưng lại; trò chuyện ở mức tối thiểu và – tất nhiên - không ca hát, huýt sáo, ăn uống hoặc… trung tiện.

Covid-19 đã làm một số quy tắc phải “viết lại”. Số lượng người được phép vào thang máy đang bị hạn chế, nhiều nơi đánh dấu vị trí được đứng trên sàn thang. Bạn nên quay mặt vào các “bức tường” thang, thay vì quay mặt ra cửa hoặc đứng đối diện với bạn đồng hành. Khẩu trang là bắt buộc. Ở Hàn Quốc, không nói chuyện trong thang máy là bắt buộc chứ không chỉ là việc nên làm. Bạn được khuyến khích nhấn các nút trong thang bằng khuỷu tay hoặc chìa khóa xe.

Chỉ có một điều có lẽ không thay đổi: ra, vào khẩn trương. Rốt cuộc, ai muốn dành thời gian “nhốt” mình trong một chiếc hộp có rủi ro lan truyền dịch bệnh, phải không nhỉ? Nghe nói Holywood còn sắp cho ra mắt bộ phim kinh dị mang tên "Corona", trong đó có một nhóm người xa lạ với nhau bị mắc kẹt trong thang máy.

CẨM HÀ

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/van-minh-thang-may-133232.html