Văn hóa lì xì ngày Tết, có phải là 'món nợ' hay không?

Đạo diễn Lê Hoàng được biết đến là người hay gây chú ý với loạt phát ngôn gây sốc về những quan điểm của cá nhân. Mới đây, vị đạo diễn này lại gây tranh cãi rầm rộ trên các trang mạng xã hội khi đăng tải bài viết liên quan đến phong tục lì xì ngày Tết.

Tranh cãi phát ngôn về tiền lì xì

Theo đạo diễn Lê Hoàng, khi chúng ta hỏi 10 người Việt thì phải có 9 người sợ việc lì xì vào ngày Tết và xem đây là một "món nợ". Thậm chí, Lê Hoàng còn khẳng định một cách chắc nịch là "món nợ" này sẽ không khi nào có thể trả đủ.

Vị đạo diễn bày tỏ quan điểm trên trang Facebook của mình: "Nếu một cái Tết không phải lì xì, nhiều công dân sẽ cảm thấy nhẹ trong người, lâng lâng như được sống trên mây. Vì tiền lì xì mà trong ngày xuân, rất nhiều người không dám đi thăm bạn bè.

Vì nghĩ đến tiền lì xì ngày Tết không có mà nhiều công nhân nặng trĩu tấm lòng khi bước lên xe Tết về quê. Lì xì đúng là cái nợ! Phải làm sao để thoát ra? Câu hỏi này may ra Chí Phèo mới trả lời được!".

Đạo diễn Lê Hoàng gây ra nhiều ý kiến trái chiều khi đưa ra quan điểm "lì xì là món nợ" (Ảnh: Internet).

Đạo diễn cho rằng, bao lì xì sẽ quyết định giá trị của một người bởi “Một người tử tế, có danh dự, có phẩm giá, có sĩ diện và có sợ hãi, thường không dám bỏ dưới hai chục ngàn”. Theo ông, đấy phần lớn là mức lì xì ở quê, chứ nhìn chung, lì xì hai chục ngàn là cảm thấy “muối mặt” lắm rồi.

Ông nêu quan điểm, bao nhiêu thứ tiền phải lo như tiền để sửa sang nhà cửa, tiền mua quần áo mới cho con, tiền biếu cha mẹ và mua quà bánh trong nhà nhưng vẫn phải xoay xở để có tiền lì xì cho các cháu.

Vậy mà khi lì xì, có những đứa trẻ tinh tế, đứng khoanh tay cảm ơn, sau đó mới lén đi chỗ khuất, kín đáo kiểm tra chất lượng bên trong. Nhưng cũng vẫn còn những đứa trẻ vô tư, mở phăng ngay trước mặt quan khách, reo lên lanh lảnh hoặc xị mặt nhăn nhó, khiến chủ nhân vừa tủi hổ vừa cay đắng vừa nghẹn ngào.

Theo truyền thống, sáng mùng một Tết, cả gia đình sẽ sum họp lại với nhau thắp hương tổ tiên và cùng nhau vui vầy ăn Tết. Ông bà, cha mẹ sẽ gửi đến đứa trẻ những phong bao lì xì đỏ để lấy lộc đầu năm. Đây được xem như là phong tục chẳng thể thiếu vào ngày Tết cổ truyền Việt (Ảnh: Internet).

Đạo diễn Lê Hoàng cũng khẳng định về quan điểm của mình, ông cho biết: "Không biết bao nhiêu giận hờn, bao nhiêu cãi vã, bao nhiêu tức tối, bao nhiêu tự ái và quê kệch gây ra do tiền lì xì, không sao thống kê hết.

Chả thiếu gì những trường hợp vợ đay nghiến chồng, con nhăn nhó cha, bà bĩu môi cháu do tiền lì xì đem lại". Đạo diễn Lê Hoàng cũng nhận định, tiền lì xì tuy rất nhỏ nhưng lại hậu quả lớn.

Ngay sau khi những quan điểm này được đưa ra đã khiến dư luận tranh cãi dữ dội. Đa số cho rằng từ bao đời nay, việc lì xì ngày Tết trở thành thói quen như một phong tục, nét đẹp văn hóa của người Việt.

Lì xì có gây ra áp lực vô hình?

Chị Hoàng Tú Nhi (TPHCM) chia sẻ, thực chất tiền “lì xì” là phong tục tập quán của người châu Á, người xưa không bao giờ quan niệm cho bao nhiêu mà quan trọng chỉ cần thể hiện rằng lì xì như một biểu tượng cho đi tài lộc may may mắn với người khác trong năm mới.

Chị Nhi khẳng định, lì xì tiền cho các cháu bây giờ đúng là áp lực. “Ngày nay, tiền lì xì ít thì sẽ bị bị nói nọ kia, có mấy đứa nhỏ chả biết bố mẹ giáo dục sao mà vạch hẳn bao lì xì coi ngay trực tiếp rồi bĩu môi, kêu chỉ có mỗi 50 nghìn khiến quan khách muốn muối mặt luôn. Mà lì xì nhiều thì tiền đâu ra khi mình cũng chỉ mới có công việc ổn định”, chị nói.

“Tôi rất ngại đi chơi đi thăm hỏi họ hàng xa gần. Nhưng không đi thì tới lúc gặp sẽ bị nói bóng gió, từ họ hàng gần, xa, hàng xóm tới đồng nghiệp bạn bè”, chị bộc bạch.

Lì xì hay hồng bao là một tên gọi của tục lệ người lớn hơn mừng tuổi trẻ em trong dịp Tết Nguyên đán ở các nước Á Đông, đó là lệ đặt tiền vào chiếc phong bì nhỏ có trang trí màu đỏ hoặc vàng son rực rỡ để mừng tuổi trẻ em (Ảnh thiết kế: Hương Giang).

Chị Phan Thanh Tâm (Đà Nẵng) tâm sự, nếu lì xì 10 - 20 nghìn đồng thì trẻ con sẽ chê. Nhưng lương của chị chỉ khoảng từ 5 - 7 triệu đồng, sắm Tết cho gia đình, cân đo đong đếm tiền về quê biếu ông bà hai bên nội ngoại, không thể nào mà lì xì mỗi đứa 200 - 500 nghìn đồng được.

Theo chị, chưa bao giờ việc lì xì là trách nhiệm và là điều ép buộc người lớn phải làm trong dịp Tết. “Nói ra thì nhiều người tưởng mình chi li tính toán chứ sự thật nó là như vậy, mấy ngày Tết mà lì xì nhiều như thế thì hết hẳn nửa tháng lương. Chả lẽ vì sĩ diện mà ra Tết phải ăn mì gói đợi lĩnh lương”.

Nhiều người hay nói câu “Một năm được có một lần, tính toán chi mấy ngày Tết” nhưng mình không đồng ý, tiền là mình đổ mồ hôi công sức làm ra , mình lì xì bao nhiêu cũng được, lì xì là để lấy may nhưng các bậc phụ huynh bây giờ làm cho nó biến tướng đi.

Lì xì là tuổi thơ, không phải một món nợ...

Tuy nhiên, bên cạnh luồng quan điểm ủng hộ và đứng về phía của đạo diễn Lê Hoàng, thì vẫn có những ý kiến phản bác.

Chị Lê Thùy Dương (Hải Phòng) chia sẻ: “Tôi vẫn rất thích văn hóa lì xì của nước mình. Nó là lộc đầu năm dù nhiều hay ít cũng nên nhận, lì xì chỉ lấy may thôi chứ không phải làm giàu hay trục lợi. Nhiều cá nhân nổi lòng tham thích trục lợi nên mới gây tranh cãi”.

Theo chị, đạo diễn Lê Hoàng nói đúng một phần về hiện trạng bây giờ, vì nói thẳng nên mất lòng người nghe. Nhưng dù vậy, việc bỏ phong tục lì xì là điều không phải muốn là được, nó là nét văn hóa xa xưa ông cha ta để lại, nó đã đi sâu vào tiềm thức của người Việt Nam.

Và hơn hết, hãy tôn trọng tuổi thơ của mình cũng như bao đứa trẻ khác, đều mong đến Tết để nhận lì xì. Chị chốt lại, ý kiến của vị đạo diễn này là không khả thi.

Ý nghĩa của phong bao lì xì không nằm ở số tiền mừng mà quan trọng là ở thiện chí, ý nghĩa tốt đẹp của hành động. Tiền lì xì thường là những món tiền nhỏ, gồm cả tiền lẻ và tiền chẵn (Ảnh: Internet).

Anh Trần Phương Nam (Hà Nội) cũng có đồng quan điểm với chị Dương, anh chia sẻ, vấn đề này xảy ra do có nhiều ba mẹ dạy con cách nhận diện mặt màu và nhận thức về mệnh giá.

“Đối với những đứa trẻ nhà tôi, mừng tuổi ít nó cũng cầm. Nó còn được bố mẹ dặn phải trân trọng dù có là bao nhiêu và không được xem bì trực tiếp lúc đó mà phải để về nhà mới mở bao lì xì. Nói chung là tùy cách bố mẹ dạy con và còn tùy từng đứa trẻ, chứ đừng đánh đồng tội tụi nhỏ”.

Theo anh, lì xì dù ít hay nhiều cũng là lộc đầu năm, vẫn có nhiều em nhỏ rất biết ơn. Có những năm kinh tế khó khăn, tài chính không cho phép anh Nam để tiền to, anh cũng biết sẽ có trường hợp nói vào nói ra, nhưng anh không quan tâm lắm. Bởi anh luôn tâm niệm dù nhỏ bé nhưng đó là lộc may mắn người khác trao cho mình, tích tiểu thành đại, lộc nhỏ thành lộc to qua năm tháng, nên phải rất trân trọng.

Mỗi người đều có những quan điểm trái ngược nhau về câu chuyện lì xì ngày Tết. Còn theo bạn, bạn có ý kiến gì về vấn đề này? Xin để lại bình luận phía dưới bài viết.

Chuyên mục Tôi nói trên Tạp chí Trẻ em Việt Nam là nơi bày tỏ quan điểm, để Trẻ em nói, Cha mẹ nói, Chuyên gia nói xung quanh các vấn đề của cuộc sống thường ngày. Độc giả hãy cùng gửi bài viết, tâm sự, video, podcast chia sẻ suy nghĩ về cho chúng tôi nhé, để cùng lan tỏa yêu thương đến với con trẻ.

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm Tạp chí Trẻ em Việt Nam. Gửi bài tại đây

Hương Giang

Nguồn Trẻ em Việt Nam: https://treemvietnam.net.vn/van-hoa-li-xi-ngay-tet-co-phai-la-mon-no-hay-khong-d1737.html