Vai trò của Nga tại 'điểm nóng' Nagorno-Karabakh

Các cuộc giao tranh giữa Azerbaijan và Armenia tại khu vực Nagorno-Karabakh đã khiến hơn 4.000 người thiệt mạng và 8.000 người bị thương; trong đó có nhiều dân thường vô tội. Với vai trò trung gian hòa giải, Nga đã và đang nỗ lực giải quyết xung đột ở khu vực này cũng như hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng.

Theo Trung tâm Chỉ huy quốc phòng quốc gia (NTSUO) của Nga, Bộ Quốc phòng Nga đã thành lập Trung tâm Ứng phó nhân đạo liên ngành ở Stepanakert, thủ phủ của khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh. Theo TASS, việc thành lập trung tâm này được thực hiện theo chỉ thị của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu trong khuôn khổ sắc lệnh của Tổng thống Vladimir Putin về các biện pháp bổ sung để duy trì hòa bình ở Nagorno-Karabakh.

Nagorno-Karabakh là khu vực nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan. Tuy nhiên, Nagorno-Karabakh lại có đa số dân cư là người gốc Armenia sinh sống và muốn sáp nhập vùng này vào Armenia. Đây cũng là lý do dẫn tới tranh chấp chủ quyền giữa hai nước với đỉnh điểm là cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2-1988 đến tháng 5-1994, khiến khoảng 30.000 người thiệt mạng. Kể từ ngày 27-9 vừa qua, xung đột đã tái bùng phát tại khu vực này. Do hậu quả của các cuộc giao tranh giữa Azerbaijan và Armenia, các vấn đề nhân đạo nghiêm trọng đã nảy sinh ở Nagorno-Karabakh. Theo thông tin được ông Putin đưa ra tại cuộc họp về việc giải quyết các vấn đề nhân đạo ở khu vực này, đã có hơn 4.000 người thiệt mạng, hơn 8.000 người bị thương và hàng chục nghìn người phải đi lánh nạn. Thêm vào đó, nhiều cơ sở hạ tầng dân sự và các di tích văn hóa bị phá hủy.

Lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga tại Nagorno-Karabakh. Ảnh: Ria.ru

Để giúp đỡ người dân ở Nagorno-Karabakh giải quyết những vấn đề cấp thiết, Tổng thống Putin đã quyết định thành lập Trung tâm Ứng phó nhân đạo liên ngành. "Trung tâm sẽ hỗ trợ đưa người tị nạn trở về nơi thường trú của họ, phối hợp với các cơ quan của Azerbaijan và Armenia để khôi phục cơ sở hạ tầng dân sự và tạo điều kiện cho cuộc sống bình thường của người dân ở Nagorno-Karabakh", ông Putin nhấn mạnh. Ngoài ra, trung tâm sẽ làm việc với các tổ chức công để cung cấp viện trợ nhân đạo cho người dân bị ảnh hưởng bởi xung đột; hỗ trợ các cơ quan của Azerbaijan và Armenia thiết lập mối quan hệ hợp tác với các tổ chức nhân đạo quốc tế. Theo thông báo từ Văn phòng báo chí của Điện Kremlin, tham gia làm việc tại Trung tâm ứng phó nhân đạo liên ngành có các đại diện của Bộ Tình trạng khẩn cấp, Bộ Ngoại giao, Tổng cục An ninh Liên bang Nga (FSB) cũng như đại diện của các cơ quan hành pháp khác. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga đảm nhiệm việc giải quyết các vấn đề liên quan đến hoạt động của trung tâm.

Trong nỗ lực giải quyết cuộc xung đột tại Nagorno-Karabakh, Nga cũng đã cử lực lượng gìn giữ hòa bình (GGHB) bao gồm 1.960 binh lính cùng 90 xe bọc thép, 380 phương tiện, thiết bị đặc biệt đến khu vực này. Đây là một phần trong thỏa thuận ba bên về ngừng bắn ở Nagorno-Karabakh vốn được Tổng thống Putin, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev và Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan đặt bút ký ngày 9-11 vừa qua. Lực lượng GGHB của Nga được triển khai dọc theo đường liên lạc ở Nagorno-Karabakh và hành lang Lachin nối Armenia với khu vực này. Nhiệm vụ của lực lượng GGHB Nga là kiểm soát lệnh ngừng bắn và các hoạt động quân sự tại Nagorno-Karabakh. Thời hạn lưu trú của lực lượng này là 5 năm và có thể tự động gia hạn thời gian hoạt động trong 5 năm tiếp theo, nếu không bên nào tuyên bố có ý định chấm dứt áp dụng điều khoản này 6 tháng trước khi hết thời hạn. Theo Bộ Quốc phòng Nga, thành phần nòng cốt của lực lượng GGHB của nước này là các đơn vị thuộc Lữ đoàn súng trường cơ giới độc lập số 15 của Quân khu Trung tâm.

Là đồng Chủ tịch nhóm Minsk thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) cùng với Mỹ, Pháp và có quan hệ mật thiết với cả Azerbaijan và Armenia, Nga đã và đang tích cực tìm cách "hạ nhiệt" căng thẳng giữa hai bên ở Nagorno-Karabakh thông qua đối thoại và các biện pháp hòa bình. Trong bài phỏng vấn gần đây trên kênh RT, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, cá nhân Tổng thống Putin có vai trò quan trọng trong việc giải quyết xung đột giữa Armenia và Azerbaijan tại Nagorno-Karabakh. Trước khi thỏa thuận ngừng bắn được ký kết, ông Putin đã dành nhiều thời gian để điện đàm với Tổng thống Azerbaijan và Thủ tướng Armenia.

Tìm kiếm biện pháp hòa bình cho các cuộc xung đột trên thế giới cũng luôn là chủ trương của nước Nga dưới thời Tổng thống Putin. Trong bài phát biểu qua video được phát tại kỳ họp Đại hội đồng (ĐHĐ) LHQ khóa 75 hồi tháng 9 vừa qua, nhà lãnh đạo Nga khẳng định Moscow sẽ nỗ lực hết sức để giải quyết hòa bình các cuộc khủng hoảng và xung đột. Đối với vấn đề Nagorno-Karabakh, Nga đã có công sức rất lớn khi khiến hai nhà lãnh đạo Azerbaijan và Armenia thu hẹp bất đồng, ngồi vào bàn đàm phán và ký kết thỏa thuận ngừng bắn.

Một lần nữa, nước Nga lại tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng cũng như tiếng nói trong các vấn đề nóng trên thế giới. Những nỗ lực của Nga trong việc hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi xung đột ở Nagorno-Karabakh giúp nâng cao hình ảnh, vị thế đất nước trên trường quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh nước này mới được ĐHĐ LHQ bầu làm thành viên của Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2021-2023.

LÂM ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/khoa-hoc-quan-su/vai-tro-cua-nga-tai-diem-nong-nagorno-karabakh-644436