V-League trong cuộc chiến với COVID-19

Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) cũng như Ban tổ chức giải đang phải đối diện với nhiều khó khăn trong việc tổ chức V-League trước sự ảnh hưởng của đại địch COVID-19. Không những thế, giải đấu còn không có được sự đồng lòng của các đội bóng khi phải đối diện với nhiều kiến nghị kết thúc mùa giải sớm.

Điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tế

Trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, VPF đã có cuộc họp về việc tạm dừng V-League, giải hạng Nhất và Cúp Quốc gia 2020 để phòng chống dịch.

VPF lần thứ 2 tạm hoãn thi đấu V-League 2020 do dịch COVID-19. Ảnh: TTXVN

Theo đó, các trận đấu ở vòng 12 V-League 2020 sẽ không được tổ chức như kế hoạch ban đầu. Đây là lần thứ 2 mùa giải 2020 của bóng đá Việt Nam tạm dừng vì ảnh hưởng của dịch COVID-19. Trước đó, V-League 2020 đã bị hoãn hồi tháng 3 sau khi tổ chức 2 vòng đầu trên sân không có khán giả và trở lại vào tháng 6 với những thay đổi thể thức giải để phù hợp với tình hình thực tế.

"Bóng đá sống bằng tài trợ, trên nguyên tắc đã ký thì phải thực hiện hợp đồng. Nếu chúng ta không thực hiện chắc chắn sai nguyên tắc. Giải bị gián đoạn bởi ảnh hưởng của dịch COVID-19, VPF sẽ đàm phán lại với các nhà tài trợ để làm sao đảm bảo quyền lợi cho họ. Về mặt chuyên môn, với một nền bóng đá quốc gia, giải không thể tổ chức được thì ảnh hưởng đến các ĐTQG. Chúng tôi sẽ cố gắng tổ chức V-League trong điều kiện khó khăn như này" - Chủ tịch VPF Trần Anh Tú.

Nhiều đội bóng đang tham dự V-League 2020 đã có đơn kiến nghị xin kết thúc giải đến từ Quảng Nam, Sông Lam Nghệ An và DNH Nam Định với những lý do được đưa ra là không phải tham gia cuộc đua trụ hạng và không phải chi thêm những khoản tiền đã ấn định cho một mùa giải.

Theo Chủ tịch VPF Trần Anh Tú, việc các đội bóng cuối bảng mong muốn kết thúc cuộc chơi có nhiều lý do được đưa ra, nhưng cơ bản không thuyết phục và không vì cái chung, không vì giải đấu. Người đứng đầu VPF cũng đưa ra quyết tâm tổ chức giải đến cùng, trừ trường hợp bất khả kháng, không được các cơ quan có thầm quyền cho phép mới kết thúc giải sớm.

Đại diện của VFF cũng cho biết, V-League vẫn diễn ra sau khi Ban tổ chức tính toán phương án phù hợp theo từng thời điểm, diễn biến của dịch. Và các kế hoạch của đội tuyển Việt Nam cũng được xem xét theo từng phương án cụ thể từ giải đấu trong nước và lịch thi đấu từ FIFA, AFF để điều chỉnh hợp lý. VFF cũng đồng ý với phương án VPF đổi lịch cúp Quốc gia 2020 thi đấu sớm hơn trong thời gian V-League tạm hoãn.

Theo điều lệ V-League 2020, 6 đội đứng ở nhóm cuối sẽ được tách thành nhóm riêng để thi đấu nhằm xác định 1 suất xuống hạng duy nhất.

Lúc này, nhiều đội bóng không còn đủ kiên nhẫn chờ đợi, khi mọi kế hoạch đảo lộn, ảnh hưởng đến cả các đội tuyển quốc gia. Việc kéo dài giải đấu cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến nguồn tài chính của các CLB, khiến họ rơi vào kiệt quệ khi phải trả lương cho cầu thủ mà không được thi đấu. Bên cạnh đó, nếu giải trở lại và đấu tiếp giai đoạn 2, các CLB cũng không thể bổ sung ngoại binh do người nước ngoài không thể nhập cảnh vào Việt Nam.

Những hệ lụy nếu hủy mùa giải giữa chừng

Có thể, việc xin dừng giải đấu ở thời điểm này có thể giúp nhiều đội bóng khỏi khó khăn nhưng lại đưa Ban tổ chức giải vào thế khó với các nhà tài trợ đã kí hợp đồng tài trợ cho giải. Trong trường hợp bất khả kháng khi các cơ quan nhà nước không cho phép tổ chức, V-League 2020 mới kết thúc sớm.

Sau lần tạm hõa lần trước, nhiều biện pháp được triển khai nhằm đưa V-League 2020 trở lại. Ảnh: TTXVN

Trước khi tình hình dịch bệnh COVID-19 xuất hiện lại ở Đà Nẵng và VPF quyết định hoãn V-League và hạng Nhất 2020 thêm một lần nữa, chưa có giải đấu nào chấp nhận kết quả chung cuộc khi cuộc chơi mới chỉ diễn ra một nửa chặng đường.

Các giải đấu hàng đầu ở châu Âu cũng gần như đã đi trọn vẹn quãng đường, điều đó cho thấy, sự quyết tâm và năng lực điều hành của họ trên cơ sở thực hiện tốt công tác phòng, chống COVID-19. Những giải đấu ở khu vực Đông Nam Á như Thai League (Thái Lan), M-League (Malaysia)… cũng vẫn đang chờ ngày trở lại, chứ chưa tính đến chuyện hủy giải dù rằng tình hình dịch bệnh ở những nước này khá nghiêm trọng.

Mỗi giai đoạn, V-League đều chứng kiến những vụ việc dọa bỏ giải hoặc bỏ luôn bóng đá. Năm 2011, quá bức xúc về những bất cập của V-League tồn tại nhiều năm, có đến 7 đội bóng đòi rời bỏ cuộc chơi để tổ chức giải đấu riêng. Nhưng khi đó, các câu lạc bộ muốn rời bỏ cuộc chơi vì V-League không đáp ứng được kỳ vọng, không xứng đáng với những gì họ đầu tư.

“Bỏ cuộc chơi” giữa chừng khi tình hình khống chế dịch bệnh vẫn đang trong tầm kiểm soát là thể hiện sự bất lực của những người làm công tác điều hành lúc đối mặt với khó khăn, thử thách.

Vì thế, khi cơ hội cho V-League, hạng Nhất tiếp diễn vẫn đang còn ở phía trước thì khoan sớm vội từ bỏ. Việc cần nhất lúc này là sự chung sức của tất cả để đối phó với dịch COVID-19.

Mùa giải 2020 vẫn sẽ tiếp tục trong thời gian tới và Công ty VPF cũng đã sẵn sàng kế hoạch khi tình hình bình thường trở lại. Theo ông Trần Anh Tú, giải đã có kế hoạch kết thúc vào ngày 31/10. Nhưng trong tình hình hiện nay, Ban Điều hành sẽ đề xuất các phương án theo từng mốc thời gian một. Và dĩ nhiên là sẽ cố gắng để đưa giải kết thúc theo đúng kế hoạch ban đầu. Trong trường hợp dịch kéo dài và khó tổ chức thì Ban tổ chức sẽ có phương án nữa và nếu AFF Cup dự kiến lùi đến sang năm thì giải có thể thi đấu vào thời gian này.

FIFA hoãn các giải đấu chính thức trong tháng 9/2020 của các Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC), châu Phi (CAF), khu vực Bắc, Trung Mỹ và Caribe (CONCACAF), châu Đại Dương (OFC). FIFA tuyên bố trích Quỹ đoàn kết hỗ trợ mỗi Liên đoàn thành viên 1 triệu USD và 500.000 USD để phát triển bóng đá nữ.

Với sự hỗ trợ này, VFF cũng sẽ nhận được 1,5 triệu USD (tương đương gần 35 tỉ đồng) từ FIFA để bù đắp thâm hụt nguồn thu trong năm 2020 vì COVID-19. Đây là khoản hỗ trợ đáng kể đối với bóng đá Việt Nam trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

L. Sơn/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/bong-da/vleague-trong-cuoc-chien-voi-covid19-20200731071429729.htm