Tuổi trẻ và sự 'đỏ, chín'

Nói về sự tiếp nối của thế hệ sau đối với thế hệ đi trước, người Việt có câu: 'Con hơn cha là nhà có phúc'. Theo quan niệm của người xưa, gia đình nào có con cái giỏi giang, giàu ý chí, nghị lực, biết vươn lên trong cuộc sống, thành đạt trong công danh sự nghiệp, đấy là gia đình có phúc.

Dòng họ nào có nhiều người trẻ học hành tấn tới, thi cử đỗ đạt, đấy là dòng họ hồng phúc. Nhìn rộng ra, quốc gia có một thế hệ trẻ giàu ước mơ, hoài bão, khát vọng vươn lên, không ngại dấn thân, đóng góp sức trẻ, cống hiến trí tuệ, tài năng cho xã hội và phụng sự cộng đồng, đấy là một dân tộc đại phúc.

Một trong những tấm gương lẫm liệt còn sáng mãi đến muôn đời sau là người anh hùng trẻ tuổi Trần Quốc Toản lừng danh trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Sử sách kể lại, vào năm 1282, vua Trần Nhân Tông mở Hội nghị Bình Than để cùng các vương hầu, quan lại bàn kế chống quân Nguyên Mông. Do Trần Quốc Toản còn trẻ tuổi nên vua không cho dự họp bàn. Trần Quốc Toản trong lòng hổ thẹn, phẫn khích, tay cầm quả cam bóp nát lúc nào không biết. Sau đó, Trần Quốc Toản lui về, huy động hơn 1.000 gia nô và người nhà thân thuộc sắm vũ khí, đóng chiến thuyền, viết lên cờ sáu chữ vàng “Phá cường địch, báo hoàng ân”. Hành động bóp nát quả cam của Trần Quốc Toản thể hiện sự dồn nén căm thù giặc sâu sắc, lòng yêu nước nồng nàn và khí phách gan dạ của một anh hùng trẻ tuổi. Tinh thần xông pha, dấn thân ra chiến trường giết giặc lập công của Trần Quốc Toản đã trở thành một trong những biểu tượng đẹp nhất về tuổi trẻ, tài cao, chí lớn.

Thời nào cũng vậy, có những người trẻ làm nên chiến tích, công trạng, đi vào sử sách, được muôn đời ngợi ca, tôn vinh bởi họ rất giàu ý chí phấn đấu, không ngại gian khổ và luôn mang trong mình tinh thần vì nước quên thân, vì dân phục vụ. Cống hiến, hy sinh phải là phẩm chất hàng đầu của người trẻ thì họ mới có thể làm nên việc lớn. Sở dĩ Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ trở thành Tổng Bí thư của Đảng ta ở độ tuổi dưới 35 bởi tổ chức đã sớm nhận thấy những gương mặt trẻ tuổi ấy tràn đầy nhiệt huyệt cách mạng, ham học hỏi, tự nguyện dấn thân vào con đường cứu dân, cứu nước, chấp nhận tù đày, không sợ xiềng xích, gông cùm, sẵn sàng hy sinh vì nghĩa lớn. Sở dĩ Võ Nguyên Giáp được Chủ tịch Hồ Chí Minh phong hàm Đại tướng ở tuổi 37 vì thông qua rèn luyện, hoạt động trong thực tiễn cách mạng, Bác sớm nhận ra tài năng, đức độ của một con người luôn có suy nghĩ và việc làm “Dĩ công vi thượng”. Những người con ưu tú ấy là hồng phúc lớn của dân tộc ta.

Con cái phát lộ tài năng sớm là báo hiệu chữ “phúc” với cha mẹ, gia đình. Nhiều người trẻ phát lộ tài năng sớm là tín hiệu vui cho tổ chức, cơ quan, đơn vị và xã hội. Tuy vậy, tài năng trẻ thời nay muốn thật sự tỏa sáng thì nhất thiết phải được trui rèn trong hoạt động thực tiễn và trải qua nhiều môi trường học tập, lao động, công tác khác nhau. Vì thực tiễn là nơi thử thách, kiểm chứng công bằng về bản lĩnh, ý chí, phẩm chất, năng lực của người trẻ. "Lửa thử vàng, gian nan thử sức". Nếu không trải qua thực tiễn, thiếu thực tiễn, ít thực tiễn, người trẻ không những dễ bị thui chột tài năng mà họ cũng dễ tự đánh mất những phẩm giá thiên lương của mình. Sự “đứt gánh giữa đường”, thậm chí sa ngã, biến chất của một số cán bộ cao cấp trẻ tuổi từng được coi là “con vàng, cháu ngọc” của gia đình, dòng họ và “hạt giống đỏ” của tổ chức, địa phương thời gian vừa qua đã chứng minh điều đó.

Thời nay, người ta hay nhắc đến câu “đỏ mà chưa chín”, hàm ý muốn nói lên một hiện tượng đề bạt, bổ nhiệm “con ông cháu cha” một cách thần tốc, lấy bằng cấp sính ngoại của “hạt giống đỏ” nhằm lòe mắt thiên hạ, khiến cho thiên hạ tưởng họ “chín” về mặt nhận thức, trình độ, nhưng thực ra lại non về tinh thần cống hiến, hy sinh cho cộng đồng, xã hội. Và những người trẻ như thế có thể có tài năng nhưng khó thu phục, quy tụ được lòng dân. Do vậy, nếu họ vẫn được đặt ở chỗ “ngồi êm, ngồi cao” thì cũng khó cống hiến tốt nhất cho xã hội.

THIỆN VĂN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/tuoi-tre-va-su-do-chin-655096