Từng gắn bó khăng khít, quan hệ Nga-Czech đứng trước nguy cơ tan vỡ

Theo trang Bloombergquint.com ngày 19/4, Nga có thể đã mất một trong những đồng minh thân cận nhất của mình ở châu Âu khi các chính trị gia ở Czech cuối cùng đã đoàn kết chống lại Nga và kêu gọi các đồng minh của họ làm điều tương tự.

Đại sứ quán Czech tại Moscow, Nga. (Nguồn: EPA-EFE)

Nga-Czech trả đũa lẫn nhau

Bằng cách đổ lỗi cho Moscow về các vụ nổ kho đạn ở làng Vrbetice (miền Đông Czech) năm 2014 và trục xuất 18 nhân viên Đại sứ quán Nga tại Czech, các nhà lãnh đạo ở Prague đã nhấn mạnh mối quan ngại ngày càng gia tăng của phương Tây về các hành động của Tổng thống Putin khi Mỹ trừng phạt Nga vì can thiệp vào bầu cử, quân đội Nga triển khai ồ ạt ở biên giới Ukraine và tình hình sức khỏe của nhân vật đối lập bị giam giữ Alexey Navalny trở nên tồi tệ hơn.

Nga đã trả đũa trong một động thái mà chính phủ Czech cho biết "đã làm tê liệt gần như hoàn toàn hoạt động của Đại sứ quán Czech ở Moscow".

Quyết định của Prague cũng báo hiệu một sự thay đổi trong chính sách đối ngoại bị chia rẽ ở một quốc gia mà Nga từng sử dụng để gia tăng ảnh hưởng của mình trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU).

Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2013, ở châu Âu, Tổng thống Czech Milos Zeman cũng là một trong những người ủng hộ mạnh mẽ nhất cho mối quan hệ chặt chẽ hơn với Moscow và Bắc Kinh.

Ông Zeman đã sử dụng vai trò của mình để phản đối các biện pháp trừng phạt của Mỹ hay EU với Nga liên quan đến các cuộc xung đột ở Ukraine và vụ đầu độc cựu điệp viên Nga Sergei Skripal ở Anh.

Nhưng lần này, trong một hành động đoàn kết hiếm hoi, ông Zeman đã đứng về phía chính phủ Czech, gây căng thẳng ngoại giao với Nga.

Ông Jiri Ovcacek, người phát ngôn của Tổng thống Czech cho biết trên Twitter: "Tổng thống (Zeman) đã nhận được tất cả thông tin. Các đại diện cao nhất theo Hiến pháp đang phối hợp hành động".

Trong khi đó, Thủ tướng Czech Andrej Babis nêu rõ, chính phủ có sự "ủng hộ tuyệt đối" của Tổng thống.

"Nước cờ" của Czech

Czech đã trục xuất số lượng lớn chưa từng có các nhà ngoại giao sau khi cáo buộc các đặc vụ của Cơ quan Tình báo quân đội Nga (GRU) có liên quan đến vụ nổ kho đạn ở phía Đông Nam nước này hồi tháng 10/2014.

Prague đã liên hệ vụ nổ này (khiến 2 người thiệt mạng và hàng trăm người phải sơ tán khỏi các làng mạc xung quanh) với vụ ám sát cựu điệp viên Nga Skripal năm 2018.

Đáp lại, Nga bác bỏ cáo buộc và trục xuất 20 nhà ngoại giao Czech khỏi Moscow, một phản ứng mà Prague gọi là "không cân xứng".

Bộ Ngoại giao Nga cho biết, quyết định của Czech dựa trên “những điều đã được tạo sẵn”, đồng thời cáo buộc Prague “cúi đầu” trước áp lực từ Washington.

Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh: “Trong sự vội vàng làm hài lòng Mỹ sau các lệnh trừng phạt gần đây của Mỹ đối với Nga, nhà chức trách Czech thậm chí còn thể hiện quá mức so với các đồng minh của họ”.

Theo hãng tin CTK, Quyền Ngoại trưởng Czech Jan Hamacek nói với các phóng viên rằng chính phủ hiện đang tranh luận về các bước tiếp theo chống lại Nga. Ông cho biết đã yêu cầu các đối tác EU, trong một cuộc họp trực tuyến ngày 19/4, thể hiện sự đoàn kết bằng cách đưa ra tuyên bố hoặc có thể trục xuất các sĩ quan tình báo Nga.

Về phần mình, ông Josep Borrell, Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại của EU, khẳng định EU ủng hộ “sự thống nhất và đoàn kết" của chính phủ Czech nhưng chưa đưa ra yêu cầu "trục xuất rộng rãi các nhà ngoại giao Nga".

Sự thay đổi lớn nhất sẽ nằm ở Tổng thống Czech Milos Zeman. (Nguồn: CTK)

Ngoại trưởng Lithuania Gabrielius Landsbergis cho biết, Nga đã chứng minh rằng họ “về cơ bản hỗ trợ chủ nghĩa khủng bố”.

Phát biểu sau cuộc họp, ông Landsbergis nêu rõ: “Chúng ta nên xem xét cách chúng ta có thể giảm số lượng điệp viên Nga ở EU dưới vỏ bọc ngụy trang là các nhà ngoại giao”.

Tuần trước, ông Hamacek đã đề nghị tổ chức hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Putin tại Prague để xoa dịu căng thẳng giữa hai siêu cường, nhưng khả năng điều đó xảy ra bây giờ là rất mong manh.

Nhưng sự thay đổi lớn nhất sẽ nằm ở Tổng thống Zeman. Ông đã thúc đẩy sự tham gia nhiều hơn trong gần một thập kỷ, gần đây nhất là kêu gọi tăng cường đầu tư của Nga và chấp nhận vaccine ngừa Covid-19 của Nga, vốn chưa được các cơ quan quản lý EU phê duyệt.

Tổng thống Zeman đã sa thải Bộ trưởng Y tế Jan Blatny trong tháng này sau khi cáo buộc ông Blatny để cho nhiều người tử vong vì Covid-19 do từ chối sử dụng vaccine của Nga và Trung Quốc.

Trong khi ông Zeman là người lên tiếng ủng hộ các công ty Nga tham gia vào việc mở rộng nhà máy hạt nhân Dukovany trị giá 7 tỷ USD, các chính trị gia Czech từ cả hai phía đã vội vã cho rằng gần như chắc chắn Nga sẽ bị loại khỏi cuộc đấu thầu.

Tomas Pojar, một cựu quan chức ngoại giao Czech, nhận định: “Đây (việc trục xuất các nhà ngoại giao) là một đòn giáng mạnh vào quan hệ Nga-Czech. Nga bây giờ sẽ tìm cách tự vệ".

(theo Bloombergquint)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tung-gan-bo-khang-khit-quan-he-nga-czech-dung-truoc-nguy-co-tan-vo-142846.html