Từng bước khống chế được dịch bệnh trên trâu, bò

Hiện nay, dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò đang lan rộng ở nhiều địa bàn trên cả nước gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi. Đây là một căn bệnh truyền nhiễm ở gia súc đã có hàng trăm năm trên thế giới nhưng lần đầu xuất hiện tại Việt Nam. Nghệ An và Hà Tĩnh đang triển khai đồng bộ nhiều biện pháp và từng bước khống chế được dịch bệnh.

Nỗ lực dập dịch

Từ tháng 12-2020, dịch viêm da nổi cục ở trâu, bò xuất hiện tại Hà Tĩnh và sau đó nhanh chóng bùng phát ra tất cả 13 huyện, thị xã, thành phố. Dịch bệnh đã làm hơn 1.100 con trâu, bò chết và phải tiêu hủy.

Hiện nay, tỉnh Hà Tĩnh đã thành lập các đoàn kiểm tra, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên xuống cơ sở hướng dẫn, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch; tăng cường công tác giám sát dịch bệnh để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm khi có dịch bệnh mới được phát hiện; xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, không báo cáo, tự ý giết mổ tiêu thụ gia súc bị bệnh, vứt xác gia súc ra môi trường dẫn đến dịch lây lan rộng. Tính đến cuối tháng 4-2021, hơn 118.700/145.900 con trâu, bò của 13/13 huyện, thị xã, thành phố tại Hà Tĩnh (đạt hơn 81%) đã được tiêm phòng vaccine. Đến nay, dịch bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò tại Hà Tĩnh đã từng bước được kiểm soát.

Tiêu độc khử trùng để phòng, chống dịch viêm da nổi cục tại huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: TIẾN DŨNG

Tiêu độc khử trùng để phòng, chống dịch viêm da nổi cục tại huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: TIẾN DŨNG

Tại Nghệ An, dịch bệnh đã lan rộng tại hầu hết các địa phương trong toàn tỉnh. Để phòng, chống dịch bệnh, tỉnh Nghệ An triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, huy động các nguồn lực tập trung dập dịch, xem đây là nhiệm vụ chính trị hàng đầu của tỉnh. Các phòng, ban cấp huyện cử cán bộ tăng cường nắm bắt tình hình dịch bệnh; khi nhận được thông tin có động vật nghi mắc bệnh tiến hành ngay điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm, lên phác đồ điều trị cho từng con, tiến hành khử trùng diện rộng và kiểm soát nghiêm việc vận chuyển, mua bán gia súc trong mùa dịch. Các cơ quan chuyên môn về chăn nuôi, thú y, nông nghiệp bám nắm cơ sở, tăng cường kiểm tra và triển khai các biện pháp dập dịch; tuyên truyền cho người dân về căn bệnh mới này và cách phòng tránh. Nghệ An bước đầu đã huy động 28.000 liều vaccine và 2.000 lít hóa chất tiêu độc khử trùng đặc hiệu diệt các loại côn trùng trung gian gây bệnh.

Cần đồng bộ các giải pháp

Nguyên nhân trực tiếp xảy ra dịch bệnh viêm da nổi cục lần này là do đàn gia súc chưa được tiêm vaccine phòng bệnh. Mặt khác, chăn nuôi nông hộ chiếm tỷ trọng lớn, các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh sát trùng, phòng bệnh còn hạn chế. Như tại Nghệ An, tổng số đàn trâu, bò lên tới 750.000 con, chiếm 9% tổng đàn trâu, bò của cả nước. Trong số đó chủ yếu là chăn nuôi hộ gia đình, nhỏ lẻ nên việc kiểm soát dịch bệnh rất khó khăn.

Ngoài những nguyên nhân khách quan trên, việc khó kiểm soát dịch bệnh là do hoạt động vận chuyển buôn bán, giết mổ động vật chưa được quản lý chặt chẽ. Như ca nhiễm bệnh viêm da nổi cục đầu tiên ở huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh, nguyên nhân là do hộ gia đình mua con giống ở địa phương khác về và phát bệnh. Sau đó, dịch bệnh bắt đầu lan ra khắp 10 xã, thị trấn, khiến 186 con bị nhiễm bệnh. Qua đây có thể thấy, công tác quản lý, giết mổ, tiêu thụ, vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật cần phải siết chặt hơn nữa. Mặt khác, trong công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc còn gặp khó khăn, bất cập do hệ thống cán bộ thú y của các địa phương còn thiếu và yếu; cán bộ có trình độ chuyên môn thú y chưa nhiều. Ví như ở Nghệ An, hầu hết các xã, phường đều không có cán bộ chuyên trách thú y, mọi công việc dồn vào cán bộ phòng nông nghiệp huyện nên việc cập nhật tình hình ở cơ sở còn chậm. Cùng chung thực trạng, ở Hà Tĩnh, 2/3 số xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh không bố trí được nhân viên thú y có trình độ chuyên môn, phần lớn là kiêm nhiệm. Toàn tỉnh Hà Tĩnh chỉ có 88/215 nhân viên thú y đạt yêu cầu.

Ông Ngô Đức Quỳnh, Phó chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nghệ An kiến nghị: “Về lâu dài, tỉnh cần bố trí cán bộ thú y bán chuyên trách ở cơ sở để góp phần tăng cường hiệu quả hoạt động quản lý chăn nuôi, thú y. Mặt khác, người dân cũng cần chủ động kinh phí để mua vaccine phòng bệnh cho gia súc. Bởi thực tế hiện nay, vaccine hiện không thể đáp ứng đủ và phải nhập từ nước ngoài nên số lượng có hạn”.

Việc phòng, chống dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò cũng như các loại dịch bệnh trên gia súc, gia cầm không chỉ trông chờ vào cơ quan chuyên môn mà cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị. Các tỉnh, thành phố nói chung và Hà Tĩnh, Nghệ An nói riêng cần huy động các nguồn lực cũng như hỗ trợ kinh phí tiêm vaccine cho đàn gia súc; tăng cường cán bộ thú y về cơ sở để phòng, chống, dập dịch. Cơ quan chức năng cũng cần siết chặt hơn nữa việc vận chuyển, mua bán, giết mổ động vật; nâng cao hơn nữa ý thức phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm của người dân. Có vậy, dịch bệnh mới sớm được kiểm soát và đẩy lùi trong thời gian tới.

HOÀNG HOA LÊ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/tung-buoc-khong-che-duoc-dich-benh-tren-trau-bo-659515