Từng bước hóa giải ô nhiễm chất thải chăn nuôi ở Hà Tĩnh

Hiện nay, nhiều địa phương của Hà Tĩnh đang đối mặt với thách thức không nhỏ về ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi gây ra. Trong bối cảnh đó, công nghệ đệm lót sinh học và sử dụng men vi sinh được xem là các biện pháp hữu hiệu để từng bước xử lý vấn đề này.

Chất thải chăn nuôi chưa được xử lý triệt để

Có thâm niên gần 10 năm chăn nuôi lợn, ông Võ Văn Mận (thôn Bình Minh, xã Cẩm Bình, Cẩm Xuyên) cho hay: “Đàn lợn của gia đình thường xuyên duy trì ở mức từ 30 - 40 con/lứa. Tôi đã xây dựng hầm biogas, nhưng do không thể xử lý hoàn toàn chất thải nên chuồng nuôi vẫn bốc mùi hôi thối".

Ông Võ Văn Mận (thôn Bình Minh, xã Cẩm Bình, Cẩm Xuyên) duy trì đàn lợn ở mức từ 30 - 40 con/lứa.

Nhiều năm trở lại đây, chăn nuôi bò theo hình thức nuôi nhốt, nhất là giống bò 3B (bò Belgan Blue Breed) đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân xã Tùng Lộc (Can Lộc). Song, khi tổng đàn bò liên tục tăng (đạt trên 1.000 con) thì người chăn nuôi ở đây phải đối mặt với áp lực về chất thải chăn nuôi thải ra môi trường.

Ông Trần Văn Nhị (thôn Nam Tân Dân, xã Tùng Lộc, Can Lộc) chia sẻ: “Vì nuôi nhốt trong nhà nên phải thường xuyên quét dọn chuồng và đưa chất thải của bò tập trung một khu vực. Tuy nhiên, phân bò thường nặng mùi, không thể đảm bảo vệ sinh được, ảnh hưởng đến sinh hoạt của cả gia đình và bà con lối xóm”.

Ô nhiễm chất thải từ chăn nuôi bò ở xã Tùng Lộc, huyện Can Lộc.

Khi chuồng trại còn xen kẽ trong khu dân cư, nhiều gia đình không chăn nuôi luôn “ngẹt mũi” trong sinh hoạt. Anh Phan Văn Thịnh (thôn Nam Tân Dân, xã Tùng Lộc, Can Lộc) cho biết: “Vì hàng xóm láng giềng nên rất thông cảm nhưng mùi bốc lên làm sinh hoạt bị đảo lộn, ruồi nhặng rất nhiều, đặc biệt là vào sáng sớm và chiều tối, khi chất thải được thải ra".

Hiện nay, tổng đàn lợn toàn tỉnh đạt 400.000 con, đàn bò hơn 169.000 con, đàn trâu trên 69.000 con, đàn gia cầm trên 10 triệu con. Tuy nhiên, chỉ mới có 60% tổng đàn lợn được nuôi theo quy mô trang trại, có đầu tư bài bản về hạ tầng xử lý chất thải; chăn nuôi trâu, bò, gia cầm chủ yếu vẫn đang quy mô nhỏ lẻ, nông hộ.

Toàn tỉnh mới có 60% tổng đàn lợn được nuôi theo quy mô trang trại, có đầu tư bài bản về hạ tầng xử lý chất thải.

Theo đánh giá của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Hà Tĩnh (Sở KH&CN), các phụ phẩm và chất thải chăn nuôi ngày càng gia tăng. Ước tính lượng chất thải chăn nuôi thải ra môi trường tại Hà Tĩnh xấp xỉ 1,5 triệu tấn/năm. Phần lớn chất thải chưa được xử lý, gây tác động đến môi trường sinh thái, đặc biệt là ô nhiễm không khí, nước, đất, do quá trình phân hủy chất thải gây nên.

Ngoài ra, chăn nuôi nông hộ nằm xen kẽ trong khu dân cư có quỹ đất nhỏ hẹp, phương thức nuôi chủ yếu là chăn thả, nhốt vật nuôi gần khu sinh hoạt gia đình; chất thải chăn nuôi không được xử lý mà xả thẳng ra môi trường, gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của người dân.

Thời gian qua, Hà Tĩnh đã tiến hành xử phạt nhiều cơ sở chăn nuôi vi phạm các quy định trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường (không xây dựng bể khử trùng nước thải; thiếu bể biogas, lò đốt xác động vật chết; hố khử trùng...) như các trường hợp: ông Lê Mạnh Hùng - chủ trang trại chăn nuôi lợn thịt công nghiệp tại xã Hương Trà, huyện Hương Khê; bà Nguyễn Thị Nghĩa - cơ sở tại xã Xuân Thành, huyện Nghi Xuân; Công ty CP Đầu tư phát triển Công thương miền Trung - cơ sở tại thị trấn Cẩm Xuyên, huyện Cẩm Xuyên...

Công nghệ đệm lót sinh học và men vi sinh giúp cải thiện môi trường chăn nuôi

Gia đình chị Nguyễn Thị Thoa (thôn Hồng Thịnh, xã Thịnh Lộc, Lộc Hà) là hộ tham gia mô hình sử dụng công nghệ đệm lót trong chăn nuôi lợn của Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm. Chị Thoa cho biết: “Khu vực chuồng nuôi thiết kế 2/3 diện tích để làm đệm lót sinh học. Lớp đệm lót này có chứa vi sinh vật có khả năng lên men, phân giải chất thải của lợn nên hạn chế mùi hôi, khí độc, thân thiện với môi trường".

Gia đình chị Nguyễn Thị Thoa (thôn Hồng Thịnh, xã Thịnh Lộc, Lộc Hà) sử dụng công nghệ đệm lót trong chăn nuôi lợn.

Tại huyện Vũ Quang, sau khi tổ chức đoàn tham quan, học hỏi mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học 4F (Farm - Food - Feed - Fertilizer: trang trại - thành phẩm - thức ăn chăn nuôi - phân bón hữu cơ) của Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm tại tỉnh Thừa Thiên Huế, địa phương đã phối hợp với doanh nghiệp này thí điểm 2 mô hình nuôi lợn trên địa bàn.

Theo đó, các hộ dân đã được hướng dẫn, đầu tư xây dựng lại hệ thống chuồng trại; sử dụng vỏ trấu nghiền làm đệm lót sinh học cùng với chế phẩm vi sinh khử mùi hôi; bố trí vòi uống nước và máng thoát nước thừa một cách khoa học để đệm lót sinh học chỉ dùng cho việc xử lý phân và nước tiểu của lợn (do tập tính của lợn là khi uống nước sẽ bài tiết luôn)...

Qua áp dụng công nghệ này, bà Võ Thị Thanh Kỷ (thôn 1, xã Ân Phú, Vũ Quang) thấy môi trường xung quanh đã giảm ô nhiễm và tiết kiệm được nguồn nước. Bà Kỷ chia sẻ: “Khu vực nuôi không có mùi hôi thối như trước vì các vi sinh vật đã phân hủy phân có trong chuồng trại khi chăn nuôi. Phân sau dọn dẹp được tôi ủ hoai với men vi sinh, rất hữu ích cho bón cam”.

Trong quá trình sử dụng công nghệ đệm lót, khu vực nuôi của bà Võ Thị Thanh Kỷ không có mùi hôi như trước.

Ông Nguyễn Trọng Hương - đại diện Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm chi nhánh Hà Tĩnh thông tin: “Từ năm 2021 đến nay, Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm đã phối hợp với các địa phương tại Hà Tĩnh triển khai 13 mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học theo hướng hữu cơ ứng dụng công nghệ đệm lót. Qua triển khai, mô hình bước đầu giúp người dân thay đổi nhận thức về chăn nuôi lợn sử dụng đệm lót sinh học, thân thiện với môi trường và tạo ra sản phẩm an toàn cung cấp cho người tiêu dùng”.

Từ năm 2021 đến nay, Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm đã phối hợp với các địa phương tại Hà Tĩnh triển khai 13 mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ đệm lót.

Ngoài ra, công ty còn hỗ trợ, hướng dẫn sử dụng chế phẩm men vi sinh để xử lý phân chuồng tạo thành phân bón hữu cơ vi sinh. Hiện nay, công ty đang cung ứng ra thị trường Hà Tĩnh khoảng 1 tấn men vi sinh/năm, tương ứng xử lý được 1.300 tấn chất thải chăn nuôi”. Việc ứng dụng men vi sinh ngày càng nhiều tại các địa phương như: Hương Sơn, Can Lộc, Lộc Hà, Cẩm Xuyên… được xem là giải pháp hữu hiệu, góp phần cải thiện môi trường chăn nuôi, đưa nông nghiệp phát triển theo hướng sinh thái, bền vững.

Thái Oanh

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/nong-nghiep/tung-buoc-hoa-giai-o-nhiem-chat-thai-chan-nuoi-o-ha-tinh/253068.htm