Từng bước đảm bảo an sinh xã hội bền vững

So với năm 2008, đến nay, số lao động Thủ đô tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tăng gần gấp 1,73 lần; số đối tượng tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) tăng gấp 2,2 lần, chiếm 86,1% dân số Thủ đô... Qua 10 năm, công tác BHXH và BHYT của Thủ đô Hà Nội đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần ổn định đời sống người lao động và nhân dân, từng bước đảm bảo an sinh xã hội bền vững.

Đối tượng tham gia ngày càng mở rộng

Theo Giám đốc BHXH thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Hòa, xác định công tác thu, phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT là một trong những nhiệm vụ cơ bản, là yếu tố quyết định sự tồn tại, phát triển của ngành, từ năm 2008 đến nay, BHXH Thành phố đã thu được 189.082,9 tỷ đồng, số lao động và số tiền thu được tăng nhanh qua các năm. Năm 2008 có 920.767 lao động tham gia BHXH, số tiền thu được là 4.310,4 tỷ đồng, đến nay, có 1.598.877 lao động tham gia, số tiền thu năm 2017 là 33.510,7 tỷ đồng. Số lao động tham gia BHXH tăng gần gấp 1,73 lần, số tiền thu BHXH tăng 7,77 lần so với năm 2008. Bình quân mỗi năm số lao động tham gia BHXH bắt buộc mới tăng 65.540 người.

Cùng với đối tượng tham gia BHXH, đối tượng tham gia BHYT được mở rộng và tăng với tốc độ rất nhanh. Năm 2008, có 2.888.390 người được cấp thẻ BHYT, bằng 39,2% dân số Thủ đô. Sau 10 năm liên tục phấn đấu, đến nay Thành phố đã có 6.491.950 triệu người tham gia BHYT (bao gồm cả số thẻ do BHXH Bộ Quốc phòng cấp), tăng gấp 2,2 lần so với năm 2008, chiếm 86,1% dân số Thủ đô.

Giải quyết thủ tục hành chính theo quy trình “Một cửa” tại BHXH Thành phố Hà Nội.

Công tác BHYT học sinh luôn được quan tâm chú trọng, số học sinh tham gia BHYT tăng hàng năm. Hiện nay, toàn Thành phố có 100% số trường từ tiểu học đến đại học tham gia BHYT với trên 1,5 triệu học sinh, sinh viên. Thông qua chương trình BHYT học sinh, các trường đã củng cố mạng lưới y tế nhà trường, quyền lợi của học sinh, sinh viên được đảm bảo từ chăm sóc sức khỏe ban đầu, sơ cấp cứu, cấp thuốc thông thường tại y tế nhà trường đến việc khám chữa bệnh nội trú, ngoại trú, tại các cơ sở y tế.

Kết quả đáng ghi nhận sau 10 năm sáp nhập, số đối tượng tham gia BHYT tự nguyện nhân dân (BHYT hộ gia đình) ngày càng được mở rộng và phát triển. Người dân ngày càng nhận thức rõ quyền và nghĩa vụ khi tham gia BHYT nên số người tham gia ngày một đông, đến nay đã có 1.072.521 người tham gia, tăng 942.987 người so năm 2008, đặc biệt tăng rất nhanh từ năm 2016.

Thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 ngày 29/5/2008 của Quốc hội khóa XII về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh liên quan, ngày 24/7/2008, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam đã ban hành Quyết định số 3902/QĐ-BHXH về việc tổ chức lại BHXH thành phố Hà Nội trên cơ sở sáp nhập, hợp nhất: BHXH thành phố Hà Nội, BHXH tỉnh Hà Tây, BHXH huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) và nhiệm vụ quản lý quỹ, thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT thuộc 4 xã: Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình và Yên Trung thuộc BHXH huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình) chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/8/2008.

Thực hiện Nghị quyết số 132/NQ-CP ngày 27/12/2013 của Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Từ Liêm để thành lập 2 quận và 23 phường thuộc thành phố Hà Nội, BHXH Thành phố thực hiện đầy đủ các bước theo quy định của BHXH Việt Nam quyết định thành lập BHXH quận Nam Từ Liêm và BHXH quận Bắc Từ Liêm, đảm bảo ổn định và đi vào hoạt động từ ngày 1/4/2014. Theo đó, hiện nay, BHXH Thành phố có 14 phòng nghiệp vụ và 30 BHXH quận, huyện, thị xã.

“Xác định rõ việc giải quyết tốt chế độ chính sách BHXH cho người tham gia và thụ hưởng sẽ tạo được niềm tin đối với chính sách BHXH của Đảng và Nhà nước, đồng thời tạo động lực để đẩy mạnh công tác thu, phát triển đối tượng tham gia. Vì vậy, 10 năm qua BHXH Thành phố luôn quan tâm đến công tác thẩm định hồ sơ, giải quyết chế độ BHXH”, Giám đốc BHXH Thành phố Nguyễn Đức Hòa cho biết. Việc giải quyết các chế độ BHXH được thực hiện theo cơ chế “một cửa” với quy trình khép kín, gắn trách nhiệm cá nhân, thể hiện được tính dân chủ, công khai trong giải quyết công việc, tạo điều kiện cho viên chức chủ động và chịu trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ được giao.

Từ năm 2008 đến nay, BHXH Thành phố đã giải quyết kịp thời, đúng đối tượng, đúng chế độ cho 10.692.968 lượt đối tượng thụ hưởng, tăng 15,8 lần so với năm 2008. Qua các năm, BHXH Thành phố đều thực hiện kịp thời đúng chế độ về việc điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH cho đối tượng khi có sự thay đổi về tiền lương tối thiểu hoặc có sự bổ sung, sửa đổi về chính sách BHXH của Nhà nước.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý

Là một trong những địa phương có số đối tượng tham gia và thụ hưởng các chế độ chính sách BHXH, BHYT lớn, đặc biệt sau khi sáp nhập, địa bàn quản lý rộng, lượng hồ sơ tiếp nhận và giải quyết ngày càng tăng, BHXH Thành phố luôn chú trọng đến công tác cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý điều hành và tổ chức thực hiện các khâu nghiệp vụ. Cải cách thủ tục hành chính cũng được lãnh đạo ngành xác định là khâu đột phá nhằm nâng cao hiệu quả công tác, nâng cao chất lượng phục vụ các đối tượng tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT.

Theo đó, BHXH Thành phố đã đầu tư, trang bị tương đối toàn diện hạ tầng công nghệ thông tin như camera giám sát, máy xếp hàng tự động, màn hình cảm ứng tra cứu thông tin tại bộ phận một cửa, hệ thống mạng LAN, WAN hoàn chỉnh, hệ thống giao ban trực tuyến từ Văn phòng đến 30 BHXH quận, huyện.

Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hoạt động nghiệp vụ đã góp phần tự động hóa, đơn giản hóa các quy trình nghiệp vụ, thủ tục hành chính, công khai và minh bạch đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của đối tượng tham gia BHXH, tạo sự công bằng, thuận lợi cho các đơn vị sử dụng lao động và người lao động, đồng thời giúp nâng cao nhận thức và tạo lập mối quan hệ tin cậy của người tham gia với cơ quan BHXH.

Đặc biệt, từ năm 2011, BHXH Hà Nội triển khai hệ thống tiếp nhận hồ sơ, giải quyết thủ tục hành chính theo quy trình “Một cửa”, “Một cửa liên thông”. Theo đó, các thủ tục liên quan đến việc giải quyết chế độ, chính sách BHXH, BHYT được niêm yết công khai tại tất cả các trụ sở của BHXH Thành phố, BHXH các quận, huyện, thị xã và các cơ sở khám chữa bệnh.

Quy trình tiếp nhận, luân chuyển, giải quyết hồ sơ và trả kết quả theo cơ chế “một cửa” được ban hành. Nhờ vậy, việc chuẩn bị hồ sơ, chứng từ của đơn vị, của người lao động được đầy đủ và dễ dàng hơn, loại bỏ được những việc gây khó khăn cho đơn vị và người lao động, người tham gia BHYT cũng hiểu rõ hơn quy định, quy trình trong khám chữa bệnh BHYT.

Thành phố Hà Nội là nơi có số đối tượng hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng lớn nhất cả nước với gần 600 ngàn người. Để tạo thuận lợi cho các đối tượng thụ hưởng, năm 2015, ngành tiếp tục triển khai giao dịch hồ sơ điện tử, tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính viễn thông.

Tính đến nay, BHXH Thành phố đã xây dựng hoàn thiện 13 quy trình thủ tục giao dịch hồ sơ điện tử liên quan đến lĩnh vực thu và cấp sổ thẻ với 58.592 đơn vị sử dụng lao động thực hiện, chiếm 92,3% trên tổng số đơn vị, 90% hồ sơ được trả kết quả thông qua hệ thống bưu chính, tạo thuận lợi cho các đối tượng tham gia. Kết quả ghi nhận qua 10 năm, BHXH Thành phố đã chi trả trên 187 nghìn tỷ đồng đảm bảo kịp thời, đầy đủ, an toàn, đúng quy định với 2 hình thức chi trả qua hệ thống bưu điện và tài khoản ATM.

Bảo Duy

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/tung-buoc-dam-bao-an-sinh-xa-hoi-ben-vung-77765.html