Từ tư duy hệ thống đến hành động hệ thống trong bảo vệ môi trường
Có một dòng sông chảy qua đời người, âm thầm và lặng lẽ. Dòng sông ấy không lên tiếng khi nước trong xanh bị vẩn đục, khi bãi bồi bị xâm lấn, khi rác rưởi tấp vào đôi bờ từng là nơi cá tôm sinh sôi. Cũng giống như rừng, không than phiền khi thân cây bị đốn, đất bị xói lở, chim rừng phải rời tổ đi xa. Thiên nhiên không kêu ca. Nhưng sự im lặng của tự nhiên là cảnh báo sâu sắc nhất cho con người nếu ta chỉ biết giải quyết cái ngọn mà không nhìn thấy gốc rễ của vấn đề.
Có một dòng sông chảy qua đời người, âm thầm và lặng lẽ. Dòng sông ấy không lên tiếng khi nước trong xanh bị vẩn đục, khi bãi bồi bị xâm lấn, khi rác rưởi tấp vào đôi bờ từng là nơi cá tôm sinh sôi. Cũng giống như rừng, không than phiền khi thân cây bị đốn, đất bị xói lở, chim rừng phải rời tổ đi xa. Thiên nhiên không kêu ca. Nhưng sự im lặng của tự nhiên là cảnh báo sâu sắc nhất cho con người nếu ta chỉ biết giải quyết cái ngọn mà không nhìn thấy gốc rễ của vấn đề.


Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan giới thiệu cuốn sách “Kiểm soát rác thải, bảo vệ môi trường” của tác giả Jess French, giúp các bạn nhỏ hiểu về tác hại của rác thải, những việc cần làm để giảm rác thải và bảo vệ môi trường. Ảnh: Phạm Thắng
Chúng ta thường gọi tên một hiện tượng: khói mù, lũ lụt, hạn hán, ô nhiễm không khí, mất rừng… Nhưng môi trường không phải là một tập hợp của những “vấn đề”. Môi trường là một hệ thống,nơi từng dòng nước, nhành cây, lớp đất, làn không khí, và cả hành vi con người kết nối chặt chẽ với nhau. Khi ta quên điều đó, ta dễ sa vào những giải pháp vụn vặt, ngắn hạn, chữa cháy, giải quyết “triệu chứng” mà không chạm vào “căn nguyên”.
Tư duy hệ thống - nhìn thấy những điều thường bị bỏ sót
Tư duy hệ thống là khả năng nhìn thế giới như một mạng lưới tương quan, không tách rời, không cắt khúc. Nó giống như cách một người nông dân giỏi hiểu rằng nếu mình bón phân quá liều, chẳng những cây không khỏe mà còn làm đất bạc màu, sâu bệnh sinh sôi, nước ngầm bị ô nhiễm, rồi vòng vèo trở lại chính vụ mùa năm sau.

Ảnh minh họa. Nguồn: ITN
Trong bảo vệ môi trường, tư duy hệ thống giúp chúng ta có cách tiếp cận mới hơn. Nước không chỉ là tài nguyên, mà còn là dòng sống kết nối giữa thượng nguồn và hạ lưu, giữa người dân miền núi và cư dân đô thị. Rừng không chỉ là cây, mà còn là bầu khí quyển, là chống lũ, là sinh kế của bao cộng đồng bản địa. Rác không chỉ là thứ bỏ đi, mà là tài nguyên chưa được nhận diện đúng cách.
Tư duy hệ thống đòi hỏi ta dừng lại, quan sát, kết nối và đặt câu hỏi “vì sao” trước khi đặt câu hỏi “làm gì”.

Cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên, thanh niên và bà con nhân dân đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, ra quân Chung tay “Làm sạch biển”. Nguồn: kinhtemoitruong.vn
Hành động hệ thống - từ phối hợp đến cộng hưởng
Biết rằng mọi thứ liên kết với nhau, thì hành động của ta cũng phải có tính hệ thống. Không thể giao việc bảo vệ môi trường cho một ngành, một sở, hay một dự án riêng lẻ. Nó đòi hỏi sự phối hợp ngang - giữa ngành tài nguyên, nông nghiệp, công nghiệp, giao thông, xây dựng, giáo dục, y tế, truyền thông…. Nhưng quan trọng hơn, là sự phối hợp dọc - từ trung ương đến tỉnh, xã và tận từng hộ dân.
Hành động hệ thống không dừng lại ở kỹ thuật, không chỉ là công nghệ xử lý rác hay nước thải. Đó còn là việc hài hòa giữa pháp luật, đạo lý và thực tế, giữa mục tiêu phát triển và giới hạn sinh thái.
Khi xử lý một bãi rác, đừng chỉ nghĩ đến xe rác, nhà máy xử lý. Hãy nghĩ đến giáo dục tiêu dùng, thiết kế bao bì, chính sách thu gom, hợp tác xã tái chế, truyền thông cộng đồng, hành vi trẻ nhỏ. Mỗi thứ chỉ là một mắt xích, nhưng nếu ta nối được các mắt xích đó, mới tạo thành dây chuyền hành động bền vững.

Ca sỹ Hà Anh Tuấn và nhà sản xuất - nghệ sĩ Kitaro huyền thoại âm nhạc nổi tiếng người Nhật ca sỹ Hà Anh Tuấn và e kíp rừng Việt Nam đã thực hiện trồng 1.500 cây Chò xanh và Giổi xanh trên khu vực 2 ha đất tại thung Trầu, thuộc địa bàn Vườn Quốc gia Cúc Phương, Ninh Bình
Tư duy hệ thống trong bộ máy hành chính và hệ thống chính trị
Một vấn đề môi trường xảy ra ở cấp xã, như ô nhiễm nguồn nước, rác thải tràn ngập, không thể giải quyết dứt điểm nếu tỉnh không quan tâm, nếu trung ương không có cơ chế phù hợp, nếu sự phối hợp giữa các cấp chính quyền còn rời rạc. Ngược lại, chính sách trung ương, dù đúng đắn đến đâu, cũng khó phát huy hiệu lực nếu không chạm tới thực tế địa phương.
Đã đến lúc bộ máy hành chính cần vận hành như một hệ thống thống nhất, nơi không ai chỉ lo phần việc của mình, mà cùng nhìn vào mục tiêu chung: bảo vệ môi trường là bảo vệ sự phát triển lâu dài, bảo vệ tương lai con cháu.
Khi một Sở Xây dựng phê duyệt quy hoạch, phải đặt câu hỏi: cây xanh đâu? dòng chảy tự nhiên có bị chặn không? Khi một Ban quản lý khu công nghiệp cấp phép đầu tư, phải hỏi: chất thải đi đâu, có hệ thống tái sử dụng không? Khi một xã phát triển du lịch, có tính đến lượng rác phát sinh, hay chỉ đếm số khách?

Người dân tích cực thu gom rác thải, bảo vệ dòng sông không rác. Nguồn: baocamau.vn
Hệ thống chính trị cũng cần tư duy hệ thống
Hội đồng Nhân dân phải chất vấn chính sách bảo vệ môi trường một cách thực chất. Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội phải là tiếng nói của cộng đồng trước nguy cơ suy thoái môi sinh. Cả hệ thống chính trị phải xem bảo vệ môi trường là nội dung xuyên suốt trong phát triển, chứ không phải “gắn thêm” như một trách nhiệm phụ.
Một chính sách đúng chưa chắc tạo ra thay đổi. Nhưng một góc nhìn đúng có thể dẫn đến hàng loạt chính sách tử tế.
Tư duy hệ thống khơi mở cho ta cách tiếp cận mới. Không hỏi “Chúng ta cấm được bao nhiêu?”, mà hỏi “Chúng ta thay thế được bao nhiêu?”. Không chỉ phạt hành vi xả thải, mà khuyến khích mô hình sản xuất tuần hoàn. Không chỉ truyền thông về nguy cơ, mà truyền cảm hứng sống xanh bằng hành động cụ thể, gần gũi.

Cán bộ, hội viên phụ nữ Chiềng Khoi đã triển khai dọn vệ sinh, dọn rác trên dọc 2 bên Suối Tủm. Nguồn: tapchimoitruong.vn
Trở lại với sông và rừng
Dòng sông sẽ tiếp tục chảy. Cánh rừng sẽ vẫn đứng đó, âm thầm, nếu ta không cất tiếng thay cho chúng. Nhưng nếu ta biết nhìn dòng sông như một hệ thống sống, biết hiểu cánh rừng như một mạng lưới sinh kế, thì hành động của ta không còn đơn lẻ.

Thanh niên tham gia trồng cây gây rừng. Nguồn: ITN
Mỗi người dân, từ học sinh, nông dân, doanh nghiệp, đến cán bộ, đều có thể là một tế bào trong hệ thống ấy. Và mỗi tế bào thức tỉnh, là một hệ thống thay đổi. Muốn giữ được môi trường, trước hết phải giữ được tư duy. Muốn hành động hiệu quả, trước hết phải hành động cùng nhau.
Từ lãnh đạo đến cán bộ xã, từ nhà khoa học đến người nhặt ve chai, mỗi người đều giữ một mắt xích trong hệ thống hành động đó.
Trình bày: Duy Thông