Tự sự phố quen

Một mình lang thang đi xe buýt từ nhà ở Thanh Xuân lên Bờ Hồ đi xe với thẻ xe buýt của người già miễn phí. Cánh già thầm cảm ơn lãnh đạo thành phố Hà Nội đã tạo cho người già đi lang thang bằng xe buýt không mất tiền, tha hồ ngủ gật, tha hồ quên đường, cần thiết nhỡ đường liền lại quay lại đi xe buýt khác, miễn là còn leo được lên cái bậc xe buýt hơi cao và luôn phải chống đỡ được những bác tài xe buýt cưỡi xe như cưỡi ngựa vượt nhanh, phanh gấp. Đi bộ lang thang ven hồ ngắm những cây cối quen quen hồi trẻ, cây còn cây mất cũng như cánh già người Hà Nội cũ.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet).

Cây đa cổ thụ cho lá làm con trâu miệng kêu: Nghé ngọ, lấy búp đa thổi bóng, Cây lộc vừng chín gốc già nua ven hồ, Cây gạo được bọn trẻ gọi là cụ gạo vươn cao, để tấm thân già nua cho bọn trẻ nhìn mà giấu đi những bông hoa gạo đỏ tít trên cao như giọt nước mắt người già bẽn lẽn trước trời xuân. Người quá già cũng như cây gạo ven hồ ấy nhỉ . Khi đã quá già, mắt đã mờ chân đã chậm, da dẻ sần sùi như gốc gạo già thậm chí đứng yên bên bờ hồ Hoàn Kiếm, để cho những cô gái trẻ đi qua thi thoảng ghé vào chụp ảnh, để khoe sắc xuân phơi phới với tà áo dài thướt tha hoặc chàng trai áo sơ mi trắng cổ cồn thắt chiếc nơ đen với chiếc quần tây sẫm màu có hai cái dây đeo trước ngực. Bọn trẻ đón xuân bên gốc cây già nua nhiều u bướu mốc rêu, có khi không thấy trên ngọn cây tít cao trên kia có những bông gạo nở đỏ khi tiết trời đã ra giêng nắng mới. Những bông hoa gạo vẫn mỉm cười nhìn đời vô tư như nụ cười của trẻ thơ giống các cụ già, ngơ ngác nhìn Bờ Hồ. Rồi những cây sấu già, cây me già bên các đường phố ven hồ, trong ký ức tôi vẫn như thấy bóng mẹ lưng còng chậm chạp với cái áo nâu đã sờn tay áo, với cái nón cũ đã ngả màu thời gian nghiêng nghiêng che vành khăn vấn màu đen be bé vì tóc đã thưa. Mẹ đang trên đường đi làm từ phố Hàng Bồ để đến hợp tác xã nhặt than ở Cầu Đất, nhặt những viên than chưa cháy hết bé bằng những cái kẹo Hải Châu trong đống than xỉ của nhà máy, tàu hỏa thải ra. Khi sáng sớm đi dưới những hàng sấu già nua trên phố Trần Nguyên Hãn có Cung Văn hóa thiếu niên, sau cơn mưa giông ban đêm, gió đã bứt những quả sấu già ném xuống, cho mẹ của tôi là những người đi đường già lom khom cúi nhặt những quả sấu rụng còn mang vết nứt do rơi từ trên cao, để về có bát nước rau muống luộc, chén nước mắm dầm sấu. Bây giờ tôi có thể mua nhiều hoa tặng mẹ, nhưng mẹ của tôi không còn, thay cho những bông hoa tôi viết vài dòng kính tặng mẹ khi tuổi đã ngoài thất thập.

Trần Văn Quang

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/tu-su-pho-quen-301631.html