Từ Mỹ Lai tới Lockerbie (Phần I)
Cách đây hơn 1 tuần, hai nhân vật bị kết tội giết người hàng loạt đã thu hút dư luận khi tin tức về câu chuyện của họ được loan tải.
Cách đây hơn một tuần, hai nhân vật bị kết tội giết người hàng loạt đã thu hút sự chú ý của dư luận khi tin tức về câu chuyện của họ được loan tải. Abdel Baset al-Megrahi lên một máy bay tại sân bay Glasgow hôm 20/8 sau khi được tự do. (Ảnh: AFP) Một người đã được thả khỏi nhà tù, tiếp tục khăng khăng mình vô tội. Và việc ông này được trả tự do đã bị lên án kịch liệt ở Mỹ trong khi nhiều người khác ở đất nước ông ta đón chào ông ta trở về như một người hùng. Người thứ hai tỏ rõ sự ăn năn về tội ác của mình sau gần 35 năm sống tự do trên chính mảnh đất quê hương, và có rất ít lời bình luận xung quanh việc này. Khi Abdel Baset al-Megrahi, một người Libya bị kết án 27 năm tù vào năm 2001 vì vụ đánh bom máy bay Pan Am số hiệu 103 trên bầu trời Lockerbie, Scotland, được chính phủ Scotland trả tự do vì "những lý do đặc biệt", một cuộc tranh cãi đã nổ ra. Vào ngày 22/8, hãng tin ABC World News đã phát sóng cảnh một số người giận giữ trước vụ thả al-Megrahi. Nó được phát sóng ngay trước một thông tin về lời xin lỗi của William Calley, người đã bị kết án tù chung thân vì tội thảm sát dân thường ở làng Mỹ Lai, Việt Nam. Ngay sau khi Megrahi, người đã thụ án tù được 8 năm, trở về nhà và được đón mừng như một người hùng ở Libya, các quan chức ở Washington lập tức bày tỏ sự bất bình. Đối với Thư ký Báo chí Nhà trắng Robert Gibbs, diễn biến này thật "vô nhân đạo và ghê tởm"; còn đối với Tổng thống Barack Obama, nó thật "đáng chê trách". Calley - người thừa nhận tại một phiên tòa rằng đã đích thân sát hại nhiều dân thường Việt Nam nhưng chỉ bị quản thúc tại gia ba năm sau khi có sự can thiệp của Tổng thống Richard Nixon - nhận được sự hoan nghênh nhiệt liệt từ các thành viên Câu lạc bộ Kiwanis thuộc khu vực Greater Columbus, Georgia, thành phố mà ông này sống những năm tháng tiếp sau cuộc chiến. (Hiện ông này cư trú ở Atlanta). Về vụ Calley, chẳng có gì om sòm và dường như chẳng có ai nghĩ đến việc hỏi Gibbs hay Tổng thống Mỹ bình luận thế nào. Một phần của sự khác biệt trong đối xử là thời gian và sự ăn năn hối cải của Calley, mặc dầu chậm trễ nhiều thập niên, về việc đã tàn sát không ghê tay hơn 500 thường dân vô tội ở Việt Nam. "Chẳng có ngày nào trôi qua mà tôi không cảm thấy hối hận về những gì đã xảy ra ngày hôm đó ở Mỹ Lai", cựu binh tham chiến ở Việt Nam nói trước đám đông. "Tôi cảm thấy có lỗi với những người dân Việt Nam bị sát hại, với gia đình của họ, cũng như những lính Mỹ dính líu đến vụ thảm sát này. Tôi rất xin lỗi". Về phần mình, Megrahi - hiện đang mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối - thừa nhận rằng người thân của 270 nạn nhân vụ đánh bom Lockerbie "căm ghét tôi. Thái độ như vậy cũng là tự nhiên... Họ tin rằng tôi phạm tội ác, nhưng thực sự tôi vô tội. Một ngày, sự thật sẽ phơi bày. Chúng tôi có một câu ngạn ngữ Ảrập: Sự thật không bao giờ chết". Trung úy William L. Calley (phải) thời còn trong quân ngũ. Ảnh Corbis. Chủ nghĩa biệt lệ Mỹ Calley bị buộc tội trước cái chết của hơn 100 dân thường và bị kết tội sát hại 22 người ở một ngôi làng, còn Megrahi bị kết tội giết 270 người trên một chuyến bay. Hầu hết mọi người đều thấy rằng thật là quá đáng khi chính phủ Scotland cho phép một tên giết người hàng loạt trở về nước. Thế nhưng, dường như chẳng ai nghĩ rằng thật là nực cười khi một kẻ giết người hàng loạt khác đang được sống tự do ở chính đất nước mình lâu đến như vậy. Gia đình các nạn nhân vụ Lockerbie được báo chí khắp nơi phỏng vấn. Còn khi câu chuyện của Calley vỡ lở, không một phóng viên Mỹ nào nghĩ đến đến việc tìm đến các gia đình nạn nhân ở Mỹ Lai, chứ đừng nói đến việc phỏng vấn họ rằng họ nghĩ gì về lời xin lỗi của một cựu sĩ quan Mỹ đã tham gia giết hại những người yêu quý của họ. Cho dù phản ứng chính thức về Megrahi là gì, thì việc vắng bóng những bình luận về Calley cho thấy một sự ác cảm lâu nay của người Mỹ khi đối diện với những gì họ làm ở Việt Nam và người dân nước này trong cuộc chiến vốn đã kết thúc hơn 30 năm trước. Kể từ đó đến nay, một loạt tội ác khác của lính Mỹ ở Việt Nam đã được làm sáng tỏ và phơi bày trước công luận. Đó là vụ giết hại nhiều dân thường ở làng Thạnh Phong do Bob Kerry (người sau này là thượng nghị sĩ Mỹ) và đội biệt kích SEAL do ông này chỉ huy, được tạp chí New York Times và CBS vạch trần năm 2001; một loạt hành động tàn bạo (gồm giết người, tra tấn và hành hình) liên quan tới cái chết của hàng trăm người ở tỉnh Quảng Ngãi do một đơn vị tinh nhuệ Mỹ có tên Mãnh Hổ (Tiger Force) thực hiện bị báo Toledo Blade phơi bày năm 2003. Bảy cuộc tàn sát và 78 cuộc tấn công khác nhằm vào dân thường cùng 141 vụ tra tấn được Thời báo Los Angeles đăng tải năm 2006... Ngoài ra còn có vụ sát hại hàng nghìn người Việt Nam ở vùng châu thổ sông Mekong trong chiến dịch Speedy Express do tạp chí The Nation khơi ra năm 2008. Tất cả cho thấy, nhiều cựu chiến binh Mỹ không chỉ phải sống chung với những ký ức về vụ thảm sát ở Mỹ Lai mà còn vô số hành động tàn bạo khác họ đã thực hiện ở Việt Nam. (còn nữa) Thanh Hảo (Theo Asia Times)
Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/thegioi/hoso/2009/09/866686/